Miền núi cao Nghệ An nhiệt độ hạ thấp xuống 1 độ C

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Những ngày cuối tháng 1/2023, vùng miền núi cao Nghệ An nhiệt độ liên tục hạ thấp đến 1 độ C, gây rét đậm, rét hại. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, người dân, chính quyền các địa phương chủ động các phương án phòng, chống rét, hạn chế các ảnh hưởng xấu.

Nhiệt độ hạ sâu về đêm và sáng sớm

Sáng 30/1, chị Vừ Y Lầu ở xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn cho biết, lúc 5h sáng nhiệt độ tại bản Phà Xắc tụt xuống 1 độ C. Theo chị Vừ Y Lầu, đây là mức nhiệt thấp kỷ lục ở Huồi Tụ trong mấy năm trở lại đây, khiến người dân co ro trong giá rét và phải hạn chế đi ra ngoài trời nếu không có việc cần.

Trong nhà, mọi người phải tăng cường đốt thêm củi sưởi ấm và che chắn các cửa tránh gió lùa. Nhất là trẻ em, người dân phải tăng cường áo ấm, nhiều gia đình có con nhỏ học mẫu giáo cho con nghỉ học ở nhà tránh rét.

Người dân mua áo ấm, găng tay, khăn chống rét tại chợ trung tâm xã Huồi Tụ để ứng phó với nhiệt độ hạ thấp kỷ lục. Ảnh: Quốc Sơn

Người dân mua áo ấm, găng tay, khăn chống rét tại chợ trung tâm xã Huồi Tụ để ứng phó với nhiệt độ hạ thấp kỷ lục. Ảnh: Quốc Sơn

Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ Hạ Bá Lỳ cho biết, buổi sáng nhiệt độ hạ thấp kỷ lục và chỉ tăng dần khi gần trưa. Đến gần 10h sáng, nhiệt độ mới tăng lên 3-4 độ và tiếp tục rét đậm, rét hại. Vì vậy, ngoài khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, cán bộ xã cũng nhắc nhở người dân tăng cường phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm.

Tại xã Na Ngoi, sáng sớm 30/1, nhiệt độ tại các bản trung tâm xã đạt 4-5 độ, còn tại các bản giáp biên giới với nước bạn Lào về đêm chỉ còn 1-2 độ.

Cũng như ở huyện Kỳ Sơn, các xã vùng sâu của các huyện Tương Dương và Quế Phong như Nhôn Mai, Mai Sơn, Tri Lễ… nhiệt độ đều hạ thấp khi về đêm và đầu giờ sáng. Tại các bản vùng biên của xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, thời điểm 7h tối 29/1, nhiệt độ giảm còn 3 độ, gây rét đậm, rét hại.

Nhiệt độ tại xã Huồi Tụ lúc 6h sáng 30/1. Ảnh: Người dân cung cấp

Nhiệt độ tại xã Huồi Tụ lúc 6h sáng 30/1. Ảnh: Người dân cung cấp

Chủ động các phương án phòng, chống rét

Huồi Tụ là xã miền núi cao, cách trung tâm huyện Kỳ Sơn 24 km, với 1.014 hộ, 4.802 nhân khẩu sinh sống ở 13 bản; xã xác định một thế mạnh là chăn nuôi gia súc, gia cầm. Số lượng đàn gia súc, gia cầm năm 2022 của Huồi Tụ tăng đều hàng năm. Cụ thể, đàn trâu có 789 con, tăng 214 con so với cùng kỳ năm ngoái; đàn bò đạt 2.724 con; đàn lợn 302 con, tăng 87 con so với cùng kỳ năm ngoái, đàn gia cầm 11.350 con. Bởi vậy, hàng năm UBND xã Huồi Tụ đều có kế hoạch cụ thể quán triệt đến từng hộ dân chủ động phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra.

Tương tự, tại xã Mường Lống, là địa phương nằm trong vùng có địa hình núi cao nhiều, độ cao trung bình so với mặt nước biển khoảng 900m, người dân chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, trong đó, đã xây dựng được một số hiệu quả và mang lại thu nhập ổn định như: mô hình trồng cỏ voi, cỏ Nhật Bản nuôi trâu, bò vỗ béo; mô hình chăn nuôi gà đen, lợn đen địa phương.

Người dân huyện Kỳ Sơn tăng cường thức ăn phòng, chống rét cho trâu, bò. Ảnh tư liệu: Lữ Phú

Người dân huyện Kỳ Sơn tăng cường thức ăn phòng, chống rét cho trâu, bò. Ảnh tư liệu: Lữ Phú

Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống Vừ Bá Xử cho biết, xã hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm đạt 15.378 con, trong đó, đàn trâu đạt 568 con, đàn bò đạt 2.469 con, đàn gia cầm 11.874 con. Ngoài ra, người dân còn nuôi thêm dê, ngựa, lợn. “Từ ngày 19 đến 23/2/2022 xảy ra rét đậm, rét hại làm chết 31 con trâu, bò của nhân dân, ước thiệt hại 334 triệu đồng. Vì vậy, cuối năm 2022, đầu năm 2023 UBND xã đã chủ động hướng dẫn, khuyến cáo người dân phòng, chống rét cho đàn vật nuôi để hạn chế thiệt hại” – ông Vừ Bá Xử cho biết.

Huyện Kỳ Sơn là địa phương có tổng đàn gia súc lớn, với trên 53.000 con trâu, bò, gần 30.000 con lợn, 20.000 con dê. Năm 2022, do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại vào mùa Đông nên gia súc của người dân thường bị thiệt hại với gần 1.000 con trâu, bò bị chết. Bởi vậy, huyện thường xuyên chỉ đạo người dân chủ động các phương án phòng, chống rét.

Trên địa bàn toàn tỉnh, tính đến cuối năm 2022, tổng đàn trâu, bò ước đạt 789.000 con, tăng 1,68%; tổng đàn lợn ước đạt 1,1 triệu con; tổng đàn gia cầm ước đạt 32,5 triệu con, tăng 16,08% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 282.000 tấn, tăng 4,44% so với năm 2021. Với số lượng gia súc, gia cầm tăng đều qua hàng năm, công tác phòng, chống rét luôn được triển khai thường xuyên.

Tin mới