Mùa ‘đếm lá thu tiền’ của người trồng trầu ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Áp Tết, người dân ở các làng trồng trầu không trở nên tất bật, khẩn trương để phục vụ nhu cầu thờ cúng của người dân.Có những hộ, mỗi ngày thu về cả triệu đồng từ bán lá trầu không…
Người dân xã Nghi Ân (Thành phố Vinh) hái trầu nhập cho thương lái. Ảnh: Thanh Phúc
Người dân xã Nghi Ân (Thành phố Vinh) hái trầu nhập cho thương lái. Ảnh: Thanh Phúc

Là hộ có diện tích trồng trầu không lớn nhất ở xã Nghi Ân, gia đình ông Nguyễn Hồng Thái (xóm 5) cho biết. “Nhà tôi trồng trầu không từ những năm 90 của thế kỷ trước. Ban đầu chỉ là mươi bụi trầu để sử dụng trong gia đình và bán ở chợ. Nhu cầu trầu không ngày càng cao, giá trị kinh tế mang lại gấp nhiều lần so với cây trồng khác nên sau đó, gia đình tôi quyết định mở rộng diện tích. Đến thời điểm hiện tại nhà tôi có khoảng 1.500m2 trầu không ở đất vườn và đất ruộng, mỗi tháng cho thu nhập trung bình từ 25 - 30 triệu đồng từ bán lá trầu. Sắp tới, tôi sẽ thuê ruộng để mở rộng diện tích trồng trầu không”.

Theo ông Thái, trầu không bán chạy nhất, được giá nhất là vào dịp Tết, từ Tết ông Công, ông Táo cho đến Rằm tháng Giêng là thời điểm nhu cầu của người dân tăng cao.

Dịp Tết, gia đình ông Nguyễn Hồng Thái thu về tiền triệu từ bán lá trầu không. Ảnh: Thanh Phúc
Dịp Tết, gia đình ông Nguyễn Hồng Thái thu về tiền triệu từ bán lá trầu không. Ảnh: Thanh Phúc

“Dịp áp Tết này, mỗi lá trầu có giá 1.500 - 2.000 đồng, hái không kịp nhập cho thương lái, phải huy động cả nhà hái trầu, xếp trầu. Có những ngày, xuất bán cả nghìn lá trầu, thu về 2-3 triệu đồng”, ông Nguyễn Hồng Thái cho biết.

Trên diện tích 300m2 trồng trầu, những ngày này, gia đình bà Nguyễn Thị Thuỷ xóm 7, Nghi Ân cũng tất bật với việc thu hái lá trầu bán cho thương lái. “Từ sau rằm tháng Chạp, giá trầu không đã có dấu hiệu tăng. Hiện nay, mỗi lá trầu tại vườn được bán với giá 1.500-2.000 đồng, tăng gấp đôi so với trước. Cao điểm nhất là từ ngày 24-29 Tết. Trầu hái đến đâu có người thu mua tận vườn đến đó. Mặc dù đã huy động hết nhân lực trong gia đình nhưng chúng tôi không kịp đáp ứng được số lượng thương lái thu mua”.

Toàn xã Nghi Ân hiện có khoảng vài chục hộ dân trồng cây trầu hàng hóa, tập trung nhất nhiều ở các xóm 5, 7, 8. Nhà trồng nhiều vài sào, ít cũng khoảng vài ba thước.

Giá trầu không tăng cao dịp Tết. Ảnh: Thanh Phúc
Giá trầu không tăng cao dịp Tết. Ảnh: Thanh Phúc

Theo các hộ trồng trầu không, những tháng giáp Tết thời tiết thuận lợi, cây sinh trưởng tốt cho năng suất cao và ít bị bệnh nấm lá. Đặc biệt vào dịp cuối năm, nhu cầu thờ cúng tăng, giá trầu tăng cao so với ngày thường (gấp 3 đến 4 lần) đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.

“Có thời điểm, ở Nghi Ân có cả trăm hộ trồng trầu không với diện tích lên đến vài ha. Tuy nhiên, cây trồng không rất kén đất, kén người trồng, dễ nhiễm bệnh nên nhiều hộ không nắm được kỹ thuật chăm sóc, khiến nhiều diện tích trầu không bị chết. Do đó, cận Tết, trầu không Nghi Ân rất “đắt hàng”, anh Nguyễn Duy Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Ân cho biết.

Không riêng gì ở Nghi Ân, dịp Tết, người trồng trầu không ở Nghi Trường (Nghi Lộc) và các địa phương khác đều phấn khởi khi năm nay, không có sương muối, lá trầu đẹp và bán được giá./.

Tin mới