Mười tám năm chờ đợi và khởi đầu con đường "trăm năm trồng người"

(Baonghean) - Năm 2005, tôi chính thức nhận công tác tại tổ Toán - Tin, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Đó là thời kỳ mà nhiều giáo viên kỳ cựu của trường đến tuổi về hưu, “thừa kế” lại cho thế hệ “đàn em” chúng tôi bề dày truyền thống dạy và học của ngôi trường vốn được xem là anh cả, là cánh chim đầu đàn của ngành giáo dục tỉnh nhà. Vinh dự, nhưng đồng thời cũng là trọng trách to lớn đối với những giáo viên trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề…
Mười năm trôi qua, gắn bó với ba khoá học sinh từ khi các em mới chập chững bước chân vào mái trường này cho đến những ngày cuối cùng của quãng đời học sinh phổ thông, mười năm nghe qua cứ ngỡ là dài, nhưng cũng thật ngắn ngủi. Trong quãng thời gian ấy, không chỉ có các em học sinh, mà chính bản thân những người thầy, người cô chúng tôi cũng không ngừng học tập, trau dồi bản thân và trăn trở với suy nghĩ “Phải làm sao để nối tiếp truyền thống dạy và học đáng tự hào mà các thế hệ đàn anh đi trước để lại?”.
Đó là những hy vọng khi mỗi năm đón các em học sinh mới, dõi theo và cảm nhận được từng bước các em trưởng thành. Đó là sự lo lắng mà thầy và trò cùng sẻ chia trước thềm những cuộc thi quan trọng - cơ hội để thể hiện và đánh giá kết quả của một thời gian dài nỗ lực không ngừng. Rồi cũng có những lúc hụt hẫng, tiếc nuối khi kết quả chưa được như kỳ vọng, thầy và trò cùng động viên nhau, tiếp tục phấn đấu và hướng tới cái đích xa hơn trên con đường vẫn còn dài của sự dạy và học…
Thầy giáo và bạn bè chúc mừng Hoàng Anh Tài. 	Ảnh: đinh nguyệt
Thầy giáo và bạn bè chúc mừng Hoàng Anh Tài. Ảnh: đinh nguyệt
Huy chương Bạc kỳ thi toán quốc tế của em Hoàng Anh Tài - học sinh lớp 12A1 Trường chuyên Phan Bội Châu là “quả ngọt” đầu tiên, không phải của mười năm mà là tận mười tám năm dài chờ đợi. Đúng mười tám năm về trước, bạn Hồ Ngọc Kỳ - học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã mang về cho trường tấm Huy chương Bạc trong kỳ Olympic Toán học châu Á và kể từ đó đến nay, trường chưa có thêm tấm huy chương nào của khu vực, quốc tế về môn Toán. Tôi nói là “bạn” bởi, vì một cơ duyên nào đó, đó cũng là năm tôi học lớp 12, nghe tin về bạn và không khỏi ngưỡng mộ, tự hào bởi sự vinh dự mà bạn mang về cho quê hương. Lúc đó, em Hoàng Anh Tài của chúng ta mới sinh ra đời, không thể nào ngờ rằng mình lại chính là người mang trọng trách viết lên trang lịch sử tiếp theo của ngôi trường này. Một trang sử bỏ ngỏ suốt mười tám năm, vừa đúng bằng thời gian của một thế hệ học sinh.
Được cùng em làm nên cột mốc đáng nhớ ấy trong lịch sử của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, đối với tập thể giáo viên trong tổ Toán - Tin chúng tôi chính là sự ghi nhận, là món quà to lớn nhất cho những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt một chặng đường đã qua. Có lẽ không ai trong tổ sẽ có thể quên được những ngày vừa qua, từ khi em Tài được giải Nhì kỳ thi Toán quốc gia, vượt qua hai vòng thi để được có mặt trong đội tuyển Việt Nam đi dự thi Olympic quốc tế ở Chiangmai (Thái Lan). Là thầy giáo chủ nhiệm, tôi được đại diện tổ Toán - Tin đồng hành cùng em trong quá trình đó.
Tôi nhớ rất rõ sáng ngày 10/7, diễn ra bài thi đầu tiên từ 9h sáng cho đến 1h30 phút chiều, đề thi được các chuyên gia đánh giá là khó hơn các năm trước và kết quả làm bài của các em trong đội tuyển cũng như của em Tài không đạt được như kỳ vọng. Điều này khiến các em khá căng thẳng về mặt tâm lý. Tôi cùng với các thầy giáo cùng đoàn đã động viên các em, “xốc” lại tinh thần chuẩn bị tốt nhất tham gia bài thi thứ hai vào sáng ngày 11. Từ chiều ngày 11 đến ngày 14, các hoạt động ngoại khoá, tham quan được ban tổ chức nước chủ nhà Thái Lan tổ chức, nhưng thú thật là tâm trí của cả thầy và trò vẫn “quanh quẩn” với những con số, lo lắng chờ đợi kết quả.
Mãi đến gần nửa đêm hôm 14/7, Hội đồng chấm thi mới thống nhất và công bố kết quả thì cả đoàn vỡ oà trong sung sướng, tự hào và nhẹ nhõm. Cả 6 em học sinh của đoàn Việt Nam đều giành được huy chương, trong đó có 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng, đứng thứ 5 trên bảng tổng sắp toàn đoàn, sau Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên. Đó là một kết quả hơn cả mong đợi - như lời trưởng đoàn, thầy Lê Bá Khánh Trình, bởi chính những đối thủ mạnh như Nga - liên tục đứng trong top 3 những năm 2012, 2013, 2014 mà nay chỉ đứng thứ 12. Lúc đó, tôi và em Tài ngay lập tức bấm máy gọi điện báo tin mừng cho thầy Đậu Văn Mùi - Hiệu trưởng nhà trường và cho chị Trần Thị Cầu, mẹ của em Tài.
Tôi còn nhớ lúc đó em Tài có chút tiếc nuối vì chỉ thiếu đúng 1 điểm nữa là đạt Huy chương Vàng (em được 25 điểm), tôi đã động viên cậu học trò nhỏ của mình: “Quan trọng là em đã học được điều gì qua cuộc thi này. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời mà không phải ai cũng có được trong đời học sinh, nhưng đồng thời đó cũng không phải là cái kết. Con đường phía trước em còn dài, em phải lấy đó làm động lực để cố gắng hơn nữa. Đây mới chỉ là khởi đầu…”.
Có lẽ, đây mới chỉ là khởi đầu cho em Tài và cho cả chính bản thân những người giáo viên chúng tôi trên con đường tiếp bước các thế hệ đàn anh đi trước. Trước đây, chúng tôi vẫn luôn bảo nhau rằng mình còn “mối nợ” chưa trả hết cho các thầy, các cô giáo và cho chính ngôi trường này. Nhưng bây giờ, tôi nghĩ sẽ không bao giờ chúng tôi “hết nợ”, bởi trách nhiệm của chúng tôi không chỉ dừng lại ở một, hai, ba hay bao nhiêu chiếc huy chương, mà là đào tạo ra những thế hệ học sinh sẽ làm rạng danh ngôi trường này từ nay cho đến nhiều năm về sau nữa. Cột mốc Mười tám năm này chắc chắn không phải là kết thúc, mà chính là khởi đầu cho chặng đường dài đang mở ra đầy hy vọng đối với thầy và trò của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Con đường trồng người, con đường trăm năm…
Thục Anh (Ghi)

Tin mới