Mỹ đóng băng hiệp ước Bầu trời Mở với Nga; Bộ trưởng mất chức vì đi du lịch với hoa hậu

(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua diễn ra với nhiều sự kiện như: Mỹ đóng băng hiệp ước Bầu trời Mở với Nga; Thổ Nhĩ Kỳ thành lập lực lượng vũ trang riêng ở Syria; Triều Tiên không phi hạt nhân hóa tới khi có tuyên bố kết thúc chiến tranh; Thảm kịch sập cầu đường bộ tại Italy, hàng chục người chết...

Mỹ đóng băng hiệp ước Bầu trời Mở với Nga

Trinh sát Tu-154, phương tiện hay được Nga sử dụng trong các chuyến bay trên không phận Mỹ trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời mở. Ảnh: Business Insider.
Trinh sát Tu-154, phương tiện hay được Nga sử dụng trong các chuyến bay trên không phận Mỹ trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời Mở. Ảnh: Business Insider.

Đạo luật quốc phòng mới của Mỹ khẳng định, Washington sẽ ngừng tài trợ kinh phí cho các hoạt động trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời Mở với Moskva.

"Không nguồn ngân sách nào được phân bổ để tài trợ cho các hoạt động như sửa chữa máy bay nhằm phục vụ việc thực hiện Hiệp ước Bầu trời Mở. Việc đình chỉ hiệp ước này sẽ được duy trì đến khi Tổng thống xác nhận với Quốc hội rằng đã triển khai các biện pháp trừng phạt các hành vi vi phạm hiệp ước của Nga", Sputnik ngày 13/8 trích nội dung Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) năm tài khóa 2019 của Mỹ.

Giới chức Mỹ hồi tháng 6/2017 cáo buộc Nga không tuân thủ các điều khoản của Hiệp ước Bầu trời Mở khi áp đặt hạn chế đối với các chuyến bay trên không phận Kaliningrad tại khu vực Baltic, trong khi Moskva khẳng định không vi phạm hiệp ước.

Thổ Nhĩ Kỳ thành lập lực lượng vũ trang riêng ở Syria

Một tay súng của nhóm đối lập FSA hoạt động ở tây bắc Syria. Ảnh: Sputnik.

Một tay súng của nhóm nổi dậy Quân đội Syria Tự do hoạt động ở Tây Bắc Syria. Ảnh: Sputnik.

Thổ Nhĩ Kỳ đang tập hợp các nhóm nổi dậy ở miền Bắc Syria để thành lập một lực lượng vũ trang mới mang tên "quân đội quốc gia" nhằm ngăn chặn chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad giành lấy các lợi ích chiến lược ở khu vực này.

Nguồn tin địa phương cho biết, lực lượng "quân đội quốc gia" mới mà Thổ Nhĩ Kỳ định thành lập gồm khoảng 35.000 tay súng từ các nhóm khác nhau, được tổ chức như một lực lượng hợp pháp, có quân phục, hệ thống cấp bậc quân hàm riêng và một đơn vị quân cảnh chuyên biệt.

Ngoài việc trả lương hàng tháng cho các tay súng thuộc lực lượng này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng hỗ trợ họ thiết lập 12 tiền đồn quân sự, tập trung chủ yếu ở tỉnh Idlib cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm cả trường học.

Triều Tiên không phi hạt nhân hóa tới khi có tuyên bố kết thúc chiến tranh

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hôm 12/6 ở Singapore, nơi hai bên cam kết thực hiện các bước hướng tới phi hạt nhân hóa. Ảnh: AP.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hôm 12/6 ở Singapore, nơi hai bên cam kết thực hiện các bước hướng tới phi hạt nhân hóa. Ảnh: AP

Tongil Shinbo, ấn phẩm hàng tuần của Triều Tiên cho biết, tiến trình phi hạt nhân hóa không thể có thêm bước tiến đáng kể nào nếu Mỹ không thực hiện các hành động tương ứng theo từng giai đoạn, chẳng hạn như tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), để xây dựng lòng tin giữa hai bên, Yonhap ngày 14/8 đưa tin.

Bài báo cũng đề cập tới đột phá trong quan hệ giữa Bình Nhưỡng với Seoul và Washington, nhưng khẳng định việc kết thúc tình trạng chiến tranh trên bán đảo vẫn là một nhiệm vụ chưa được giải quyết. 

Thảm kịch sập cầu đường bộ tại Italy, hàng chục người chết

Đoạn cầu sập dài khoảng 200 m. Ảnh: AJ+

Đoạn cầu sập dài khoảng 200 m. Ảnh: AJ+

Hãng thông tấn Italy ANSA đưa tin, hơn 180m của cây cầu đường bộ tại thành phố cảng Genoa, Italy đã bị sập. Sự việc xảy ra vào 5h sáng ngày 14/8 (giờ địa phương) trong một trận mưa lớn.

Giới chức nghi ngờ cấu trúc cầu kém là nguyên nhân dẫn tới vụ sập cầu. Truyền thông Italy cho biết, lực lượng cứu hộ đã được triển khai, đào sâu xuống đống đổ nát để tìm kiếm những người ở trong xe rơi từ cầu xuống. Hãng tin Adnkronos dẫn nguồn cơ quan cứu hộ khẩn cấp địa phương cho biết con số thương vong có thể là "hàng chục người".

Total và nhiều tập đoàn phương Tây "rục rịch" rút khỏi Iran

Chú thích ảnh
Cơ sở sản xuất dầu South Pars ở thị trấn Assaluyeh, miền Nam Iran. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 14/8, truyền thông nhà nước Iran dẫn tuyên bố của tập đoàn năng lượng Total (Pháp) cho biết, tập đoàn này đang đợi phản hồi từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) về việc liệu CNPC có mua lại cổ phần của Total tại dự án khai thác mỏ khí đốt South Pars 11 (SP11) ở Iran hay không.

Total hiện đang “rục rịch” rút khỏi dự án khai thác khí đốt trị giá nhiều tỷ USD sau khi Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Nguyên nhân dẫn tới động thái này là Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đợt hai từ tháng 11 tới nhằm vào các lĩnh vực cảng biển, năng lượng, vận tải biển và đóng tàu, các giao dịch dầu mỏ của Iran. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã cảnh báo rằng các công ty làm ăn với Iran sẽ không được làm ăn với Mỹ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng không chỉ có Total buộc phải rời khỏi Iran mà sẽ còn nhiều tập đoàn lớn của phương Tây sẽ phải lần lượt ra đi. Nhiều doanh nghiệp châu Âu đã lường trước được những động thái tiếp theo từ Washington sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. 

Israel có thể mở lại cửa khẩu Kerem Shalom tại dải Gaza

Cửa khẩu Kerem Shalom ở Rafah, dải Gaza ngày 13/5. Ảnh: AFP/TTXVN
Cửa khẩu Kerem Shalom ở Rafah, dải Gaza ngày 13/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 14/8, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman cho biết, nước này sẽ mở lại cửa khẩu hàng hóa duy nhất với Dải Gaza vào ngày 15/8 nếu tình hình yên tĩnh tại vùng đất bị phong tỏa này của Palestine vẫn được duy trì.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Lieberman nói rằng nếu tình hình yên tĩnh tiếp tục được duy trì tại khu vực biên giới với Dải Gaza hiện do Phong trào Hamas kiểm soát cho đến sáng 15/8, cửa khẩu Kerem Shalom sẽ được mở cửa vào 9 giờ sáng cùng ngày (giờ địa phương), tức 13 giờ chiều 15/8 theo giờ Việt Nam, và phạm vi khu vực đánh bắt cá sẽ được mở rộng cách bờ biển khoảng 14km. 

Trước đó, ngày 9/7, Israel đã đóng cửa cửa khẩu Kerm Shalon với một phần lý do là bởi phía Gaza thả diều và bóng bay gây cháy sang nước này. 

Cảnh sát chống khủng bố Anh điều tra vụ đâm xe ngoài tòa nhà Quốc hội

Hiện trường vụ đâm xe. Nguồn: abc.net.au
Hiện trường vụ đâm xe. Nguồn: abc.net.au

Cảnh sát Anh cho biết, đơn vị chống khủng bố đang tiến hành cuộc điều tra vụ việc bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ngày 14/8, nơi một chiếc ô tô đâm vào hàng rào an ninh, làm một số người bị thương.

Ga tàu điện ngầm Westminster gần đó đã bị đóng cửa sau khi xảy ra vụ việc. Các con đường xung quanh tòa nhà Quốc hội Anh cũng đã bị phong tỏa.

Trước đó, cảnh sát cho biết, một chiếc xe ô tô đâm vào hàng rào an ninh bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh làm một số người bị thương. Cảnh sát đã ngay lập tức bắt giữ người đàn ông lái xe. Theo thông báo mới nhất của cảnh sát, có 2 người bị thương nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. 

5 nước châu Âu sẽ tiếp nhận người di cư trên tàu cứu hộ Aquarius

Tàu Aquarius cập cảng Catania thuộc đảo Sicily, Italy sau chiến dịch cứu hộ người di cư trên Địa Trung Hải tháng 3/2017. Ảnh: AFP/TTXVN
Tàu Aquarius cập cảng Catania thuộc đảo Sicily, Italy sau chiến dịch cứu hộ người di cư trên Địa Trung Hải tháng 3/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 14/8, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, Pháp, Đức, Luxembourg, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã nhất trí tiếp nhận toàn bộ 141 người di cư trên tàu cứu hộ Aquarius. 

Thỏa thuận trên đã chấm dứt 4 ngày bế tắc về số phận 141 người di cư được tàu Aquarius cứu trên Địa Trung Hải sau khi Italy và Malta từ chối cho tàu này cập cảng. 

Trước đó ngày 10/8, tàu Aquarius đã cứu 141 người di cư và một nửa trong số này là trẻ em. Tuy nhiên, ngày 11/8, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini còn tuyên bố tàu Aquarius "sẽ không bao giờ thấy cảng Italy" một lần nữa. 

Bộ trưởng Na Uy mất chức sau khi đi du lịch nước ngoài cùng cựu hoa hậu

Bo truong Na Uy mat chuc vi di du lich nuoc ngoai cung cuu hoa hau hinh anh 2

Ông Per Sandberg và bạn gáiBahareh Letnes. Ảnh:Guardian.

Bộ trưởng Nghề cá Na Uy Per Sandberg đã phải từ chức sau khi bị phát hiện du lịch tới Iran cùng bạn gái là cựu hoa hậu mà không thông báo với chính phủ.

Theo Guardian, cựu Bộ trưởng Nghề cá Per Sandberg thừa nhận đã du lịch tới Iran trong tháng 7 cùng cô bạn gái Bahareh Letnes mà không thông báo cho Văn phòng Thủ tướng. Ông Sandberg cũng thừa nhận đã mang theo điện thoại làm việc trong chuyến đi tới quốc gia Hồi giáo.

Việc Bộ trưởng Sandberg du lịch tới Iran mà không được cho phép đã vi phạm quy định an ninh của Na Uy do cơ quan tình báo nước này từ lâu liệt Iran vào danh sách các quốc gia thường tiến hành tấn công tình báo chống Oslo.

Bạn gái của ông Sandberg, cựu hoa hậu Iran năm nay 28 tuổi Bahareh Letnes, từng 3 lần bị bác đơn xin tị nạn tại Na Uy và bị trục xuất. Cô này sau đó được cấp giấy phép cư trú với lý do có nguy cơ bị cưỡng ép kết hôn nếu ở lại Iran.

Tin mới