Nghệ An chuẩn bị 5 kịch bản ứng phó với bão Rai sắp vào biển Đông

(Baonghean.vn) - Nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của bão Rai trên biển Đông, chiều 17/12, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh ven biển bàn giải pháp ứng phó
Chủ trì hội nghị từ điểm cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Cùng dự có các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn Quốc gia và điểm cầu 28 tỉnh ven biển.

Chủ trì từ điểm cầu Nghệ An có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh và các sở ngành liên quan.

Các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và cứu hộ cứu nạn tỉnh Nghệ An theo dõi hội nghị trực tuyến từ điểm cầu Nghệ An. Ảnh Nguyễn Hải
Các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và cứu hộ cứu nạn tỉnh Nghệ An theo dõi hội nghị trực tuyến từ điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

Cơn bão trên biển Đông có tên quốc tế là Rai được dự báo là cơn bão cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp. Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (tối nay 17/12), bão Rai sẽ vào biển Đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 13-14, giật cấp 17, gây sóng biển cao từ 6- 8m, dự kiến sẽ đổ bộ vào biển Đông trong vòng 24 giờ tới sẽ đe dọa trực tiếp đến an toàn các tàu thuyền và các hoạt động trên biển, ven biển.

Hình ảnh mới nhất về siêu bão có tên Quốc tế trên biển Đông là Rai, nếu vào Việt Nam sẽ trở thành cơn bão số 9. Ảnh Tư liệu
Hình ảnh mới nhất về siêu bão có tên Quốc tế trên biển Đông là Rai, nếu vào Việt Nam sẽ trở thành cơn bão số 9. Ảnh tư liệu

Trên cơ sở thông tin do Đài Khí tượng Thủy văn Quốc gia cập nhật và dự báo tình hình hướng đi của bão, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã phát biểu đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các Bộ, ngành địa phương trong việc chủ động ứng phó với bão Rai. Tuy vậy, Phó Thủ tướng cũng lưu ý đây là bão mạnh, diễn biến phức tạp, xuất hiện vào cuối năm nên dễ dẫn đến tâm lý chủ quan. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi diễn biến, thông tin kịp thời về bão. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn quốc gia và các địa phương ven biển cần chủ động sẵn sàng các phương án ứng cứu, cứu hộ, đảm bảo an toàn cho người và tài sản cho người dân khi bão vào đất liền.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo phát biểu họp trực tuyến với các địa phương và đơn vị ven biển. Ảnh: Nguyễn Hải
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo, phát biểu họp trực tuyến với các địa phương và đơn vị ven biển. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại Nghệ An, để chủ động ứng phó với bão, UBND tỉnh Nghệ An đã có công điện chỉ đạo các đơn vị liên quan, các huyện ven biển theo dõi sát diễn biến của bão Rai. Nghệ An hiện có 3.500 phương tiện tàu thuyền và 2.700 lồng bè nuôi trồng thủy sản các loại. Đến chiều 17/12, vẫn còn 436 tàu thuyền cỡ nhỏ của bà con đang hoạt động trên biển.

Ngư dân Diễn Châu neo tàu thuyền ứng phó với bão sắp đổ bộ. Ảnh Tư liệu BNA
Ngư dân Diễn Châu neo tàu thuyền ứng phó với bão sắp đổ bộ. Ảnh tư liệu 

Ngay sau cuộc họp của Chính phủ, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc họp riêng với các thành viên với Ban chỉ huy PCLB và cứu hộ, cứu nạn tỉnh về kế hoạch ứng phó với bão. Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, mặc dù là cơn bão cuối mùa và dịp nghỉ trăng nhiều tàu thuyền đã về bờ nhưng đồng chí yêu cầu các đơn vị, địa phương không được chủ quan mà phải tập trung tối đa, tăng cường nhân lực và phương tiện để kêu gọi tàu thuyền còn lại đang hoạt động trên biển về neo đậu an toàn; khi đủ điều kiện thì ban hành lệnh cấm biển; kiên quyết không để người dân ở lại tàu, thuyền hoặc lồng bè nuôi trồng thủy sản khi bão vào.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh  phát biểu chỉ đạo giao lực lượng Biên phòng và các địa phương ven biển khẩn trương kêu gọi 436 tàu thuyền và người dân đang ở các lồng bè trên biển khẩn trương vào bờ.Ảnh: Nguyễn Hải
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo giao lực lượng Biên phòng và các địa phương ven biển khẩn trương kêu gọi 436 tàu thuyền và người dân đang ở các lồng bè trên biển khẩn trương vào bờ. Ảnh: Nguyễn Hải

Theo phương án được duyệt, Nghệ An có 5 kịch bản ứng phó, kèm với đó là các phương án sơ tán cho dân vùng ven biển tùy theo mức độ bão và mức độ nước biển dâng. Tuy vậy, khi bão vào, các đơn vị địa phương phải rà soát cụ thể để có dự lệnh, phương án di dời số lượng hộ dân từng vùng sát thực; không di dời tràn lan; sau bão kết hợp với không khí lạnh và hoàn lưu nên thường có mưa to nên chủ đầu tư các công trình thủy điện, hồ đập thủy lợi hoặc diện tích nuôi trồng thủy sản cần có phương án ứng phó; cùng với đó phải rà soát lại các điểm dễ xảy ra sạt lở, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều và hồ đập; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra./.

Tin mới