Nghệ An có 6 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Tính đến hết năm 2023, Nghệ An có 6 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

bna-3-3293.jpg
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai). Ảnh: T.P

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, đến hết 2023, toàn tỉnh có tổng diện tích canh tác ứng dụng công nghệ cao trên 31.000 ha; trong đó, diện tích trồng trọt trên 30.600 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản là 462,7 ha. Giá trị sản xuất bình quân đạt trên 250 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với sản xuất nông nghiệp đại trà.

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 25 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có một số doanh nghiệp tiêu biểu như Tập đoàn TH, Vinamilk Nghệ An, Tổng Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An, Công ty TNHH Khoa học công nghệ Vĩnh Hòa, Công ty TNHH Mía đường Nasu… Đây là những doanh nghiệp đi đầu, tạo sức lan tỏa trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Nghệ An.

bna-trang-trai-cnc-th-5257.jpg
Tập đoàn TH là doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An. Ảnh: CSCC

Đến nay, tỉnh Nghệ An có 6 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, Công ty Nafood Group là doanh nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận; các doanh nghiệp còn lại, gồm Công ty TNHH Việt Úc Nghệ An, Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH, Trang trại bò sữa Vinamilk Nghệ An, Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi Mavin, Công ty Mía đường Nasu do UBND tỉnh công nhận.

Về lâm nghiệp, ngày 31/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh Nghệ An (Quyết định số 509/QĐ-TTg). Đây là một trong 3 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chủ trương của Chính phủ và là khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thành lập sớm nhất trên cả nước.

bna-tham-quan-6724.jpg
Lãnh đạo sở, ngành tham quan mô hình trồng nho công nghệ cao ở xã Thịnh Sơn (Đô Lương). Ảnh: T.P

Mục tiêu của khu là đến năm 2025, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành ngành kinh tế động lực trong sản xuất và xuất khẩu của toàn khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng.

Theo nội dung Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị và Quyết định số 1059/QĐ-TTg, ngày 14/9/2023 của Thủ tướng, Nghệ An được định hướng tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế.

Trong đó, hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hành lang kinh tế Quốc lộ 48A với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, dược liệu.

bna-trong-dua-6044.jpg
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất dưa lưới. Ảnh: T.P

Để thực hiện có hiệu quả việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư; Rà soát, xây dựng danh mục các dự án, lĩnh vực cây, con chủ lực để thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư ứng dụng công nghệ cao liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất nguyên liệu gắn với xây dựng các nhà máy chế biến; đẩy nhanh tiến độ triển khai khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thu hút đầu tư…

Trong đó, chú trọng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển sản phẩm hàng hóa có lợi thế của tỉnh, nhất là các doanh nghiệp có năng lực tiếp cận công nghệ cao vào sản xuất.

Tin mới