Nghệ An đặt mục tiêu gieo trồng 37.635 ha cây trồng vụ Đông 2020

(Baonghean.vn) - Hết sức tập trung thực hiện tốt việc tưới và thoát nước, tiêu úng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lụt đối với trên 37.000 ha cây trồng vụ đông, là một trong những yêu cầu được đặt lên hàng đầu trong triển khai sản xuất vụ đông.
Chiều 10/8, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị triển khai Đề án tổ chức sản xuất vụ đông năm 2020. Ông Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT và ông Nguyễn Tiến Đức- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh chủ trì hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phú Hương
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phú Hương

Ưu tiên sản xuất an toàn, hàng hóa

Vụ đông năm nay, Nghệ An phấn đấu gieo trồng trên 37.635 ha cây trồng vụ đông các loại, trong đó 21.500 ha ngô, 1.500 lạc, 12.500 ha rau, đậu các loại…
Khác với nhiều năm, năm nay, một số diện tích đất lúa và màu vụ hè thu - mùa không sản xuất được do hạn hán, sẽ thuận lợi cho việc mở rộng diện tích cũng như gieo trồng sớm các cây trồng vụ đông.
Ông Nguyễn Văn Lập-  Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Nghệ An cho rằng: Yếu tố quan trọng nhất trong chỉ đạo sản xuất vụ đông, đó là vấn đề tổ chức sản xuất. Ảnh: Phú Hương
Ông Nguyễn Văn Lập - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Nghệ An cho rằng: Yếu tố quan trọng nhất trong chỉ đạo sản xuất vụ đông, đó là vấn đề tổ chức sản xuất. Ảnh: Phú Hương

Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, thời tiết trong vụ đông vẫn hết sức phức tạp, khó lường, trong khi hệ thống thủy lợi ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu tiêu úng, do đó ảnh hưởng đến thời vụ gieo trồng cũng như tâm lý e ngại, chờ hết mưa lụt mới tiến hành sản xuất vụ đông. 

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, bàn giải pháp chỉ đạo, mục tiêu là sản xuất vụ đông đạt mức cao nhất về diện tích, năng suất, sản lượng, với phương châm sản xuất an toàn, hàng hóa, hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Dương- Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành đề nghị tỉnh cần có chính sách hỗ trợ trên đất lúa vụ hè thu- mùa không gieo cấy được do hạn hán. Ảnh: Phú Hương
Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đề nghị tỉnh cần có chính sách hỗ trợ trên đất lúa vụ hè thu- mùa không gieo cấy được do hạn hán. Ảnh: Phú Hương

Tinh thần chung được thống nhất cao là: Căn cứ vào kế hoạch, điều kiện cụ thể của từng địa phương, để xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm nông sản lợi thế gắn với thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị thu nhập; sản xuất theo hướng cây ngô lấy hạt, làm thức ăn thô xanh cho bò và thu hoạch bắp tươi; cây rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và ứng dụng công nghệ cao đảm bảo sản phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và cây lạc sản xuất giống cho vụ xuân, trong đó, đặc biệt đẩy mạnh mở rộng diện tích rau các loại, nhất là các cây rau mang lại giá trị cao.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Đệ yêu cầu các địa phương xây dựng phương án sản xuất cụ thể tùy thuộc điều kiện thực tế. Ảnh: Phú Hương
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Đệ yêu cầu các địa phương xây dựng phương án sản xuất cụ thể tùy thuộc điều kiện thực tế. Ảnh: Phú Hương

Tiêu thoát nước tốt, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lụt

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nêu rõ: Để sản xuất vụ đông đạt hiệu quả cao, các đơn vị nông nghiệp và các địa phương cần có giải pháp đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ KHKT, KHCN, các quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ cũng như nhân nhanh các mô hình hiệu quả, duy trì và phát triển các diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời có giải pháp đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 
Cánh đồng bí xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao trong vụ đông tại xã Thanh Lĩnh, Thanh Chương. Ảnh: Phú Hương
Cánh đồng bí xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao trong vụ đông tại xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương). Ảnh: Phú Hương

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh: Với đặc thù thường xuyên bị ảnh hưởng của mưa lụt trong vụ đông, bên cạnh các giải pháp về phòng trừ sâu bệnh, thời vụ, các địa phương và ngành Thủy lợi phải tính toán, có kế hoạch gieo trồng sát với tình hình thực tế để vừa giảm thiểu được thiệt hại do mưa lũ, vừa đảm bảo cho năng suất cao và không ảnh hưởng đến kế hoạch gieo trồng cây trồng vụ xuân 2021.

Hết sức tập trung thực hiện tốt việc tưới và thoát nước, tiêu úng, xây dựng phương án chủ động thoát nước để chống úng cục bộ đối với cây trồng, trong đó cần quan tâm nhất là lạc, rau màu và một số vùng ngô, rau trên đất 2 lúa trong mùa mưa bão. 

 

Tin mới