Nghệ An đồng hành và giải quyết vướng mắc của doanh nhân, doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Chủ động vào cuộc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, coi khó khăn của doanh nghiệp, doanh nhân cũng là khó khăn của tỉnh. Đó là yêu cầu, thông điệp của lãnh đạo UBND tỉnh tại buổi tiếp xúc, đối thoại với các hội doanh nghiệp, doanh nhân vào đầu tháng 10 vừa qua.

Phúc đáp, trả lời ngày càng rõ và cụ thể

Theo dõi các kỳ giao ban, gặp mặt và đối thoại với Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nhân của UBND tỉnh gần đây, chúng tôi nhận thấy, với sự đốc thúc và giao việc cụ thể, rõ ràng của UBND tỉnh “hậu” giao ban, tiến độ giải quyết các vụ việc, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng rõ hơn. Có những việc giải quyết được thì giải quyết, trả lời luôn, giảm hẳn tình trạng lòng vòng, chuyển qua lại dưới hình thức xin ý kiến giữa các sở, ngành chức năng.

bna_Đại diện tư vấn báo cáo công bố DCCI Nghệ An.jpg
Đại diện Công ty Econimica báo cáo kết quả đánh giá xếp hạng DDCI năm 2022 đối với các sở, ngành và cấp huyện Nghệ An, ghi nhận nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Ảnh: Nguyễn Hải

Cụ thể, có những vụ việc nào thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành hoặc UBND cấp huyện thì thông qua trao đổi, đối thoại UBND tỉnh yêu cầu sở, ngành liên quan trả lời; nếu thuộc thẩm quyền của tỉnh thì UBND tỉnh cũng đề nghị, giao rõ sở, ngành nào chủ trì, ngành nào phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh phương án giải quyết; nếu vụ việc vượt quá thẩm quyền của tỉnh phải xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương.

Điển hình là kiến nghị của Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng Nghệ An về bàn giao tài sản hạ tầng KCN Nam Cấm. Đây là vụ việc kéo dài nhiều năm nhưng tại các phiên làm việc gần đây, vấn đề đã rõ dần hơn. Trên cơ sở tham mưu của các sở, ngành liên quan, được biết, Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng Nghệ An chưa phải là nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu B theo quy định và có 26/30 doanh nghiệp không đồng thuận với phương án tổ chức hoạt động nếu bàn giao tài sản của Công ty. Sở Tài chính đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh chưa đủ cơ sở để bàn giao tài sản hạ tầng. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh có văn bản giao Sở Tài chính tham mưu, trình UBND tỉnh việc bàn giao tài sản của KCN Nam Cấm cho Công ty khi đảm bảo điều kiện theo quy định.

bna_Đại diện DN phát biểu.jpg
Đại diện một doanh nghiệp dịch vụ logistics phát biểu tại diễn đàn đối thoại với Cục Hải quan Nghệ An tháng 8/2023. Ảnh: Nguyễn Hải

Vụ việc thứ hai là kiến nghị của Công ty Xăng dầu Nghệ An về đấu nối thực hiện dự án Cửa hàng xăng dầu tại xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn. Trên cơ sở trả lời của Khu quản lý đường bộ II, Bộ Giao thông Vận tải ngày 18/9/2023, vị trí không đảm bảo khoảng cách tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 50/2015 và Thông tư số 39/2021 của Bộ Giao thông Vận tải. Căn cứ vào trả lời này, Công ty Xăng dầu Nghệ An đã có văn bản xin rút kiến nghị.

bna_So giao thông chủ trì.jpg
Đại diện lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải trả lời phúc đáp kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải về phương án phân luồng tuyến giao thông ở TP Vinh tại một kỳ đối thoại tháng 3/2023. Ảnh: Nguyễn Hải

Ở chiều ngược lại, kiến nghị của Công ty CP Bến xe Nghệ An về vướng mắc trong đấu nối tại Bến xe phía Nam thành phố Vinh, UBND tỉnh cho biết: Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam về việc bổ sung thông tin điểm đấu nối vào Quốc lộ 1, đoạn tránh thành phố Vinh tại Km22- 900. Sở đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra thực địa, thống nhất ý kiến và có văn bản về việc bổ sung đấu nối vào dự án. UBND tỉnh đã có Văn bản số 7393/UBND-CN gửi Cục Đường bộ làm rõ một số nội dung liên quan; đồng thời đề nghị Công ty CP Bến xe là chủ đầu tư dự án phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đường bộ sớm có văn bản đề làm cơ sở UBND tỉnh xem xét, quyết định việc bổ sung điểm đấu nối vào Quốc lộ 1 tuyến tránh TP Vinh.

bna_ Đoạn tránh Vinh.jpg
Đoạn Quốc lộ 1 đường tránh TP Vinh tại K22 +900 do chưa đủ điều kiện mở điểm đấu nối nên Bến xe Nam Vinh chưa thể hoạt động như dự kiến. Ảnh: Nguyễn Hải

Đây chỉ là 3 trong số trong số 25 kiến nghị, trong đó có 16 kiến nghị từ kỳ trước và 9 kiến nghị mới đã được cộng đồng doanh nghiệp gửi đến các sở, ngành và UBND tỉnh và được giải quyết rõ, không vòng vo, doanh nghiệp không còn tâm lý phải chờ đợi. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong 16 kiến nghị từ kỳ trước, hiện đã tham mưu giải quyết 13 kiến nghị, còn 3 kiến nghị đang trong thời gian giải quyết; trong số 9 kiến nghị mới có 7 kiến nghị đang giải quyết và 2 kiến nghị không giải quyết được thì tỉnh đã trả lời ngay.

Phát huy tinh thần đồng hành và chia sẻ

Phát biểu chia sẻ tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An cũng nêu quan điểm: Giai đoạn hiện nay, nỗ lực đồng hành hỗ trợ, cải thiện môi trường kinh doanh, doanh nghiệp không chỉ từ phía cấp ủy, chính quyền tỉnh mà cần phải có nỗ lực, chia sẻ từ phía các doanh nghiệp mới có hiệu quả và bền vững.

Trên thực tế, có những việc đơn giản, thuộc thẩm quyền của tỉnh thì tỉnh xem xét, giải quyết được nhưng cũng có những kiến nghị vượt thẩm quyền, quy định pháp luật chưa có hoặc quy định chưa rõ ràng thì doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với tỉnh; cung cấp thông tin, tài liệu cụ thể thì tỉnh mới có hướng xử lý được.

bna_Đại diện Hiệp hội BĐS tỉnh đồng thời là chủ đầu tư 1 dự án nhà ở xã hội kiến nghị.jpg
Đại diện Hiệp hội Bất động sản tỉnh kiến nghị tỉnh công bố đơn giá vật liệu cơ bản làm cơ sở hạch toán xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Ảnh: Nguyễn Hải

Nhóm nội dung mà tỉnh cần có sự chia sẻ thông tin của các doanh nghiệp, doanh nhân đó là các dự án đầu tư mà bản chất là nhận chuyển nhượng lại tài sản trên đất qua quá trình cổ phần hóa hoặc chuyển đổi doanh nghiệp. Theo quy định, mặc dù nhận lại tài sản trên đất nhưng việc sử dụng đất phải đúng phương án cổ phần hóa và mục đích sử dụng đã được phê duyệt và phải xây dựng theo quy hoạch được duyệt.

Nhóm nội dung kiến nghị này tại các kỳ giao ban trước, các doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần nhưng căn cứ vào phúc đáp trả lời của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh trả lời cho các doanh nghiệp rõ là vấn đề này đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết trả lời và không cho phép sử dụng sai mục đích được duyệt.

Phát biểu tại giao ban, ông Trần Anh Sơn – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh cho biết: Các kỳ giao ban gần đây, với tinh thần vào cuộc chủ động và cởi mở của UBND tỉnh nên gần đây các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp cũng thiết thực hơn, phản ánh nhịp đập của nền kinh tế và môi trường đầu tư của tỉnh.

Cùng với đó là các vướng mắc xung quanh việc tiếp cận vốn vay hỗ trợ đầu tư dự án nhà ở xã hội; vướng mắc về tiêu chuẩn, quy chuẩn xuất khẩu khoáng sản; quy trình đầu tư các khu hạ tầng phát triển, khai thác quỹ đất đầu tư công hàng năm và phần phân chia các khoản thu từ đặt cọc mua đất… Các kiến nghị trên được Hiệp hội Bất động sản, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Quỳ Hợp, UBND huyện Nghi Lộc nêu và UBND tỉnh nhận thấy là hợp lý và chính đáng nên sẽ tiếp thu và trình HĐND tỉnh sớm sửa đổi Nghị quyết 20 trong thời gian tới.

bna_Đ.c Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch và đ.c Bùi Thanh An PCT chủ trì giao ban với Hiệp hội DN doanh nhân tháng 10.2023.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An đồng chủ trì, kết luận hội nghị giao ban với Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh tháng 10/2023. Ảnh: Nguyễn Hải

Kết luận tại buổi giao ban với các Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị các sở, ngành khi có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành chủ quản hoặc tham mưu cho tỉnh, căn cứ vào hồ sơ tài liệu và hiện trạng, sở, ngành phải nêu rõ quan điểm, hướng giải quyết của mình; các doanh nghiệp sau khi nhận được trả lời, văn bản của tỉnh cũng phải chủ động bám các nội dung, tiến độ mà tỉnh đã chỉ đạo để kịp thời cập nhật thông tin, phản hồi lại để UBND tỉnh đôn đốc, thay vì thụ động ngồi chờ...

Đồng tình cao với tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, ông Trần Anh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh cũng kiến nghị, để tăng tính chủ động cho các sở, ngành và tỉnh, các kiến nghị mới cần được các hội doanh nghiệp, doanh nhân tổng hợp để phân loại xử lý. Việc nào cấp bách thì tỉnh xem xét giải quyết ngay, vụ việc nào thuộc thẩm quyền của tỉnh nhưng cần thời gian xem xét thì đưa ra trao đổi, xử lý tại phiên giao ban gần nhất.

bna_Hạ tầng khu đấu giá đất xóm Eo Bù trước UB xã Nghi Thuận thuận lợi nên đấu giá thành ngay từ lần đầu tiên.jpg
Cùng với vướng mắc liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn xuất khẩu khoáng sản mà Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Quỳ Hợp kiến nghị, vấn đề thanh toán tiền đầu tư hạ tầng các Khu đấu giá khai thác quỹ đất cũng được Hội Doanh nghiệp thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc kiến nghị gỡ khó. Trong ảnh: Khu đấu giá khai thác quỹ đất tại xã Nghi Thuận, Nghi Lộc. Ảnh: Nguyễn Hải

Tin rằng, với cách làm như trên thì hiệu quả các phiên giao ban, đối thoại của tỉnh với các cộng đồng, Hiệp hội Doanh nghiệp sẽ đạt hiệu quả cao hơn; sự chia sẻ, tương tác giữa cấp ủy, chính quyền tỉnh với doanh nghiệp ngày càng bền chặt.

Theo Cục Thuế tỉnh, tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có trên 14.600 doanh nghiệp đang hoạt động phát sinh thuế; bình quân mỗi năm các doanh nghiệp đóng góp gần 38% GRDP của tỉnh và đóng góp cho ngân sách khoảng 67-68% tổng thu ngân sách hàng năm; các doanh nghiệp cũng tạo việc làm cho trên 230 ngàn lao động toàn tỉnh.

Tin mới