Nghệ An khởi động tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Với 180.000 ha lúa/năm, trong điều kiện Nhà nước triển khai các chính sách về thị trường tín chỉ carbon, Nghệ An đã có những bước khởi động ban đầu. Báo Nghệ An phỏng vấn ông Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xung quanh vấn đề này. 

PV: Thưa ông! Tạo tín chỉ carbon là một nội dung được coi là còn khá mới mẻ không chỉ ở Nghệ An mà còn đối với địa bàn cả nước. Ông có thể chia sẻ một số nội dung cơ bản về vấn đề này?

Ông Phùng Thành Vinh: Tín chỉ carbon là tài nguyên quý giá đối với sản xuất nông nghiệp trong tương lai nhưng chưa được khai thác.

Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án 1 triệu hecta lúa giảm phát thải tại Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những bước đi đầu tiên để triển khai vấn đề này tại Việt Nam. Đây được coi là hình mẫu về sản xuất lúa giảm phát thải mà Việt Nam là nước đầu tiên triển khai trên thế giới, trước những thách thức về biến đổi khí hậu và an ninh lương thực. Khi thành công, sẽ thu hút sự quan tâm và hỗ trợ của các đối tác quốc tế về nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ trong việc phát triển và nhân rộng. Chúng ta cũng sẽ bán tín chỉ carbon thông qua sản xuất lúa chất lượng cao, giảm chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận cũng như tính chuyên nghiệp của nông dân.

bna-lua-na-anh-phu-huong-9025.jpg
Nghệ An có diện tích sản xuất lúa trên dưới 180.000 ha/năm. Ảnh tư liệu: Phú Hương

Khi đạt được chứng chỉ carbon, thương hiệu và giá trị gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới sẽ tăng lên. Sản xuất vừa đáp ứng nhu cầu về an ninh lương thực, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua làm việc với Ngân hàng Thế giới, có khả năng trong năm 2024 có thể chi trả được tín chỉ carbon cho những diện tích lúa thực hiện VnSAT đảm bảo sản xuất giảm phát thải khí nhà kính. Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang thúc đẩy sớm đưa thị trường tín chỉ carbon Việt Nam hoạt động trong năm tới và có thể chính thức tham gia sàn giao dịch tín chỉ carbon thế giới trong các năm tiếp theo.

PV: Sản xuất lúa gạo là ngành sản xuất quan trọng, tuy nhiên phương thức sản xuất hiện nay còn tồn tại và tiềm ẩn nhiều bất cập. Nỗ lực tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa sẽ giải quyết được những vấn đề gì, thưa ông?

Ông Phùng Thành Vinh: Với diện tích trồng lúa trên 180.000 ha, mỗi năm Nghệ An có tổng sản lượng lương thực trên dưới 1,1 triệu tấn/năm, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn có dư thừa, đem lại thu nhập cho nông dân.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp cũng là lĩnh vực góp phần làm phát sinh khí nhà kính, thúc đẩy quá trình trái đất ấm lên, mà trong đó, sản xuất lúa chiếm hơn 50% lượng phát thải khí nhà kính.

bna-phun-thuoc-anh-phu-huong-2538.jpg
Sản xuất nông nghiệp cũng là lĩnh vực góp phần làm phát sinh khí nhà kính, thúc đẩy quá trình trái đất ấm lên. Ảnh tư liệu: Phú Hương

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, là do thói quen sản xuất cũ, sử dụng nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, không khoa học. Với phương pháp tưới ngập, nước được duy trì liên tục trên ruộng ngay từ trước khi cấy đến khoảng 2 tuần sau trổ; vừa tốn nước tưới, công bơm nước, lại phát thải nhiều khí mê-tan CH4, đóng góp đáng kể khí gây hiệu ứng nhà kính.

Hoạt động giảm phát thải khí mê-tan liên quan chặt chẽ đến kỹ thuật điều tiết nước trên ruộng lúa, cụ thể là kỹ thuật “tưới ngập- khô” xen kẽ hay còn gọi là “Nông lộ phơi”, không chỉ giúp giảm lượng nước sử dụng mà còn tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho nông dân. Khí mê-tan phát thải giảm thông qua kỹ thuật này là cơ sở để phát hành tín chỉ carbon, từ đó làm lợi trực tiếp cho nông dân thông qua số tín chỉ mà họ đạt được.

Đây là phương pháp tưới đã được nghiên cứu và áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, giúp tiết kiệm 20- 50% nước, công và chi phí tưới nước trong khi cây lúa vẫn phát triển tốt, đặc biệt giảm phát thải khí mê-tan 20-48%, giảm vấn đề gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Bằng việc tuân thủ đúng các biện pháp kỹ thuật, thực hiện tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa, nông dân vừa có cơ hội nâng cao thu nhập qua việc bán tín chỉ carbon, vừa đặc biệt đóng góp tích cực vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, đảm bảo tiết kiệm nguồn tài nguyên nước.

bna-thu-hoach-lua-anh-phu-huong-655.jpg
Với diện tích trồng lúa trên 180.000 ha, mỗi năm Nghệ An có tổng sản lượng lương thực trên dưới 1,1 triệu tấn/năm. Ảnh tư liệu: Phú Hương

PV: Vậy hướng đi của Nghệ An trong vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Phùng Thành Vinh: Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững… Tiếp tục quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-zôn, cũng như cụ thể hóa thị trường tín chỉ carbon. Sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được thành lập và dự kiến tiến hành thử nghiệm từ năm 2025. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng khuyến khích áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước, như tưới ngập - khô xen kẽ để giảm lượng nước tưới và giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính.

Với diện tích sản xuất lúa 180.000 ha/năm, Nghệ An có tiềm năng lớn trong giảm phát thải, tiềm năng giảm 1,44 triệu t-CO2e. Dự án hợp tác nhằm phát hành tín chỉ carbon trong sản xuất lúa được bắt đầu triển khai thử nghiệm từ vụ xuân 2024, dự kiến ở mùa đầu tiên, dự án sẽ thực hiện trên diện tích gần 6.000 ha lúa ở các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Đô Lương, Diễn Châu..., thuộc vùng tưới của Thuỷ lợi Bắc và Thuỷ lợi Nam, với khoảng 24.000 hộ dân tham gia.

bna-ktra-yt-anh-phu-huong-7270.jpg
Lãnh đạo tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tình hình sản xuất lúa hè thu tại huyện Yên Thành. Ảnh: Phú Hương

Đây là dự án lần đầu tiên triển khai tại Nghệ An cũng như Việt Nam để lấy tín chỉ carbon trong trồng lúa, có sự hỗ trợ của JICA nên có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện. Các vấn đề liên quan về kỹ thuật, cơ sở hạ tầng… sẽ được giải quyết theo từng giai đoạn của dự án. Dự án phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, đóng góp tích cực vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước; được thực hiện thông qua tư vấn từ một đơn vị do JICA Việt Nam giới thiệu.

Để sản xuất lúa theo hướng đáp ứng yêu cầu tạo tín chỉ carbon, cần đáp ứng nhiều tiêu chí, yêu cầu từ khâu tổ chức và chấp hành tốt thời vụ sản xuất, các biện pháp canh tác. Đến nay, Nghệ An đã thực hiện nhiều biện pháp canh tác thông minh như áp dụng SRI, với diện tích từ 10.000 - 12.000 ha mỗi vụ sản xuất. Đây được coi là tiền đề thuận lợi để áp dụng quy trình tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa. Dự kiến sau khi thành công trên cây lúa, sẽ mở rộng trên một số loại cây trồng khác vốn có diện tích, tiềm năng lớn như ngô, mía, chè… và trong chăn nuôi bò.

bna-lua-yt-anh-phu-huong-3374.jpg
Sản xuất lúa hè thu ở Yên Thành. Ảnh tư liệu: Phú Hương

Tuy nhiên, đây là hướng đi còn rất mới mẻ, ngay cả các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương còn chưa thực sự nắm rõ chứ chưa nói đến nông dân. Vì vậy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến là việc cần làm đầu tiên. Đồng thời, chính quyền và các cơ quan chuyên môn phải thực sự phối hợp, quy hoạch vùng, trên cơ sở đó đưa ra quy trình sản xuất chuẩn để chỉ đạo thực hiện, tạo thành áp lực để tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tin mới