Nghệ An phấn đấu đến năm 2025 thu ngân sách đạt 26.000 - 30.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Nghệ An đặt chỉ tiêu thu ngân sách của tỉnh đến năm 2025 đạt 26.000 - 30.000 tỷ đồng; hiện các ngành, các cấp đang tiếp tục nỗ lực thực hiện để đồng thời góp phần đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ mục tiêu lớn của tỉnh, nhất là trong thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung làm việc tại huyện Anh Sơn. Ảnh: Phạm Bằng

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung làm việc tại huyện Anh Sơn. Ảnh: Phạm Bằng

Trong những năm qua, công tác quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh. Công tác tài chính - ngân sách Nhà nước và quản lý nợ công đã có những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xử lý các vấn đề cấp bách về thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu... Đặc biệt, năm 2020 và 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lụt trên diện rộng, nhưng UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các ngành, các cấp, các đơn vị, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Nhìn lại những kết quả nổi bật thời gian qua, có thể thấy: HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách phân cấp nguồn thu ngân sách Nhà nước, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách cho các giai đoạn 2011-2015; 2017-2021; 2022-2025. Qua các giai đoạn, cơ bản đã khắc phục tình trạng lồng ghép trong quản lý ngân sách Nhà nước; ngày càng đẩy mạnh phân cấp, tạo sự chủ động và tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thăm dây chuyền sản xuất chè của Công ty cổ phần Mía đường Sông Lam. Ảnh: Phạm Bằng

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thăm dây chuyền sản xuất chè của Công ty cổ phần Mía đường Sông Lam. Ảnh: Phạm Bằng

Cùng với ban hành cơ chế, chính sách phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho các cấp, thì HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương cho các giai đoạn nêu trên. Việc thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách đã góp phần từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, phấn đấu giảm dần tỷ lệ chi thường xuyên, góp phần cơ cấu lại thu - chi ngân sách Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng sở, ngành và địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Để đảm bảo đạt được các chỉ tiêu đề ra theo kế hoạch, phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An theo yêu cầu đặt ra, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 5181/QĐ-UBND ngày 10/10/2014 của UBND tỉnh về ban hành Đề án tăng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Đặc biệt là với nỗ lực của tỉnh, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Nghệ An được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước và phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, lâm nghiệp tại Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội. Đây được coi là cơ hội tạo bứt phá để Nghệ An phát triển nhanh và bền vững.

Hằng năm, căn cứ Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước, UBND tỉnh đã ban hành nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chỉ thị tăng cường công tác thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An; ban hành cơ chế quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước. Theo đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước ngày càng hiệu quả, chặt chẽ và linh hoạt; tăng mức độ công khai, minh bạch.

Sản xuất tôn thép ở Nhà máy Tôn Hoa Sen Quỳnh Lập (KCN Hoàng Mai). Ảnh: Trân Châu

Sản xuất tôn thép ở Nhà máy Tôn Hoa Sen Quỳnh Lập (KCN Hoàng Mai). Ảnh: Trân Châu

Trong năm 2021, để phát triển kinh tế - xã hội có tính trọng tâm, trọng điểm và tạo tính đột phá, HĐND tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển các địa phương như thị xã Cửa Lò, huyện Nam Đàn, thành phố Vinh, đây tiếp tục là những “bàn đạp” để các địa phương tăng tốc về thu ngân sách.

Như vậy, về cơ bản, công tác quản lý tài chính ngân sách giai đoạn 2013 - 2021 có nhiều chuyển biến tích cực. Qua gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị, tài chính ngân sách đã có những bước phát triển và chuyển biến đáng kể. Thu, chi ngân sách cơ bản đã đáp ứng được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thu ngân sách và huy động nguồn lực đã được bố trí và phân bổ hợp lý.

Tổng thu ngân sách giai đoạn 2014 - 2020 của Nghệ An đạt 88.599 tỷ đồng (trong đó, riêng giai đoạn 2014 - 2019 chiếm 79,9% tổng thu của cả giai đoạn), tốc độ tăng bình quân đạt 14,5% năm, đứng thứ 7 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2019 thực hiện 16.400 tỷ đồng, năm 2020 thực hiện 17.836 tỷ đồng, năm 2021 thực hiện 19.993 tỷ đồng, đứng thứ 5 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và đứng thứ 17 cả nước.

Một góc khu vực trung tâm thành phố Vinh, Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Một góc khu vực trung tâm thành phố Vinh, Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Cơ cấu thu ngân sách từng bước bền vững hơn, với tỷ trọng thu nội địa tăng dần. Thu nội địa có xu hướng tăng ổn định hàng năm, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu mang tính không ổn định, phụ thuộc nhiều yếu tố về cơ chế, chính sách, máy móc, thiết bị nhập khẩu đầu vào của các dự án, xăng, dầu,… Mặc dù vậy, thu ngân sách trên địa bàn vẫn chưa đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên. Cơ cấu nguồn thu chưa tích cực và vững chắc. Chưa có nguồn thu lớn chủ lực. Nguồn thu chủ yếu dựa vào thu thuế các doanh nghiệp, song các doanh nghiệp đóng trên địa bàn có nộp thuế hàng năm trên 10 tỷ đồng còn ít.

Để đạt được tăng trưởng nguồn thu ngân sách Nhà nước, ngành Tài chính quyết tâm và nỗ lực cùng các ngành, các địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu ngân sách, nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực ngân sách, hiệu quả quản lý nợ công. Bên cạnh cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước; đổi mới quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và hoàn thiện hạ tầng, đẩy mạnh thu hút đầu tư./.

Tin mới