Nghệ An quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm

Nghệ An quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Các sản phẩm được đầu tư thương hiệu đều mang lại hiệu quả cao, được thị trường chấp nhận và giá bán tăng từ 10-30%, nhiều sản phẩm đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, vào hệ thống bán lẻ hiện đại và xuất khẩu.

Tăng giá trị sản phẩm

Khi đưa sản phẩm ra thị trường, việc chọn nhãn hiệu, logo sản phẩm được hộ kinh doanh quan tâm đầu tư. Ảnh: Thanh Phúc

Khi đưa sản phẩm ra thị trường, việc chọn nhãn hiệu, logo sản phẩm được hộ kinh doanh quan tâm đầu tư. Ảnh: Thanh Phúc

Ban đầu, chỉ là một hộ sản xuất nhỏ lẻ nhưng khi đưa ra thị trường, bà Hồ Thị Xuân Hương ở xã Nam Anh (Nam Đàn) đã rất chú trọng việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Theo đó, bà đã xây dựng bộ nhận diện thương hiệu: Chọn nhãn hiệu đăng ký bảo hộ, mã truy xuất nguồn gốc, logo, tem chống hàng giả… Đồng thời, chuẩn hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín trên thị trường.

Nhờ đó, sản phẩm của bà được thị trường đón nhận tích cực, mỗi năm tiêu thụ 70.000 lít, doanh thu hàng tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương. Bà Hương cho biết: “Nhờ có thương hiệu nên sản phẩm tương của chúng tôi được người tiêu dùng biết đến, chọn lựa, đồng thời được các cửa hàng đặc sản, các nhà hàng, khách sạn chọn lựa. Liên tiếp 3 năm liền, chúng tôi luôn đạt mức tăng trưởng dương, doanh thu không ngừng tăng lên”.

Đèn lồng mây tre đan - sản phẩm 5 sao OCOP Quốc gia của Nghệ An hiện có mặt trên 20 quốc gia nhờ đầu tư xây dựng thương hiệu tốt. Ảnh: Thanh Phúc

Đèn lồng mây tre đan - sản phẩm 5 sao OCOP Quốc gia của Nghệ An hiện có mặt trên 20 quốc gia nhờ đầu tư xây dựng thương hiệu tốt. Ảnh: Thanh Phúc

Chuyên kinh doanh các sản phẩm dược liệu chăm sóc sức khỏe, Tập đoàn Bometa (Hưng Đông, TP. Vinh) luôn chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu. Ông Nguyễn Văn Học - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bometa cho biết: “Việc xây dựng thương hiệu có ý nghĩa rất quan trọng trong mục tiêu tăng giá trị cho sản phẩm, doanh thu cho doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi đầu tư công phu, bài bản về bao bì, nhãn mác, logo nhận diện cũng như các giấy tờ, thủ tục để bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm của mình”.

Toàn tỉnh hiện có gần 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, mỗi doanh nghiệp sẽ có chiến lược khác nhau để xây dựng thương hiệu, tạo dựng hình ảnh với khách hàng. Nhưng tất cả các doanh nghiệp đều chú trọng đến những giá trị cốt lõi như: Chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ, chiến lược truyền thông hình ảnh, quảng bá thương hiệu.

Giá thành của các sản phẩm có thương hiệu tăng 10-30% so với các sản phẩm cùng loại không có thương hiệu. Ảnh: Thanh Phúc

Giá thành của các sản phẩm có thương hiệu tăng 10-30% so với các sản phẩm cùng loại không có thương hiệu. Ảnh: Thanh Phúc

Theo số liệu từ Sở Khoa học và Công nghệ, tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 31 nhãn hiệu tập thể, 8 nhãn hiệu chứng nhận và 3 chỉ dẫn địa lý; có 1.780 đối tượng được bảo hộ, trong đó có 1.679 nhãn hiệu, 76 kiểu dáng, 16 giải pháp hữu ích và 9 sáng chế. Các sản phẩm được đầu tư thương hiệu đều mang lại hiệu quả cao, được thị trường chấp nhận và giá bán tăng từ 10-30%, nhiều sản phẩm đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, vào hệ thống bán lẻ hiện đại và xuất khẩu.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, làng nghề cũng như các chủ hộ sản xuất xây dựng thương hiệu, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách như: Cung cấp thông tin, kiến thức về xây dựng và phát triển thương hiệu; tuyên truyền, đào tạo về xây dựng và phát triển thương hiệu; tư vấn thiết kế, tra cứu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại thị trường trong và ngoài nước; tư vấn xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu; quảng cáo miễn phí các sản phẩm trên website của Sở Công Thương và các trung tâm thương mại; hỗ trợ đưa sản phẩm quảng bá tại các hội chợ, triển lãm…

Năm 2022, Nghệ An có 25 sản phẩm được công nhận công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 8 sản phẩm cấp khu vực. Tính theo lũy kế, đến nay Nghệ An đã có 96 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 26 sản phẩm cấp khu vực, 11 sản phẩm cấp quốc gia. Nổi bật là 4 nhóm sản phẩm đạt danh hiệu thương hiệu Quốc gia Việt Nam của Tập đoàn TH.

Doanh thu tăng, giá trị sản phẩm tăng giúp lao động có thu nhập khá. Ảnh: Thanh Phúc

Doanh thu tăng, giá trị sản phẩm tăng giúp lao động có thu nhập khá. Ảnh: Thanh Phúc

Tuy nhiên, so với sự đa dạng về chủng loại sản phẩm và tốc độ phát triển khá nhanh của các doanh nghiệp, các làng nghề, các HTX, các cơ sở sản xuất trong tỉnh, thì việc đăng ký xây dựng thương hiệu hàng hóa vẫn còn quá ít. Nhiều mặt hàng vẫn xuất khẩu theo tiểu ngạch, phần lớn thông qua các doanh nghiệp khác; Nhiều cơ sở sản xuất vẫn duy trì cung cách sản xuất, kinh doanh theo kiểu "ăn xổi " mà chưa tính đến chiến lược kinh doanh bài bản, dài hơi, không ít chủ thể chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình.

Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Thương hiệu là yếu tố quan trọng góp phần duy trì, mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao văn minh thương mại và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thương hiệu tốt, tạo được dấu ấn trong lòng người tiêu dùng, thì hiệu quả kinh doanh càng cao thúc đẩy hoạt động sản xuất bền vững. Là cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực công thương, Sở luôn chú trọng đồng hành cùng các doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư, sản xuất và phân phối hàng hóa.

Các hoạt động hỗ trợ quảng bá phát triển thương hiệu, kết nối giao thương, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm được các cấp, ngành quan tâm. Ảnh: Thanh Phúc

Các hoạt động hỗ trợ quảng bá phát triển thương hiệu, kết nối giao thương, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm được các cấp, ngành quan tâm. Ảnh: Thanh Phúc

Trong đó, chú trọng các hoạt động hỗ trợ phát phát triển sản xuất kinh doanh, quảng bá phát triển thương hiệu, kết nối giao thương, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải có những chiến lược đầu tư bài bản, phù hợp với đặc thù sản phẩm hàng hóa, quy mô hoạt động và quy định pháp luật hiện hành”.

Ngay từ năm 2003, Việt Nam đã khởi xướng "Chương trình thương hiệu quốc gia". Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 20/4 hàng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam, đồng thời quy tụ, khơi dậy nỗ lực của các ngành, các cấp và nhiệt huyết của cộng đồng doanh nghiệp trong công cuộc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp nói riêng và Thương hiệu quốc gia Việt Nam nói chung trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023 diễn ra từ ngày 17 đến ngày 23/4/2023 trên phạm vi cả nước với chủ đề "Định vị thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh".

Tin mới