Nghệ An sẽ thu hút các cơ sở nhỏ lẻ vào 5 khu chế biến hải sản tập trung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Nhằm cụ thể hóa Chương trình phát triển kinh tế thủy sản của UBND tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, sáng 20/12, tại TP Vinh, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến vào dự thảo Đề án phát triển chế biến thủy sản tập trung giai đoạn 2024-3030.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện Văn phòng UBND tỉnh và các ban, sở ngành liên quan.

Tại hội nghị, phát biểu đặt vấn đề về sự cần thiết của xây dựng Đề án, đại diện Chi cục Quản lý chế biến nông, lâm thủy sản cho biết: Năm 2023, dự kiến sản lượng thủy sản Nghệ An đạt khoảng 267 ngàn tấn. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng năng lực chế biến còn nhiều hạn chế; nhiều nhưng quy mô nhỏ lẻ, nằm xen trong các khu dân cư nên có nhiều bất cập. Trên địa bàn chưa có doanh nghiệp làm đầu mối, thu mua hải sản trên địa bàn chế biến tập trung để xuất khẩu trực tiếp.

Nghệ An hiện có 89 cơ sở thu gom, sơ chế, cấp đông và bảo quản lạnh, 224 kho lạnh bảo quản; tỉnh cũng có 5 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu hoặc vệ tinh cho doanh nghiệp xuất khẩu; 27 cơ sở chế biến cá hấp sấy; 5 cơ sở chế biến bột cá; 4 công ty chuyên chế biến nước mắm và mắm; trên 786 cơ sở hộ gia đình tham gia thu mua, chế biến kinh doanh thủy sản…

bna_Chi cục chế biến Nông lâm thủy sản báo cáo.jpg
Đại diện Chi cục quản lý chất lượng và chế biến Nông, lâm, thủy sản Nghệ An trình bày tóm tắt Đề án. Ảnh: Nguyễn Hải

Chính vì thế, để hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế ngành thủy sản giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn 2030; nâng cao giá trị hải sản, phục vụ việc truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp & PTNT xây dựng Đề án.

Đề án bám sát các mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế thủy sản theo Quyết định 5238/QĐ-UBND ngày 31/12/2022 của UBND tỉnh đã đề ra; đồng thời xác định ưu tiên nguồn lực, xây dựng các cơ chế chính sách để thu hút các cơ sở chế biến thủy sản vào hoạt động tập trung.

bna_KKT Đông Nam phát biểu.jpg
Đại diện Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam góp ý vào phương án xây dựng khu chế biến hải sản tập trung tại Khu công nghiệp Đông Hồi, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Nguyễn Hải

Theo Đề án này, tỉnh sẽ thu hút các doanh nghiệp, cơ sở chế biến vào Khu hậu cần nghề cá tập trung 30 ha tại xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu); Khu chế biến thủy sản tập trung 60 ha tại KCN Đông Hồi xã Quỳnh Lập (TX Hoàng Mai); Khu chế biến thủy sản tập trung khoảng 2 ha tại khu vực hồ thủy điện Bản Vẽ; Khu chế biến thủy sản tập trung 5 ha tại Yên Thành; Khu chế biến thủy sản tập trung 2 ha tại khu vực hồ thủy điện Hủa Na (Quế Phong).

Phát biểu tại hội nghị, đại diện các ban và sở, ngành đồng tình với nội dung đề án. Tuy nhiên các ngành cũng đề nghị làm rõ mô hình của các cơ sở trong Khu hậu cần chế biến thủy sản tại Khu công nghiệp Đông Hồi để có cơ sở đề xuất ưu đãi thu hút đầu tư phù hợp; nên ưu tiên thu hút các dự án có khoa học công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường…

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các sở, ngành, đại diện Sở Nông nghiệp & PTNT giải trình một số chi tiết phương án nêu ra tại dự thảo Đề án.

bna_ Công bố quy hoạch Cụm CN hậu cần nghề cá Quỳnh Lưu tại xã Quỳnh Thuận.JPG
Công khai quy hoạch Khu dịch vụ hậu cần nghề cá 30 ha tại xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Nguyễn Hải

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ giao Văn phòng UBND tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT rà soát kỹ tên gọi, phạm vi Đề án trước khi trình UBND tỉnh. Đề án sắp tới phải bám mục tiêu chương trình xuất khẩu của tỉnh đến năm 2025 và năm 2030 đã được UBND tỉnh thông qua.

bna_Nguyễn Văn Đệ kết luận.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Hải

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản đồng tình với phương án 3 địa điểm tập trung đã được quy hoạch tại Quỳnh Lưu, Yên Thành (hoặc Diễn Châu) và Thị xã Hoàng Mai nhưng đề nghị cân nhắc bố trí 2 Khu chế biến tập trung theo Quốc lộ 7 và Quốc lộ 48 thay vì bố trí tại 2 xã vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) hay Hủa Na (Quế Phong) bởi vị trí quá xa và nguồn nguyên liệu chưa đảm bảo.

Tin mới