Nghệ An siết chặt quản lý hoạt động giết mổ gia súc trong dịp Tết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Cận Tết là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao, nguồn cung thịt lợn sạch trên thị trường luôn được người dân đặc biệt quan tâm. Hiện tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương siết chặt công tác giết mổ trên địa bàn để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân.

Clip: Q.A

Thịt lợn được tiêu thụ mạnh

2 giờ sáng, tại lò mổ Hưng Chính, TP.Vinh đã sáng đèn, nhộn nhịp người ra vào để chuẩn bị mổ lợn. Lò mổ này nằm khá xa khu dân cư, xung quanh bao phủ bởi cây cối rậm rạp nên đã hạn chế được tiếng ồn, không ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Hoạt động giết mổ được tiến hành từ khoảng 2 giờ sáng đến 6 giờ sáng, kịp thời gian cho tiểu thương đến lấy thịt mang đi chợ, đảm bảo tươi ngon ra thị trường.

bna-mo-6160.jpg
Công việc mổ lợn tại lò Hưng Chính được diễn ra từ 2 đến 6 giờ sáng. Ảnh: Q.A

Bà Nguyễn Thị Tài, đại diện lò mổ Hưng Chính cho biết: Thời điểm tháng 11 và 12/2023, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, người tiêu dùng có tâm lý e ngại thịt lợn nên số lượng lợn được mổ tại lò sụt giảm mạnh, dao động từ 5 – 7 con mỗi ngày thôi. Tuy nhiên bước sang tháng 1/2024 này, khi dịch cơ bản được kiểm soát trùng với thời điểm cận Tết, số lượng lợn được mổ tăng vọt, trung bình mỗi ngày lò chúng tôi thực hiện mổ từ 20 – 25 con lợn, gấp 3 lần trước đây.

Trên địa bàn TP. Vinh hiện nay, lò Hưng Chính là lò mổ gia súc tập trung duy nhất sau khi lò mổ Nghi Phú dừng hoạt động những năm qua. Ngày thường lò mở cửa vào lúc 4 giờ sáng, nhưng thời điểm này đến Tết đều mở cửa sớm hơn 1 – 2 tiếng mới đáp ứng được nhu cầu.

bna-can-bo-thu-y-tp-vinh-dong-dau-kiem-dich-tren-san-pham-thit-lon-sau-khi-giet-mo-anh-quang-an-8608.jpg
Cán bộ Thú y tại Trung tâm dịch vụ nông nghiệp TP.Vinh đóng dấu xác nhận lợn đảm bảo tiêu chuẩn. Ảnh: Q.A

Không chỉ tại TP.Vinh mà các lò mổ khác trên địa bàn tỉnh cũng nhộn nhịp hẳn lên. Tại huyện Nam Đàn có 3 lò mổ gia súc tập trung tại các xã Nam Nghĩa, Xuân Hoà, Nam Anh, dịp cận Tết số lượng lợn được giết mổ cũng tăng từ 2 – 3 lần.

Ông Nguyễn Đức Huyền – đại diện lò mổ Xuân Hoà, huyện Nam Đàn cho biết: Nhu cầu về thịt lợn đang tăng cao, không chỉ phục vụ bữa ăn hàng ngày mà nhiều người còn gom thịt để làm các mặt hàng Tết như xúc xích, dăm bông, khô lợn, giò chả… Do đó, tôi phải huy động thêm thợ để gia tăng năng suất làm việc, phục vụ người dân trong dịp Tết. Trung bình mỗi ngày tôi mổ khoảng 30 con lợn, nhập không chỉ địa bàn huyện Nam Đàn mà còn các địa phương lân cận như Hưng Nguyên, TP.Vinh…

bna-tieu-thuong-van-chuyen-lon-thit-ra-thi-truong-anh-quang-an-8751.jpg
Lợn từ lò mổ được đưa ra thị trường. Ảnh: Q.A

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 974 cơ sở giết mổ, trong đó 41 cơ sở thu gom giết mổ tập trung, cụ thể: Yên Thành 14 lò; Thanh Chương 6 lò; Đô Lương 6 lò; Diễn Châu 4 lò; Nghi Lộc 3 lò; Nam Đàn 3 lò; Hưng Nguyên 1 lò; TP Vinh 1 lò; Tân Kỳ 1 lò; Quỳ Châu 1 lò; Kỳ Sơn 1. Toàn tỉnh hiện có 933 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Siết chặt công tác giết mổ

Với tổng đàn lợn trên 1 triệu con, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn lớn mỗi ngày, tăng đột biến trong dịp Tết, nên nguồn cung thịt lợn đảm bảo an toàn luôn được người dân quan tâm hàng đầu.

Hiện nay, tại các địa phương xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương tiến hành lập chốt kiểm dịch, tiêu huỷ đúng quy trình lợn nhiễm bệnh, đồng thời nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển lợn ra vào vùng dịch, địa phương nào để xảy ra tình trạng lợn nhiễm bệnh buôn bán trên thị trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

bna-phieu-8617.jpg
Thịt lợn được mổ có giấy tờ đảm bảo tiêu chuẩn lợn an toàn. Ảnh: Q.A

Đối với nguồn thịt lợn được nhập về các lò mổ tập trung bắt buộc phải có giấy tờ truy xuất nguồn gốc, đảm bảo có xuất xứ từ các vùng chưa có dịch, đồng thời trong quá trình mổ lợn phải có sự giám sát của cán bộ thú y cơ sở.

Ông Hồ Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND xã Xuân Hoà, huyện Nam Đàn cho biết: Lò mổ Xuân Hoà trước đây do huyện quản lý, từ đầu năm 2024 bàn giao cho xã quản lý. Từ thời điểm được tiếp quản, công tác đảm bảo đầu vào của lợn được địa phương quan tâm hàng đầu. Mỗi ngày, lợn về lò mổ thì lực lượng chức năng, thú y xã đều kiểm tra giấy tờ, nếu hợp lệ mới cho phép đưa vào lò mổ. Do số lượng lợn mổ tăng cao trong dịp Tết nên ngoài cán bộ thú y hiện có thì xã cũng phải thuê thêm 1 cán bộ thú y nữa để thay phiên giám sát tại lò mổ mỗi ngày, không để xuất hiện lợn bệnh, lợn ốm tại lò.

bna-lon-truoc-khi-dua-ra-thi-truong-duoc-dong-dau-kiem-dich-anh-quang-an-286.jpg
Lợn được đóng dấu trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: Q.A

2 giờ sáng 19/1, chúng tôi theo chân anh Uông Thanh Tuấn – cán bộ thú y của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP.Vinh đến làm nhiệm vụ giám sát công tác giết mổ lợn tại lò mổ Hưng Chính. Được biết, các cán bộ phụ trách mảng thú y tại trung tâm đều được phân công mỗi người túc trực một ngày tại lò mổ, thời gian trực từ lúc lò mở cửa đến khi tiểu thương đến lấy thịt mang ra thị trường (thường từ 6 – 7 giờ sáng).

Theo quan sát, tất cả lợn tại lò mổ trong sáng 19/1 đều đã xuất trình được giấy tờ hợp lệ, chủ yếu nhập từ các trang trại lớn và tại các hộ dân chăn nuôi nhỏ đến từ vùng chưa xuất hiện dịch và đều có sức khoẻ tốt. Sau khi giết mổ xong, thịt lợn thành phẩm được cán bộ thú y đóng dấu kiểm định, đảm bảo đủ điều kiện an toàn khi đưa ra thị trường.

bna-thit-lon-ban-ra-tren-thi-truong-co-dau-kiem-dich-cua-co-quan-chuc-nang-anh-quang-an-5802.jpg
Thịt lợn bán tại chợ đã có dấu kiểm dịch. Ảnh: Q.A

Bà Bùi Thị Hoài, tiểu thương nhập lợn tại lò mổ cho biết: Chúng tôi nhập thịt đưa ra thị trường cũng đều yêu cầu cơ quan thú y đóng dấu vào để chắc chắn là lợn sạch vì người dân bây giờ đi mua thịt lợn đều quan tâm đến nguồn gốc thịt lợn, đã qua quá trình kiểm dịch hay chưa. Nếu lợn không có dấu, người dân không mua, ế ẩm thì chúng tôi là những người đầu tiên chịu thiệt vì đã bỏ tiền để nhập hàng về bán.

bna-cac-diem-giet-mo-nho-le-tu-phat-van-tiem-an-nguy-co-lay-lan-dich-benh-anh-quang-an-3090.jpg
Mặc dù vậy, các điểm giết mổ nhỏ lẻ vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: Q.A

Hiện nay, công tác giết mổ lợn tại các cơ sở giết mổ tập trung cơ bản đảm bảo an toàn. Mặc dù vậy, thực tế với 933 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tại các hộ dân trên địa bàn tỉnh, tần suất mổ không đồng đều, thiếu lực lượng kiểm tra, giám sát thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện lợn không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn ra thị trường. Đây là vấn đề cần sự vào cuộc, phối hợp giữa chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng, thú y cơ sở.

Tin mới