Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 8/10

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - “Nghệ An sẽ tuyển dụng hết giáo viên mầm non hợp đồng” là thông tin đáng mừng đối với nhiều người, nhưng cũng có một nỗi buồn khác đối với các thầy cô giáo ở Kỳ Sơn là họ đã mất nhà trong cơn lũ vừa qua. Liên quan đến vấn đề mưa lũ, sau nửa tháng Nghệ An hứng chịu mưa lớn, cuộc sống của người dân vẫn rất ngổn ngang.

* Mới đây, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tiến hành họp thẩm tra dự thảo Nghị quyết về phê duyệt bổ sung tổng số người làm việc hưởng lương từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chưa đảm bảo chi thường xuyên năm 2023.

Dự thảo nghị quyết về phê duyệt bổ sung tổng số người làm việc hưởng lương từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chưa đảm bảo chi thường xuyên năm 2023 được xây dựng trên cơ sở Quyết định số 72 của Bộ Chính trị ban hành ngày 18/7/2022 và Công văn số 3887 của Bộ Nội vụ, ngày 12/8/2022 về việc thực hiện bổ sung biên chế giáo viên công lập năm 2022 - 2023 theo Quyết định số 72 của Bộ Chính trị.

Theo đó, tổng số biên chế giáo viên được bổ sung đối với 4 bậc học trên địa bàn tỉnh Nghệ An gồm 2.820 biên chế; trong đó, 2.164 biên chế bậc mầm non; 498 biên chế bậc tiểu học; 142 biên chế bậc trung học cơ sở; 16 biên chế bậc trung học phổ thông.

Thay mặt cơ quan soạn thảo nghị quyết, giải trình tại cuộc thẩm tra, đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ đã tiếp thu để chỉnh sửa một số nội dung đề xuất của các thành viên dự họp; đồng thời khẳng định quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, trong số tổng biên chế được Trung ương bổ sung 2.164 biên chế bậc mầm non sẽ tuyển dụng hết số giáo viên bậc mầm non hợp đồng theo diện Thông tư liên tịch số 09, ban hành ngày 11/03/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài Chính, Bộ Nội vụ và Nghị định 06 của Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh…

Quang cảnh cuộc họp thẩm tra ngày 7/10. Ảnh: Mai Hoa
Quang cảnh cuộc họp thẩm tra ngày 7/10. Ảnh: Mai Hoa

* Cũng liên quan đến đội ngũ giáo viên, nhưng lại là nỗi niềm của các thầy cô giáo ở Kỳ Sơn sau trận lũ lịch sử vừa qua. Theo bài viết “Nỗi niềm những giáo viên mất nhà, phải di dời do lũ” của tác giả Minh Quân, trong đợt lũ ống, lũ quét xảy ra hôm mùng 2/10, đã có hơn 40 hộ giáo viên bị thiệt hại. Cụ thể, 42 gia đình của giáo viên có nhà bị thiệt hại, gồm 41 giáo viên các trường mầm non, tiểu học, THCS và 1 giáo viên của Trường THPT Kỳ Sơn. Trong đó có đến 24 nhà bị nước lũ cuốn trôi hoặc làm sập hoàn toàn, chiếm gần một nửa của toàn huyện (55 nhà); có 17 nhà bị nước, bùn đất tràn vào nhà hoặc cuốn trôi một phần tài sản.

Trong số 42 giáo viên bị thiệt hại nhà cửa, tài sản, có nhiều thầy cô là người miền xuôi lên Kỳ Sơn công tác, đã xây dựng nhà kiên cố để an cư lạc nghiệp với vùng cao, gắn bó với sự nghiệp trồng người trên mảnh đất còn nhiều gian khó này…

Bìa bài viết "Nỗi niềm những giáo viên mất nhà, phải di dời do lũ".

Bìa bài viết "Nỗi niềm những giáo viên mất nhà, phải di dời do lũ".

* Trong trận lũ ống, lũ quét xảy ra tại các bản: Sơn Hà, Hòa Sơn, Bình Sơn 1 và Bình Sơn 2 của xã Tà Cạ vừa qua, ngoài gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân, thì nhiều công trình nước sinh hoạt, thủy lợi, cầu cống, ruộng lúa... bị phá hủy. Trong đó, "nóng" nhất là sau khi cơn lũ đi qua, người dân không có nước sinh hoạt, bà con phải lắng lọc nước khe suối để nấu ăn.

Để có nước sinh hoạt, người dân phải tìm cách lắng nước đục từ khe, suối để sử dụng.

Bà con chắt từng tô nước đã lắng, lọc dưới hố khơi tạm hai bên khe suối mang về sử dụng. Ảnh: Xuân Hoàng
Bà con chắt từng tô nước đã lắng, lọc dưới hố khơi tạm hai bên khe suối mang về sử dụng. Ảnh: Xuân Hoàng

* Trước tình cảnh đang rất khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, nhiều người dân ở xã Tà Cạ đã không quản ngại khó khăn, rủ nhau gánh gồng đường ống trèo đèo lội suối tìm nguồn nước sạch dẫn về bản cho bà con. Khi được hỏi họ trả lời: “Ta lên núi tìm lại nước sạch cho dân bản”.

Được biết, nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân bản Sơn Hà và Hoà Sơn chủ yếu được dẫn từ khe nơi thượng nguồn, giáp với xã Tây Sơn. Đây cũng chính là vị trí cơn lũ ống, lũ quét đổ xuống, hiện nay đường sá và các đường ống dẫn nước đều hư hỏng nặng.

Cõng đường ống nước vượt núi. Ảnh: Thành Cường

Cõng đường ống nước vượt núi. Ảnh: Thành Cường

* Cũng lại liên quan đến “việc nước” nhưng ở hạ nguồn sông Lam, rạng sáng 8/10, nhiều hộ dân khối 13 và 15 phường Bến Thủy, thành phố Vinh giật mình thức giấc, kêu gọi nhau khẩn trương di dời ô tô, xe máy và kê cao tài sản. Loa truyền thanh của khối 13 cũng phát lời cảnh báo về tình trạng ngập úng khu vực gần hồ chứa trạm bơm tiêu úng số 3 (Cầu Trị).

Lúc này trời đã tạnh sau cơn mưa vừa trước đó. Thế nhưng, nước từ hồ chứa trạm bơm dâng cao, chảy ngược vào hệ thống kênh mương thoát nước gây ngập úng một số hộ. Cùng đó, rất nhiều hộ bị nước dâng ngập sân 30-40 cm, mấp mé nền nhà.

Trạm bơm số 3 (Cầu Trị) chậm vận hành, nhiều hộ dân chạy lụt trong đêm. Ảnh: NN

Trạm bơm số 3 (Cầu Trị) chậm vận hành, nhiều hộ dân chạy lụt trong đêm. Ảnh: NN

* Chung tay cùng người dân huyện Kỳ Sơn vượt qua thiên tai lũ, lụt, sáng 8/10, đoàn công tác của ngành Y tế Nghệ An do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế dẫn đầu đã có mặt tại huyện Kỳ Sơn thực hiện khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người dân.

Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh; lãnh đạo Bệnh viện Mắt Sài Gòn; lãnh đạo và 25 bác sĩ, dược sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Cùng tham gia đoàn còn có 25 bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn.

Các bác sĩ của Đoàn khám và tư vấn sức khỏe cho bà con nhân dân. Ảnh: Thành Chung

Các bác sĩ của Đoàn khám và tư vấn sức khỏe cho bà con nhân dân. Ảnh: Thành Chung

Tin mới