Nghệ An triển khai cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 111/2024/QH 15. Nghệ An sẽ chọn 2 huyện để thí điểm. Việc phân cấp cũng sẽ giúp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Đề xuất điều chỉnh vốn bố trí

Các chương trình Mục tiêu quốc gia đã tạo nguồn hỗ trợ lớn về cả cơ chế chính sách, kinh phí giúp Nghệ An hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội các năm. Tuy nhiên, quá trình triển khai, các cấp ngành, địa phương vẫn còn gặp những vướng mắc, hạn chế làm chậm tốc độ giải ngân, trong đó nhiều dự án phải trả lại vốn được bố trí. Ví như đối với các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, vốn phân bổ năm 2023 tính đến ngày 20/3/2024 toàn tỉnh mới chỉ giải ngân được 23,65%.

bna_Làm nhà cho hộ nghèo ở Huổi Tụ.png
Người dân xã vùng cao Huồi Tụ (Kỳ Sơn) sửa chữa nhà ở từ nguồn hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu quốc gia năm 2023. Ảnh: HT

Một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân là các vướng mắc về quy định, thủ tục hồ sơ liên quan nhiều văn bản, liên quan quy định của nhiều luật; khi cần điều chỉnh quy mô dự án, hoặc chuyển vốn thì phải có sự phê duyệt của cấp Trung ương. Một số dự án không đủ đối tượng để triển khai.

Đơn cử, tại huyện Con Cuông, năm 2023, nguồn kinh phí phân bổ cho dự án trồng dược liệu tại Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 là 4,403 tỷ đồng. Song theo ông Lương Viết Tùng - Trưởng phòng Dân tộc, đến hết năm 2023 vẫn chưa giải ngân được đồng nào, UBND huyện Con Cuông đã đề nghị trả lại số vốn phân bổ, hoặc xin chuyển vốn sang dự án khác do không đủ chỉ tiêu về diện tích vùng trồng dược liệu theo quy định.

Hoặc như tại huyện Thanh Chương, theo lãnh đạo UBND huyện, đối với Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, dự kiến năm 2024 Thanh Chương được phân bổ 4,413 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay diện tích đất rừng đang tiến hành rà soát tổng hợp lại và huyện đã thu hồi, giao 56,1 ha cho 44 hộ dân tại xã Thanh Sơn. Còn lại diện tích 355,5 ha đã hoàn thành trích đo, lập bản đồ địa chính, và toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp mà các hộ được chia và chưa được chia là đất rừng trồng đã được các hộ dân cơ bản trồng cây keo nguyên liệu, diện tích đất trống không còn nữa.

Vì vậy, kinh phí nguồn vốn sự nghiệp năm 2024 dự kiến phân bổ cho Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 sẽ không thể thực hiện được. UBND huyện Thanh Chương đã đề nghị Ban Dân tộc tỉnh chuyển nguồn kinh phí này sang Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 để phát triển sinh kế cho người dân, hoặc chuyển cho đơn vị khác có nhu cầu.

bna_1Người dân xã biên giứoi Ngọc Lâm Thanh CHương trồng keo phát triển kinh tế.JPG
Người dân các xã tái định cư Ngọc Lâm, Thanh Sơn, huyện Thanh Chương hiện đã phủ kín cây keo trên diện tích đất lâm nghiệp được giao. Ảnh: HT

Tương tự, theo tổng hợp của UBND tỉnh, tại kế hoạch phân bổ vốn hàng năm, nhiều địa phương đã có đề nghị điều chỉnh phân bổ vốn đầu tư công cho 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia của năm 2024, lý do nguồn của năm 2023 chưa giải ngân còn lớn, hoặc địa phương không đủ điều kiện triển khai các dự án.

Nghị quyết gỡ “khó”, nâng hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia

Dựa trên những báo cáo, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư các dự án thuộc 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia, ngày 18/01/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 111/2024/QH15 cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đó, Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 – 2025.

Cụ thể, HĐND cấp tỉnh được quyết định lựa chọn không quá 2 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp. HĐND cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

bna_CCán bộ Phòng LĐTBXh huyện Con Cuông hướng dẫn người dân làm hỗ sơ xuất khẩu lao động..png
Người dân huyện Con Cuông thực hiện các thủ tục, hồ sơ hưởng hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu quốc gia để đi xuất khẩu lao động. Ảnh: HT

Thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15, và Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 10/02/ 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Nghị quyết số 68/NQ-HĐND ngày 7/12/2023 của HĐND tỉnh về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan như Ban Dân tộc tỉnh, Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng… nhanh chóng triển khai lấy ý kiến, góp ý của các Sở, ngành và các huyện, thành phố, thị xã.

Từ những ý kiến góp ý, đề nghị chỉnh sửa, các cơ quan chuyên môn hoàn thiện tham mưu các tờ trình của UBND tỉnh, dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc phân bổ kinh phí sự nghiệp nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, một trong các nội dung dự kiến trình HĐND tỉnh tại phiên họp sắp tới xem xét thông qua là nghị quyết về quy định chi phí hỗ trợ chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án, giám sát thi công công trình đối với các dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

bna_Thi công phần đường dẫn lên cầu Thanh Nam nối Thị trán Con Cuông và các xã tả ngạn sông Lam.png
Các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn chương trình mục tiêu quốc gia. Trong ảnh: Thi công Dự án cầu Thanh Nam nối Thị trấn Con Cuông và các xã tả ngạn sông Lam. Ảnh: HT

Ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Nghệ An xây dựng, chỉ đạo, điều hành thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 178 nhiệm vụ cụ thể được giao cho các sở, ngành. 5 tổ công tác cũng được thành lập để chỉ đạo, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực thực hiện kế hoạch, triển khai nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm tinh thần và quyết tâm cao nhất.

Tin mới