Nghề vá lưới của phụ nữ vùng biển Nghệ An

(Baonghean.vn) - Năng động, chịu khó duy trì nghề truyền đời, phụ nữ miền biển Quỳnh Lưu tham gia phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập bằng nhiều việc làm hậu cần nghề cá, trong đó có nghề vá lưới. Song hiện nay, nhiều tàu thuyền giảm ra khơi, kéo theo thu nhập của chị em cũng giảm dần.

bna_HT tổ đan lưới quỳnh lưu8.png
Toàn huyện Quỳnh Lưu có khoảng 1.200 phương tiện tàu, thuyền đánh bắt hải sản, trong đó, các đội tàu, thuyền xã Quỳnh Long chiếm khoảng 1/3. Mỗi tàu, thuyền sau một chuyến ra khơi đều có nhu cầu thuê vá lưới, tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận không nhỏ chị em. Tổ vá lưới thôn Đại Tân, xã Quỳnh Long thường xuyên duy trì khoảng 15 - 20 chị em, hoạt động theo “đơn đặt hàng” của các chủ tàu, thuyền sau mỗi chuyến vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản. Ảnh: Ngọc Khánh
bna_HT tổ đan lưới quỳnh lưu5.png
Vì vậy, nghề vá lưới ở huyện Quỳnh Lưu nói chung, xã Quỳnh Long nói riêng được duy trì từ đời này sang đời khác, gần như đã trở thành truyền thống, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động, vừa là nét đẹp văn hóa đặc trưng của xã vùng biển. Nghề vá lưới thu hút lao động chủ yếu là nữ, ở mọi lứa tuổi, từ học sinh đến các cụ già trên 70 tuổi. Ảnh: Việt Phương
bna_HT tổ đan lưới quỳnh lưu1.png
Lưới sử dụng trong đánh bắt thủy sản có rất nhiều loại, như lưới kéo, lưới ví, lưới đúc, lưới cố định và lồng bè… Ở xã Quỳnh Long, loại lưới được các chủ tàu, thuyền thuê vá nhiều nhất là lưới vây. Toàn xã có khoảng 160 phương tiện tàu, thuyền, với công suất gần 60.000 CV, trong đó, hơn một nửa là tàu lưới vây khai thác xa bờ. Chị Trần Thị Thanh - tổ đan lưới xóm Đại Tân, xã Quỳnh Long cho biết, mỗi loại lưới đều có cách vá khác nhau. Một người để thành thạo cách vá phải chịu khó siêng năng học hỏi, luyện tay nghề từ 3-6 tháng, thậm chí 1 năm. Ngoài ra, người làm nghề này còn phải hiểu biết về các loại lưới và có thêm sự tự mày mò, sáng tạo thì mới có thu nhập khá. Ảnh: Ngọc Khánh
bna_HT tổ đan lưới quỳnh lưu3.png
Một bộ lưới đánh bắt cá tùy loại, có khi có giá trị tiền tỷ, mỗi lần đánh bắt đều ít nhiều bị hư hỏng, đứt gãy các mắt lưới và cần phải vá xong trước chuyến biển mới. Nghề vá lưới đòi hỏi vừa nhanh, vừa nhẫn nại, chị em phải chia nhau lần từng mắt lưới để tìm chỗ đứt. “Nếu chỉ đứt 1 mắt lưới thì không cần vá, những chỗ đứt từ 2-3 mắt trở lên mới yêu cầu vá để cá không bị lọt lưới, làm giảm hiệu quả đánh bắt. Dụng cụ dùng để vá lưới là 1 con dao nhỏ dùng cắt các đoạn cước thừa trước khi vá nối bằng kim vá chuyên dụng. Kim vá lưới chủ yếu làm bằng nhựa” - một thành viên tổ vá lưới xóm Đại Tân cho biết. Ảnh: Việt Phương
bna_HT tổ đan lưới quỳnh lưu10.png
Mỗi lao động vá lưới được trả công 90.000 đồng/ngày. Mỗi bộ lưới vây như trong hình tùy vào mức độ hư hỏng phải vá, cần khoảng 3 -4 lao động làm cật lực từ 4 - 7 ngày mới hoàn thành. Ngoài nhận “đơn hàng” mang lưới về vá tại nhà, các chị em còn nhận vá lưới nhanh ngay tại tàu, với tiền công 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Chủ yếu những tàu cần vá gấp và tình trạng lưới bị thủng không nhiều sẽ thuê vá nhanh tại tàu. Mỗi lao động trong tổ nhóm vá lưới tranh thủ ngày rảnh rỗi có thể có thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Ảnh: Ngọc Khánh
bna_HT tổ đan lưới quỳnh lưu.png
Song, theo chia sẻ của các chị em tổ vá lưới, hiện nay, ngày càng có nhiều tàu, thuyền giảm ra khơi, nhiều lao động nghề cá theo các chuyến biển bỏ nghề, đi xuất khẩu lao động hoặc tìm việc làm khác do thu nhập giảm, sản lượng khai thác bấp bênh, kéo theo chiều hướng giảm “đơn hàng” vá lưới. Ảnh: Việt Phương
bna_HT tổ đan lưới quỳnh lưu2.png
Tuy lo lắng về những chuyến biển ít hơn trước, nghề xâu kim vá lưới vẫn là nguồn tạo việc làm thường xuyên cho phụ nữ vùng biển. Và nghề này vẫn được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện nay, theo lãnh đạo UBND xã Quỳnh Long, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, xã sẽ tiếp tục xây dựng và duy trì hậu cần nghề cá mang lại giá trị kinh tế cao, thu nhập ổn định cho người dân như: Tổ hợp nghề lưới vây, chế biến hải sản, vá lưới, vận tải biển và xuất khẩu lao động... tạo và duy trì việc làm thường xuyên cho hơn 5.000 người trong độ tuổi lao động. Ảnh: Ngọc Khánh

Tin mới