Nghi Lộc: Ba mũi trọng điểm trong sản xuất nông nghiệp

(Baonghean) - Nghi Lộc có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn (hơn 14.000 ha); tỷ lệ lao động và số hộ phụ thuộc vào nông nghiệp nhiều, nhiệm kỳ 2015 – 2020, huyện tiếp tục tập trung khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế nông nghiệp, lấy nông nghiệp phục vụ công nghiệp và dịch vụ theo hướng sản xuất hàng hóa.

Chuyển đổi cây trồng có giá trị 
Nghi Long là một xã thuần nông của huyện Nghi Lộc với diện tích đất lúa 115 ha và gần 200 ha đất màu với điều kiện sản xuất khó khăn. Do đó, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, là việc làm cần thiết đối với địa phương. Từ đó, nhiều loại giống mới, mô hình kinh tế được áp dụng thành công ở Nghi Long. Điển hình là cây dưa hấu được đưa vào sản xuất trên 50 ha đất màu, thu nhập bình quân đạt 200 – 300 triệu đồng/ha. Tiếp đó là cây dưa lê đưa vào trồng ở vụ hè thu năm 2015 với 5 ha, bước đầu khẳng định tính hiệu quả, thu nhập đạt 10 – 12 triệu đồng/sào. Cũng trên diện tích đất màu, sau thu hoạch dưa hấu, dưa lê, xã chỉ đạo trồng cây ngô nếp gối vụ, thời gian sinh trưởng 60 ngày, cho thu nhập 5 triệu đồng/sào.
Vụ đông tập trung trồng các loại rau màu như bí xanh, dưa chuột, bắp cải, xu hào, rau cải; thu nhập 10 triệu đồng/sào; vụ xuân tập trung thâm canh lạc, ngô và một số diện tích rau màu hàng hóa. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất tăng 4 vụ/năm, xã đã thực hiện thành công việc xây dựng mô hình cánh đồng thu nhập cao ở 40 ha, bình quân thu nhập đạt 300 – 400 triệu đồng/ha. Nghi Long cũng đã đưa một số giống mới vào sản xuất như lạc L26, sen lai, đặc biệt là phục tráng lạc giống L14, đạt năng suất 2,5 tạ/sào, tăng khoảng 70 kg/sào; lúa cơ cấu giống sin6 và một số giống có chất lượng. Đồng chí Nguyễn Đình Dũng – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Nghi Long bây giờ, đồng đất được khép kín cây trồng 4 vụ, con người trở nên năng động với tư duy mới, sẵn sàng tiếp nhận các giống cây trồng mới để cho thu nhập cao. Điều này đã cải thiện thu nhập của người dân, từ 21 triệu đồng (năm 2010) lên 33 triệu đồng/người/năm (2015). Đây là thành công, tạo tiền đề để địa phương tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. 
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ thích ứng với biến đổi khí hậu  ở xã Nghi Long.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ thích ứng với biến đổi khí hậu ở xã Nghi Long.
Tượng tự ở xã Nghi Hoa, nhiệm kỳ 2010 – 2015, xã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng thông qua xây dựng cánh đồng mẫu, mỗi năm một cánh đồng mẫu được xây dựng. Đến nay xã đã thực hiện chuyển đổi thành công cây ngô nếp hàng hóa và các loại rau màu như dưa chuột, mướp đắng, xu hào, bắp cải đất 2 lúa ở các xóm Hoa Tây, Ngọc Đường, Đức Thành... Hay ở xã Nghi Lâm, một xã miền núi cũng đã có những bước chuyển về cơ cấu cây trồng. Nghi Lâm trở thành vùng sản xuất các loại lúa giống chất lượng cao như T10, Thiên ưu 8, Bắc Thơm, với tổng 150 ha, thu nhập đạt 70 triệu đồng/ha/năm. Tăng diện tích trồng cây hành tăm lên 35 ha, mỗi năm đạt giá trị sản xuất khoảng 9 tỷ đồng.  Chuyển đổi đưa ngô và cỏ vào trồng trên 60 ha đất cao cưỡng, hoang hóa để cung cấp thức ăn cho trại bò Úc....
Ngay đầu nhiệm kỳ 2010 – 2015, Huyện ủy Nghi Lộc đã ban hành nghị quyết đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ KHKT, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Đến nay, có trên 90% diện tích đất lúa, ngô, lạc được sản xuất bằng giống mới. Do vậy, trong điều kiện diện tích nông nghiệp giảm nhưng tổng sản lượng lương thực năm 2015 ước đạt trên 95.000 tấn (vượt chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra). Thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích cũng tăng lên, từ 58 triệu đồng/ha (năm 2010) lên 82 triệu đồng/ha (năm 2015). Đặc biệt, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, như cánh đồng lúa chất lượng cao ở xã Nghi Hoa, Nghi Lâm, Nghi Kiều, Nghi Diên, Nghi Công Nam...; trồng dưa hấu ở Nghi Long, Nghi Thịnh; lạc ở Nghi Văn, Nghi Long,... Vụ đông sản xuất ngày càng tăng diện tích, góp phần tăng hệ số sử dụng đất đạt 2,5 - 3 lần/năm. Việc chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tạo thuận lợi đưa cơ giới vào sản xuất, trong đó đảm bảo 100% từ khâu làm đất, gặt, đập, tưới tiêu đều bằng cơ giới, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiến tới sản xuất hàng hóa tập trung.  
Mở rộng chăn nuôi trang trại, gia trại
Anh Nguyễn Văn Khấn ở xã Nghi Lâm, sau 6 năm lao động ở Nga trở về nước bằng nguồn vốn tích góp đã nhận khoán và thầu thêm đất xa - xấu của địa phương đầu tư mở rộng phát triển trang trại với diện tích 4,5 ha. Sau 3 năm vừa làm, vừa học hỏi, hiện tại anh Khấn đã có một trang trại chăn nuôi tổng hợp khá quy mô: 9 con trâu thịt; 10 con lợn nái; 40 con lợn thịt; 500 con gà cỏ thả vườn; 15 con dê. Ngoài chăn nuôi, anh Khấn còn nuôi cá trên 6 sào ao; trồng lúa, trồng cỏ sữa… cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Hiện toàn xã Nghi Lâm có 60 trang trại chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà, vịt... Đồng chí Nguyễn Văn Tý – Bí thư Đảng ủy xã Nghi Lâm, cho biết: Dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ 2010 – 2015 là xã đã khai thác hiệu quả diện tích đất đồi, xa xấu để phát triển trang trại bền vững, không ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, năm 2014 xã đã thu hút được dự án chăn nuôi bò Úc có quy mô 3.000 con đã tạo nguồn thu cho người dân thông qua việc trồng ngô, cỏ trên đất cao cưỡng, hoang hóa trước đây bỏ hoang, góp phần tăng tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp, cải thiện thu nhập cho người dân.  
Mô hình chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Khấn ở xã Nghi Lâm.
Mô hình chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Khấn ở xã Nghi Lâm.
Không riêng Nghi Lâm, có thể nói trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, từng địa phương ở Nghi Lộc đã có hướng phát triển chăn nuôi phù hợp như Nghi Kiều, Nghi Hoa, Nghi Văn, Nghi Công Nam... Ở xã Nghi Hoa, do diện tích mặt nước, cho nên thế mạnh là phát triển trang trại chăn nuôi gà, vịt kết hợp nuôi trồng thủy sản với 50 trang trại. Tính tổng toàn huyện hiện có 272 trang trại, gia trại; đặc biệt đã thu hút thêm được các dự án đầu tư lớn vào chăn nuôi trên địa bàn như dự án chăn nuôi bò Úc tại xã Nghi Lâm với quy mô 3.00 còn bò; chăn nuôi lợn nái ngoại tại xã Nghi Công Nam quy mô 1.400 con; chăn nuôi lợn thịt tại xã Nghi Văn quy mô 2.000 con/lứa. Duy trì 20 trang trại chăn nuôi gà có quy mô 5.000 – 10.000 con/lứa xuất chuồng/trang trại. Tổng đàn trâu bò và đàn lợn được duy trì ổn định, đàn gia cầm hơn 1,3 triệu con (tăng 6,47%/năm).
Huyện đã thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi; công tác phòng chống dịch thực hiện có hiệu quả, không xẩy ra dịch bệnh trên diện rộng. Nhờ đó, tỷ trọng chăn nuôi trong nội ngành nông nghiệp của huyện chiếm 45%, từng bước giảm mô hình sản xuất nông hộ, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung hàng hóa có chất lượng, hiệu quả cao. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, ông Nguyễn Đức Thọ, để có bước chuyển dịch mạnh mẽ trong ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất tập trung, trên cơ sở Nghị quyết phát triển ngành chăn nuôi được ban hành đầu nhiệm kỳ, huyện đã có một số chính sách như tạo điều kiện hỗ trợ về đất đai, về nguồn vốn thì huyện có chính sách hỗ trợ các trang trại lớn chuyển đổi giống vật nuôi với 50 triệu đồng/trang trại. Bình quân mỗi năm huyện trích ngân sách 1,8 – 2 tỷ đồng hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp trong đó có chăn nuôi. 
Đẩy mạnh kinh tế biển
Với bờ biển dài 15 km, kéo từ xã Nghi Thiết, Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Quang và nằm liền kề biển Cửa Lò, Nghi Lộc có những điểm nhấn về không gian biển đẹp; có nghề truyền thống đánh bắt hải sản, đóng tàu thuyền. Để có thể khai thác kinh tế biển, nhiệm kỳ 2015 – 2020, huyện Nghi Lộc đang đặt ra yêu cầu, phải tận dụng tối đa bờ biển để phát triển kinh tế biển. Hướng phát triển cụ thể đối với các xã bãi ngang gồm Nghi Yên, Nghi Tiến sẽ tập trung phát triển dịch vụ du lịch, thương mại, gắn với các ngành nghề ven biển. Còn đối với các xã vùng cửa sông, cửa biển, ngoài việc tập trung phát triển các quy hoạch cảng nước sâu, cụm công nghiệp thì ưu tiên phát triển ngành nghề hải sản; tiếp tục chuyển số diện tích ruộng thấp trũng, hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản, tận dụng tối đa mặt nước ven biển để phát triển nghề nuôi mặn lợ theo hướng thâm canh. Phấn đấu tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng đến năm 2020 đạt trên 9.500 tấn. Để thực hiện được mục tiêu này, huyện sẽ tiếp tục tập trung triển khai tốt Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển thủy sản; đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế biển nói chung và kinh tế du lịch biển nói riêng, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm thực mặn.... 
Hướng đi rất rõ, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong huyện đang tiếp tục đoàn kết, chung sức đồng lòng cùng với sự giúp đỡ từ bên ngoài, từ sự hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp để đưa ngành nông nghiệp Nghi Lộc phát triển vững chắc, góp phần đưa kinh tế - xã hội của huyện đi lên trong nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Bài, ảnh: MAI HOA

Tin mới