Nghĩa Đàn nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng huyện nông thôn mới

Nghĩa Đàn nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng huyện nông thôn mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Huyện Nghĩa Đàn đang huy động nhiều nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới. Quá trình thực hiện, huyện chủ trương triển khai vững chắc các tiêu chí, tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chung sức phát triển kinh tế - xã hội.

NỖ LỰC CHO TỪNG TIÊU CHÍ

Xã Nghĩa Thọ và xã Nghĩa Lạc được UBND tỉnh Nghệ An công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào ngày 26/12/2023, là 2 xã cuối cùng của huyện về đích. Như vậy, kết thúc năm 2023, huyện Nghĩa Đàn có 100% xã (22/22 xã) hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Cùng đó, bên cạnh xã Nghĩa Bình đã đạt nông thôn mới nâng cao, có 2 xã khác là Nghĩa Hiếu và Nghĩa Sơn đang được UBND tỉnh xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Những tiêu chí trên góp phần quan trọng để cùng toàn huyện Nghĩa Đàn từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới.

bna_Xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Đàn) nỗ lực về đích NTM năm 2023. Ảnh NN.JPG
Xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Đàn) được UBND tỉnh Nghệ An công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2023. Ảnh: N.N

Để thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới theo Nghị quyết Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy Nghĩa Đàn đã phân công trách nhiệm cụ thể cho tất cả các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và các phòng, ban chuyên môn cấp huyện theo sát tiến độ từng công việc. Đồng thời, tập trung huy động nguồn lực thực hiện các tiêu chí nông thôn mới cấp huyện. Đến cuối năm 2023, huyện Nghĩa Đàn đã hoàn thành 19/36 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới.

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân huyện Nghĩa Đàn đạt 14,06%/KH 14% - 14,5%. Giá trị gia tăng thu nhập bình quân ước đạt 79,76 triệu đồng/người/năm/KH 75-80 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn 2,88% (giảm 1,2% trong năm 2023).

bna-dong-chi-pham-chi-kien-bi-thu-huyen-uy-nghia-dan-giua-tham-mo-hinh-trong-sam-nam-o-xa-nghia-hieu-ns-6677.jpg
Đồng chí Phạm Chí Kiên - Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn (giữa) - thăm mô hình trồng sâm Nam ở xã Nghĩa Hiếu. Ảnh: Nguyên Sơn

Qua việc rà soát thường xuyên việc thực hiện các tiêu chí, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Nghĩa Đàn đã tập trung phân tích, đánh giá thực trạng, vướng mắc và bổ sung thêm một số nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn; phấn đấu đến cuối năm 2024 huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Qua trao đổi, đồng chí Lâm Văn Thắng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Đàn cho biết, huyện đang tích cực hoàn thành các tiêu chí còn lại theo hướng bền vững. Có rất nhiều tiêu chí đã tiệm cận đạt yêu cầu.

Khó khăn nhất hiện nay là thu hút đầu tư để có nhà máy cung cấp nước sạch, thu gom xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn và bến xe huyện. Những lĩnh vực này đòi hỏi phải kêu gọi được nhà đầu tư, nhưng phải qua đấu thầu theo quy định, trong khi rất ít doanh nghiệp mặn mà tham gia đầu tư tại khu vực miền núi, trung du. Về hướng mở trong các lĩnh vực này, huyện phối hợp với các doanh nghiệp đang đầu tư ở thị xã Thái Hòa có thể liên kết, mở rộng quy mô hoạt động trên địa bàn Nghĩa Đàn, đáp ứng yêu cầu các tiêu chí.

bna_Thị trấn Nghĩa Đàn - Thành Cường.jpg
Thị trấn Nghĩa Đàn. Ảnh Tư liệu Thành Cường

TIẾP TỤC NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN

Quá trình xây dựng huyện nông thôn mới, Nghĩa Đàn chủ trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí trên cơ sở đảm bảo tính bền vững, tránh nóng vội.

Đồng chí Phạm Chí Kiên - Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn cho biết: Mục tiêu chính của xây dựng xã, huyện nông thôn mới chính là nâng cao đời sống cho nhân dân. Chính vì vậy, tất cả các chương trình, dự án, nhất là những công trình dân sinh phải thực hiện kịp thời, đảm bảo chất lượng lâu dài, phục vụ bà con nhân dân phát triển kinh tế - xã hội. Cùng đó, huyện đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập.

"Hướng đi bền vững được huyện Nghĩa Đàn xác định và được nhân dân đồng thuận ủng hộ là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị. Huyện đang tích cực thu hút đầu tư trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản...”, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn nhấn mạnh.

bna-dong-chi-pham-chi-kien-bi-thu-huyen-uy-nghia-dan-1095.jpg
Đồng chí Phạm Chí Kiên - Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn nhấn mạnh: Huyện đang tích cực thu hút đầu tư trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản... Ảnh; Nguyên Sơn

Năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn ước đạt 13.661 tỷ đồng. Các chương trình, dự án góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng, kết nối phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho nhân dân sản xuất, kinh doanh, giao lưu văn hóa - xã hội.

Huyện Nghĩa Đàn cũng tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), phối hợp xây dựng hệ thống các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng. Đến nay, Huyện Nghĩa Đàn có 27 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

BNA_trồng cây hàng hóa ở Nghĩa Hồng - NS copy.jpg

Việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP được huyện gắn với phát huy vai trò của kinh tế tập thể, nòng cốt là 36 hợp tác xã hiện có trên địa bàn. Trên cơ sở đó, tiếp tục tích tụ, chuyển đổi ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất tập trung, phát triển mạnh những cây, con có lợi thế. Cùng với việc thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho lao động trên địa bàn, Nghĩa Đàn tích cực triển khai xây dựng các cụm dân cư tiên tiến, chỉnh trang đô thị ở khu vực trung tâm, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Để tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, ngành, địa phương ở huyện Nghĩa Đàn tích cực triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư huyện Nghĩa Đàn giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo” của Ban Thường vụ Huyện ủy.

Theo quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghĩa Đàn và Quy hoạch tỉnh, Cụm công nghiệp Nghĩa Long dự kiến được mở rộng từ 37,5 ha lên 75 ha trong giai đoạn 2021 - 2025. Hiện các nhà máy trong cụm công nghiệp này giải quyết việc làm thường xuyên cho 847 lao động (chủ yếu lao động địa phương) với mức lương trung bình 6,5 - 8 triệu đồng/người/tháng và đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng năm trên 10 tỷ đồng.

bna-lanh-dao-huyen-nghia-dan-nam-bat-tinh-hinh-hoat-dong-cua-cac-doanh-nghiep-tai-cum-cn-nghia-long-ns-4678.jpg
Lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Nghĩa Long. Ảnh: Nguyên Sơn

Huyện Nghĩa Đàn cũng cam kết tích cực hỗ trợ, đồng hành, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư để sớm thực hiện các dự án, phát huy hiệu quả thiết thực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào công cuộc xây dựng huyện nông thôn mới theo mục tiêu đề ra.

Tin mới