'Người hùng' của biển

(Baonghean) - Với sự đam mê, quyết tâm, dám nghĩ dám làm, ông Ngô Trí Đông ở Diễn Ngọc (Diễn Châu) đã thay đổi cuộc sống khó khăn của gia đình trở thành giàu có với nghề biển. Doanh thu gia đình ông mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Người dân ở đây vẫn trìu mến gọi ông là “người hùng” của biển.

Anh Ngô Trí Đông (phải) cùng công nhân chuẩn bị cho chuyến ra khơi.
Anh Ngô Trí Đông (phải) cùng thuyền viên chuẩn bị cho chuyến ra khơi.

Xuất thân từ một gia đình đông con, quanh năm vươn khơi bám biển mà vẫn nghèo khó. 17 tuổi Ngô Trí Đông đã phải nghỉ học để theo cha đi biển. Thời kỳ đầu, không ít trận say sóng khiến anh khiếp cảm giác phải lên thuyền. Rồi anh nghĩ: Mình sinh ra từ làng biển, con cá cũng từ biển ban cho, không bám biển lấy gì để sống... suy nghĩ đó mang lại cho anh sức mạnh, niềm tin. 

Được một chủ thuyền nhận thuê làm phục vụ cơm nước và công việc lau chùi thuyền, anh đã không nề hà và ngày đêm nuôi ý chí ước mơ: mình phải có một chiếc thuyền riêng để vươn khơi, để độc lập và thoát nghèo. Những ngày biển động, anh ở nhà đi buôn rau, bóc lạc thuê... với quyết tâm phải gom tiền để mua tàu. Gom được hơn 100 triệu, anh mạnh dạn vay thêm tiền của anh em, bạn bè, kêu gọi các gia đình có điều kiện để cùng chung vốn mua tàu vươn khơi dài ngày.
Ông Ngô Trí Đông (trái) xuống tàu cùng ngư dân chuẩn bị cho chuyến vươn khơi.
Ông Ngô Trí Đông (trái) luôn là chỗ dựa vững chắc, tạo cảm hứng và niềm tin cho các thủy thủ trên đội tàu sẵn sàng bám biển.
Ban đầu 4 người chung 1 tàu, rồi giảm xuống 2 người và chỉ sau 5 năm tích góp, anh trở thành chủ của 1 chiếc tàu gần 600 triệu khi anh chưa đầy 30 tuổi. Những năm sau đó anh tiếp tục thành công sau mỗi chuyến đi biển. Có tiền, anh mua tàu tốt hơn, xây nhà, tạo việc làm cho gần chục lao động với thu nhập 5 triệu đồng/tháng.
Với khát khao vươn khơi làm giàu, năm 1999, vợ chồng anh quyết định đầu tư thêm đôi tàu trên 1 tỷ đồng. Đôi tàu mới vươn khơi mang lại những chuyến thuyền về "cá bạc đầy khoang"... Nhưng mọi việc không suôn sẻ thế, khó khăn lại ập đến khi năm 2003, đôi tàu bạc tỷ của gia đình anh bị đắm. Gần như trắng tay bởi bao vốn liếng, công sức hàng chục năm trời vợ chồng anh gom góp chìm theo đôi tàu...
Không đầu hàng khó khăn, trong lúc cơ hàn nhất, anh vẫn tự động viên mình phải tin vào biển khơi, tin vào ngày mai tươi sáng. Anh quyết tâm làm lại, bán tất cả những gì trong nhà có thể, vay mượn thêm anh em, bạn bè... anh mua lại một đôi tàu cũ với giá 600 triệu đồng. 
Những công nhân trên thuyền từng gắn bó với anh đã không bỏ anh, họ sẵn sàng làm việc với mức thu nhập thấp hơn. Nhờ có kinh nghiệm đánh bắt và may mắn, đôi tàu cũ của anh thường xuyên "được mùa", nhất là những mùa cá vụ đông đem về sản lượng cao với mỗi chuyến biển tổng thu 250 - 300 triệu đồng. Những chuyến "lộc biển" liên tiếp là động lực thôi thúc anh táo bạo hơn nữa trong chinh phục biển khơi.
Năm ngoái, anh vay mượn và đầu tư đôi tàu vỏ gỗ gần 6 tỷ đồng, dài 22 mét, rộng 6 mét, máy móc, thông tin hiện đại. Công suất 1.200 mã lực, bám biển 1 tuần đến 15 ngày. Đôi tàu đem lại một nguồn hải sản khá lớn, tổng sản lượng đạt từ 250 - 300 tấn/năm. 
Sau bao năm theo cha đi biển đã giúp anh vững vàng chỉ huy hai con tàu lớn nhất huyện Diễn Châu. Doanh thu từ biển trên 13 tỷ đồng/năm, trừ các khoản chi phí, lãi mỗi năm từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng. Đôi tàu của gia đình anh không chỉ tạo việc làm cho 20 lao động có việc làm thường xuyên với thu nhập 7- 9 triệu đồng/người/tháng mà còn phục vụ trung đội dân quân biển của Bộ Quốc phòng đóng tại xã Diễn Ngọc, từ năm 2014 đến nay.
Anh Đông tâm sự: Có được một cơ ngơi và đôi tàu gần 6 tỷ đồng như vậy, là mồ hôi, nước mắt và những đêm dài mất ngủ... Điều mang lại thành công cho anh là niềm đam mê bám biển và quyết tâm, khó khăn không chùn bước. 
Thu Hương

Tin mới