Người nông dân có 'rương tiền' trong rừng

(Baonghean) - Sau 10 năm trồng và chăm sóc, 50 ha rừng mét của anh Nguyễn Bá Phương, xóm 10, xã Nghĩa Bình (Tân Kỳ) đã cho khai thác đại trà. Dự tính, năm nay anh thu về khoảng 600 triệu đồng.

Những khóm mét khá đều cây trong rừng mét của anh Nguyễn Bá Phương
Những khóm mét khá đều cây trong rừng mét của anh Nguyễn Bá Phương.

Theo con đường mới mở còn nguyên màu đất mới, chúng tôi đến rừng mét bạt ngàn của gia đình anh Nguyễn Bá Phương, xóm 10, xã Nghĩa Bình (Tân Kỳ). 

Anh Phương hồ hởi: 50 ha rừng mét chính là cái "rương tiền" của gia đình trong bao nhiêu năm cất công tích trữ. Để mở "rương tiền" tôi đầu tư hơn 40 triệu đồng, thuê máy múc làm liên tục 5 ngày liền để mở con đường vào tận  cùng của rừng mét, đủ cho loại xe ô tô trọng tải lớn vào bốc xếp hàng.

Con đường mới mở vào
Con đường mới mở vào "rương tiền".

Toàn bộ rừng mét là khu vực Hố Trù của xóm 10, xã Nghĩa Bình, những năm 1990 về trước là rừng rú rậm rạp, nhưng bị con người chặt phá bừa bãi, dẫn đến rừng nghèo kiệt. Năm 2003, anh làm đơn xin Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện và chính quyền địa phương nhận thầu để trồng rừng.

Mỗi năm đầu tư trồng một ít, sau 6 năm, rừng mét đã khép kín. Anh Phương cho biết: Cây mét trồng 7 năm mới được thu hoạch, do vậy những năm trước đây, anh thu hoạch tỉa ở những bụi trồng trước, phục vụ nhu cầu sử dụng cho người dân trong vùng. Từ năm nay, anh khai thác đại trà, với số lượng lớn, nên phải tính đến khâu khai thác chuyên nghiệp và tiêu thụ ổn định. Bởi vậy, toàn bộ hơn 20 nhân công đang dựng lán trại tại chỗ để khai thác mét cho mình là người Thanh Hóa. Họ nhận khai thác, kết hợp liên hệ đầu ra, tiêu thụ sản phẩm.

Những cây mét vừa khai thác, được lao từ trên triền núi xuống.
Những cây mét vừa khai thác, được lao từ trên triền núi xuống.

Hàng nghìn khóm mét trên triền núi, khóm nào cũng có từ 15 cây trở lên, cây nào cũng thẳng đều, đường kính từ 7 – 12 cm. Nhân công khai thác mét, chọn những cây 2 năm tuổi trở lên để chặt, yêu cầu là phải chặt sát gốc, bảo đảm cây kế bên không bị ảnh hưởng, đặc biệt là bảo vệ những cây măng mới mọc. Mỗi ngày nhóm thợ khai thác có thể thu hoạch 1 nghìn cây mét.

Gần 15 nghìn khóm mét, trong đợt này có thể khai thác được trên 40 nghìn cây, đủ số lượng hàng cho 40 chuyến xe ô tô, loại “3 chân” vào vận chuyển. Đếm cây nhận tiền tại bãi, với giá bình quân 15.000 đồng/cây, vậy là năm nay anh Phương thu về khoảng 600 triệu đồng từ "rương tiền" này.

Anh Nguyễn Bá Phương cho biết, những cây to có giá 20 nghìn đồng, cây nhỏ nhất 10 nghìn đồng.
Anh Nguyễn Bá Phương cho biết, những cây to có giá 20 nghìn đồng, cây nhỏ nhất 10 nghìn đồng.

Anh Phương cho biết: Trồng mét để thu hoạch cây, tuyệt đối không được khai thác măng, đặc biệt chú ý cào cào cắn lá, nếu phát hiện có ổ là phun thuốc diệt ngay. Do vậy, vào mùa măng mọc phải bảo vệ nghiêm ngặt, không cho người dân vào khai thác măng. Đặc điểm phát triển của cây mét là hàng năm sinh măng, do vậy, trồng một lần, có thể khai thác trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, mình cần bổ sung phân bón, vun gốc, để đất không bị bạc màu, rừng mét lâu thoái hóa, tăng năng suất sinh khối của rừng mét.

Huyện Tân Kỳ hiện có khoảng trên 12 nghìn ha rừng trồng nguyên liệu, trong đó có 1 nghìn ha rừng mét, phân bố trên địa bàn các xã: Nghĩa Bình, Đồng Văn, Tiên Kỳ, Nghĩa Hợp... Những diện tích mét này, chủ yếu được người dân trồng theo Dự án 661 từ những năm trước đây. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện, phần lớn diện tích rừng mét trên địa bàn huyện đang sinh trưởng và phát triển tốt. Hàng năm người trồng rừng đã ý thức được tầm quan trọng của cây mét nên khai thác đúng mức độ, mật độ rừng mét phù hợp với mục đích kinh doanh mét thuần loài (200 – 250 bụi/ha).

Xuân Hoàng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới