Người tiêu dùng có quyền được thông tin

(Baonghean.vn) - Quyền được thông tin của người tiêu dùng là chủ đề ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới 15/3 năm nay. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng – Đó cũng chính là một trong 8 quyền được quy định  tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng mà Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế và Chính phủ nhiều nước thừa nhận.

 

Quy định là vậy nhưng thực tế, mấy ai biết và liệu có bao nhiêu người tiêu dùng được bảo vệ, bao nhiêu doanh nghiệp vi phạm bị xử lý. Câu chuyện nhập nhằng trong sản phẩm sữa dê Danlait thời gian qua vẫn chưa được cơ quan quản lý làm rõ là sữa hay chỉ là sản phẩm bổ sung, thì mới đây, người tiêu dùng tiếp tục thất vọng trước thông tin: Nhà phân phối quảng cáo sữa dê GmB có xuất xứ từ Mỹ và Hà Lan, do Công ty TNHH quốc tế Đại Hùng Tinh nhập khẩu, nhưng theo tìm hiểu, sữa dê GmB được sản xuất, đóng gói tại... quận 9, TP.HCM, chứ không phải nhập nguyên lon từ Mỹ, Hà Lan! Trên thị trường, một số cửa hàng còn bán hàng không có nhãn phụ tiếng Việt, còn Công ty Đại Hùng Tinh cũng để thông tin “sữa dê Mỹ” nên nhiều người tiêu dùng nhầm tưởng đây là sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ. Với cách ghi nhãn mập mờ thì đương nhiên người tiêu dùng hiểu đó là hàng nhập khẩu nguyên lon từ Hà Lan, chứ không phải hàng đóng gói tại Việt Nam. Ấy thế mà ngay trang web của mình, công ty này còn “phán”: “Chúng tôi đánh giá cao sự am hiểu dinh dưỡng của bạn” (?!)

 

Chị Trần Thị Loan – điều dưỡng tại Bệnh viên Nhi Nghệ An cho biết, nhà tôi có con nhỏ thường xuyên uống sữa và khi lựa chọn sản phẩm tôi rất quan tam đến nhãn mác của sản phẩm bởi quảng cáo sữa hiện nay rất dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng với những vi chất bổ sung. Vì thế, người dùng nên thận trọng về mức độ an toàn của những loại sữa này, trong đó có sữa nhập ngoại.


Người tiêu dùng có quyền được thông tin ảnh 1

Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ là mong muốn chính đáng của người tiêu dùng.
 

Một tâm lý nữa của người tiêu dùng Việt Nam là giá đắt đồng nghĩa chất lượng tốt, do vậy, nhiều công ty đã lợi dụng điểm này để tăng giá tràn lan, đặc biệt là giá sữa. Việt Nam có giá sữa cao so với thế giới cũng chính vì tâm lý này của người tiêu dùng. Thực tế thì những vụ như sữa rởm, sữa nhái, rồi thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung nhưng vẫn dán nhãn mác là sữa cao cấp bày bán trên thị trường hầu như chưa được xử lý triệt để. Điều đáng nói hơn là con số này hầu như không hề giảm mà còn có xu hướng tăng.

 

Không chỉ dừng lại ở sản phẩm sữa, thời gian qua, các hiện tượng như ngộ độc thực phẩm, phân bón giả, đồ uống giả chất lượng kém rồi bán hàng, dịch vụ lừa đảo... vẫn diễn ra khắp nơi cho thấy quyền lợi của người tiêu dùng vẫn đang bị xâm phạm. Nhìn lại chủ đề năm 2012 “tiền của chúng ta, quyền của chúng ta” nhưng thực tế hàng loạt trường hợp mua hàng mà không được bảo hành, mua phải hàng giả, hàng nhái để rồi tiền mất tật mang diễn ra khá phổ biến...Quả thực tiền của chúng ta nhưng quyền chưa hẳn thuộc về chúng ta. Trong khi cơ quan thanh tra kiểm tra thường xuyên có có các đoàn đi kiểm tra nhưng thực tế chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”, cán bộ thiếu chuyên môn, thiếu các thiết bị cần thiết tối thiểu. Thành ra, kiểm tra nhưng rốt cục chẳng có kết luận gì gọi là có giá trị, cơ sở được kiểm tra cũng xem là chuyện... đến hẹn lại lên. Trong khi đó, hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì dường như không có động thái gì giúp sức cho người tiêu dùng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nghệ An đã được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ nhiều năm nhưng hiện nay hoạt động rất hạn chế. Đó cũng chính là lý do vì sao có thực tế từ năm 2008 - 2010 còn nhận được một số đơn thư khiếu nại về quyền lợi NTD bị vi phạm, nhưng từ năm 2011 đến nay không có NTD đến trực tiếp đặt vấn đề nhờ Hội đứng ra giúp đỡ; chỉ có một vài vụ việc qua điện thoại gọi đến nhờ Hội tư vấn cách giải quyết..

 

Cơ chế thị trường nhưng về một xã của huyện Yên Thành, chị em muốn tìm băng vệ sinh thật còn khó hơn cả tìm sản phẩm nhái. Bất kỳ sản phẩm tiêu dùng nào cũng có thể làm nhái, làm giả và hàng giả thâm nhập thị trường cũng rất tinh vi. Điều đáng nói, người tiêu dùng thì trình độ hạn chế và nếu có phát hiện, phản ánh thì cũng chỉ như ném đá ao bèo nên chăc lưỡi bỏ qua.

 

Như vậy, một mặt các tổ chức, sở liên quan chưa có nhiều hoạt động nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng nhưng mặt khác do người tiêu dùng im lặng, không khiếu nại, không biết khiếu nại đến đâu, hoặc có khiếu nại mà chưa được giải quyết nên chắc chắn số vụ việc bị xâm phạm quyền lợi còn lớn hơn rất nhiều lần. Một người chặc lưỡi: thôi kệ, hai người cũng: thôi kệ, còn người có chức trách khi nhận được phản ánh của người dân cũng nghe rồi bỏ đó, không có trách nhiệm kiểm tra. Đó cũng chính là thực trạng để hiểu vì sao tình trạng người tiêu dùng đang bị “móc túi” nặng nề hiện nay; hàng giả hàng nhái vẫn có “đất sống”. Bác Dục – cán bộ nghỉ hưu ở khối Yên Bình – Hưng Phúc nói: Cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm nhưng luôn lên tiếng “hãy là người tiêu dùng thông minh”. Công nghệ làm hàng giả, hàng nhái tinh vi như thế thì thông minh đến mấy người dân có khi cũng chịu.”

 

Để bảo vệ tốt quyền lợi người tiêu dùng phải có sự vào cuộc của toàn xã hội. Nhận thức, sự hiểu biết của người tiêu dùng có sự khác biệt về thành phần, lứa tuổi, giới tính và vùng miền, do vậy, một mặt cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra kiểm tra một cách nghiêm túc, hiệu quả, một mặt có nhiều hình thức tuyên truyền, trưng bày hàng nhái, hàng giả để người tiêu dùng nhận biết và so sánh với hàng thật. Về phía doanh nghiệp cũng cần có động thái bảo vệ sản phẩm của mình, cung cấp thông tin về sản phẩm, bao bì... để người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn...

Chị Mỹ Hà – Phó phòng Quản lý Thương mại - Sở Công thương Nghệ An cho biết: Hưởng ứng ngày quyền người tiêu dùng thế giới năm nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, Sở đã có công văn gửi các địa phương treo các băng rôn, biểu ngữ, khẩu hiệu với nội dung như: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội; “Người tiêu dùng có quyền được thông tin về hàng hoá, dịch vụ; Người tiêu dùng có quyền được an toàn, khiếu nại và bồi thường; Không tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ và môi trường; Hãy tiêu dùng hàng hoá có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi tiêu dùng…

Thu Huyền

Tin mới