Người Trung Quốc bị kỳ thị giữa dịch viêm phổi

CanadaFrank Ye, 23 tuổi, vẫn còn nhớ cảm giác lạc lõng 17 năm trước, khi dịch SARS bùng phát và anh bị bạn bè trong trường xa lánh.

Frank Ye, hiện học thạc sĩ tại Đại học Toronto, Canada, mới 8 tuổi khi đại dịch SARS bùng phát năm 2003.

"Tôi vẫn còn nhớ những đứa trẻ khác trên sân trường đã bảo tôi hãy biến đi vì 'tất cả người Trung Quốc đều có SARS'", Ye viết trên Twitter hôm 26/1. "Trái tim tôi đau đớn cho những đứa trẻ Trung Quốc đối mặt với sự kỳ thị chủng tộc vì điều này".

Khi thông tin về dịch viêm phổi cấp do virus nCoV gây ra bắt đầu lan truyền, những người Canada gốc Hoa như Ye không chỉ lo ngại sự lây lan của chủng virus mới thuộc họ corona, mà còn cả làn sóng phân biệt chủng tộc đối với mình.

Terri Chu, một người gốc Hoa ở thành phố Toronto, đã nhận được vô số lời lẽ chỉ trích khi bày tỏ trên Twitter lo ngại về sự kỳ thị chủng tộc đi kèm với sự lây lan của virus corona trên toàn thế giới.

"Twitter của tôi ngập tràn những lời lẽ chỉ trích cay độc từ sáng hôm ấy", Chu kể hôm 28/1. "Nhưng đó chỉ là một điều bình thường dễ hiểu, khi bạn thuộc một nhóm thiểu số, không nằm trong nhóm đa số".

Người Trung Quốc bị kỳ thị giữa dịch viêm phổi ảnh 1

Người đi bộ đeo khẩu trang tại khu Chinatown ở thành phố Toronto, Canada hôm 28/1. Ảnh: Reuters.

Canada đến nay ghi nhận 3 ca nhiễm dịch viêm phổi cấp có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Dù sinh sống ở quốc gia phía bên kia bán cầu, cộng đồng người gốc Hoa vẫn trở thành mục tiêu của sự kỳ thị chủng tộc. Canada từng chứng kiến một làn sóng bài ngoại tương tự khi dịch SARS, cũng xuất phát từ Trung Quốc, bùng phát 17 năm trước.

Trong tình cảnh hoảng loạn khi đó, nhiều doanh nghiệp của người Trung Quốc ở Canada đã hứng chịu thiệt hại nặng nề vì tâm lý lo sợ dịch bệnh. Toronto thiệt hại khoảng 1 tỷ CND khi người dân và du khách tránh đến thành phố này, đặc biệt là các khu vực có tập trung đông doanh nghiệp, nhà hàng Trung Quốc.

Nhiều lao động Trung Quốc bị cho nghỉ việc, những người Trung Quốc bị chủ nhà trọ đuổi ra đường. Thậm chí, các nhà tang lễ cũng từ chối tiếp nhận những người chết đến từ một bệnh viện đang điều trị dịch SARS.

Sự hoang mang từng làm tê liệt phần lớn Toronto dường như đang quay trở lại, Amy Go, chủ tịch lâm thời Hội đồng Công lý Xã hội Quốc gia của người Canada gốc Hoa nói.

"Tôi đã hy vọng mọi thứ sẽ không giống như năm 2003, nhưng nó đang xảy ra và sẽ bị phóng đại bởi mạng xã hội", Go nói.

Khi một blog nổi tiếng ở Toronto giới thiệu một nhà hàng Trung Quốc mới trên Instagram hôm 27/1, bài viết nhanh chóng nhận được hàng loạt bình luận phân biệt chủng tộc. Gần 9.000 cha mẹ ở học khu York, khu vực phía Bắc Toronto, cũng ký đơn kiến nghị yêu cầu các học sinh từng tới Trung Quốc trong 17 ngày qua không được đến trường.

"Điều này phải dừng lại. Dừng ăn các động vật hoang dã và sau đó lây nhiễm cho mọi người xung quanh các bạn", một người ký đơn viết. "Hãy ngăn chặn sự lây lan và cách ly chính bản thân các bạn hoặc hãy quay lại Trung Quốc".

Hội đồng học khu York, đại diện cho 208 trường học, đã lên án đơn kiến nghị trên giữa lo ngại các học sinh sẽ trở thành mục tiêu chỉ trích chỉ vì chủng tộc của mình.

"Chúng tôi hiểu được sự lo lắng đang gia tăng giữa các gia đình gốc Trung Quốc", Juanita Nathan, Chủ tịch hội đồng nói. "Những cá nhân đưa ra các giả định, thậm chí với chủ ý tích cực về an toàn, nguy cơ đối với những người khác, yêu cầu hay đề nghị cách ly đều có thể bị xem là đang thể hiện sự thiên vị và phân biệt chủng tộc".

Người Trung Quốc bị kỳ thị giữa dịch viêm phổi ảnh 2

Khẩu trang được bày bán ở khu Chinatown, thành phố Toronto, Canada hôm 28/1. Ảnh: Reuters

Terri Chu cho rằng nỗi lo sợ về virus corona đã bị thổi phồng quá mức.

"Hiện nay ô nhiễm không khí và sự gia tăng của những chiếc xe SUV là mối nguy cơ về sức khỏe cộng đồng lớn hơn nhiều đối với các con của tôi so với virus corona. Nó vượt trội về tỷ lệ", cô nói. "Số người chết vì dịch SARS ở Canada là 44. Năm ngoái, tại Toronto, có 41 người bị xe đâm".

Thái độ kỳ thị cũng xuất hiện ở những quốc gia khác có cộng đồng người Trung Quốc sinh sống. Tại Australia, lãnh đạo bang Queensland Ducan Pegg đã cảnh báo người dân về những thông tin giả lan truyền trên mạng gây hoang mang trong những cộng đồng có tỷ lệ người gốc Á cao.

Tuy nhiên, Go cho rằng phản ứng tại Canada, nơi có những thành phố đa dạng về sắc tộc nhất thế giới, đã phơi bày tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn luôn tồn tại mỗi ngày.

"Hai hay ba tháng tới, virus corona có thể sẽ bị xóa sổ. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề sức khỏe cộng đồng. Đây là vấn đề phân biệt chủng tộc ở Canada", ông nói. "Tác động tích cực nhất của vấn đề này là mọi người hiểu rằng chúng ta có thể làm tốt hơn".

Tin mới