Nguy cơ gia tăng bệnh tim mạch trong mùa lạnh và cách phòng tránh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiệt độ xuống thấp thường kéo theo nguy cơ gia tăng tỷ lệ mắc các bệnh về tim mạch. Hiện mùa đông đang diễn ra, đây là thời điểm người bệnh tim mạch có thể đối mặt với nhiều nguy hiểm, cần chú ý phòng tránh.

Thời tiết lạnh và nguy cơ bệnh tim tiềm ẩn

Vào mùa đông, thời tiết miền Bắc thường xuống thấp. Ở Việt Nam, thậm chí có những ngày nhiệt độ dưới 10 độ C. Điều này không chỉ gây cảm giác lạnh giá thường trực, ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc của người dân mà còn tiềm ẩn những mối nguy cho tim mạch.

BS.CKII. Nguyễn Ngọc Lân cho hay, số người bệnh đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI khám và điều trị bệnh tim thường tăng cao trong mùa đông. Đối tượng chủ yếu là người già và người mắc bệnh tim.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí về y học tại Anh, cứ mỗi khi nhiệt độ trung bình giảm 10 độ C, nguy cơ đau tim lại tăng 2%. Nghiên cứu của Hội tim mạch học Mỹ (ACC) cho thấy, hơn 50% những cơn đau tim xảy ra vào mùa đông.

Các cơn đau tim thường xảy ra vào buổi sáng, thời điểm bệnh nhân mới ngủ dậy, nhất là vào những tháng mùa lạnh. Những người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do cơ thể đã lão hóa, dẫn đến giảm khả năng thích nghi với sự thay đổi của thời tiết.

5.jpg
Nhiệt độ trung bình cứ giảm 10 độ C, nguy cơ đau tim lại tăng 2% (Ảnh: freepik.com).

Những ảnh hưởng của thời tiết lạnh đối với sức khỏe tim mạch

Bác sĩ Lân cho biết, khi thời tiết lạnh, tim phải làm việc nhiều hơn để duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định. Điều này có thể dẫn đến tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim và khiến tim suy yếu theo thời gian.

Thời tiết lạnh là tác nhân làm tăng tiết các Catecholamin trong máu, dẫn đến co mạch ngoại biên. Hậu quả là lượng máu trở về tim tăng và gây tăng huyết áp.

"Huyết áp của người bình thường là 120/80 mmHg. Nếu huyết áp tâm thu quá 180 mmHg là điều đáng lo ngại. Khi thời tiết lạnh, huyết áp của những người có tiền sử huyết áp có thể tăng lên tới 200mmHg. Nếu không phát hiện và dùng thuốc kịp thời có thể gây biến cố vỡ mạch và tử vong. Thời tiết lạnh cũng làm tăng nguy cơ gặp các cơn huyết áp kịch phát ở người bệnh đái tháo đường", bác sĩ Lân nhấn mạnh.

Trong khi đó, những người mắc bệnh mạch vành thường có nhu cầu oxy cho cơ tim cao hơn bình thường. Họ thường xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, khó thở và nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp.

Nhiệt độ xuống thấp kéo theo sự gia tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành, bệnh mạch máu ngoại vi.

Làm việc trong thời tiết lạnh là một mối nguy tiềm ẩn đối với hệ tim mạch. Bởi khi đó cơ thể vừa gắng sức để hoàn thành công việc vừa phải cố tạo năng lượng giữ ấm, có thể làm tăng nguy cơ đau tim. Những người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường có nguy cơ gặp các biến cố tim mạch cao hơn người bình thường dù chỉ cần gắng sức nhẹ trong mùa lạnh.

3.jpg
Thời tiết lạnh còn làm gia tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch vành, nhồi máu cơ tim (Ảnh: freepik.com).

Bảo vệ cơ thể, phòng tránh nguy cơ tim mạch trong mùa lạnh

Thời tiết lạnh là mối đe dọa đối với sức khỏe. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức đầy đủ điều này. Vì vậy, nhiều người vẫn chủ quan ra ngoài trời trong nhiệt độ lạnh mà không có các biện pháp bảo vệ đúng đắn.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lân đưa ra một số khuyến cáo để giảm thiểu nguy cơ tim mạch trong mùa lạnh như sau:

- Giữ ấm cho cơ thể bằng cách mặc đủ ấm ngay cả khi ở nhà. Khi ra ngoài cần mặc áo ấm, đi tất dày, quàng khăn, đội mũ len, đeo khẩu trang để tránh không khí lạnh tiếp xúc những vùng nhạy cảm như da đầu, mặt, cổ bởi điều này có thể gây co mạch ảnh hưởng bất lợi cho hoạt động hệ tim mạch. Đặc biệt, người lớn tuổi càng cần được mặc đủ ấm hơn vì thân nhiệt rất dễ hạ trong thời tiết lạnh.

- Tránh làm việc nặng trong vòng 30 phút đầu tiên sau khi thức dậy. Nếu phải làm việc trong thời tiết lạnh, bạn có thể khởi động trước khi đi ra ngoài và bắt đầu công việc.

- Uống nước hàng ngày, khoảng 2 - 2,5 lít hoặc 6 - 8 ly nước ấm hàng ngày. Bệnh nhân suy tim nên tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng nước uống hàng ngày.

- Không ăn quá no, uống cà phê hay hút thuốc trong vòng 1 giờ trước khi làm việc nặng, vì điều này có thể làm tăng nhịp tim.

- Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ 7-8 giờ/đêm. Đảm bảo phòng ngủ đủ ấm nhưng thông thoáng.

- Tập thể dục đều đặn cả trong những ngày trời lạnh với các bộ môn như tập dưỡng sinh, thái cực quyền, yoga, khí công, chạy bộ,… Nên tập trong nhà để tránh tiếp xúc với trời lạnh. Tham khảo ý kiến bác sĩ để tập luyện phù hợp với thể trạng và tình hình sức khỏe.

"Điều quan trọng nhất là thường xuyên kiểm tra các chỉ số huyết áp, đường huyết, cân nặng tại nhà, đặc biệt trong những ngày nhiệt độ xuống thấp để chắc rằng sức khỏe tim mạch vẫn được kiểm soát. Ngoài ra, bệnh nhân có thể ghi vào nhật ký và có thể điều chỉnh liều thuốc nếu cần thiết sau khi tham khảo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa", bác sĩ Lân cho biết thêm./.

Tin mới