Nguy cơ mất an toàn từ những điểm sạt lở núi vào mùa mưa lũ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Địa bàn Nghệ An hiện có khá nhiều điểm nguy cơ sạt lở núi trong mùa mưa bão, trực tiếp đe dọa đến tính mạng và tài sản người dân. Mặc dù, cơ quan chức năng đã triển khai những biện pháp đảm bảo an toàn, nhưng mỗi người dân cũng cần chủ động, đảm bảo an toàn cho chính mình.

bna_van truong 1.jpeg
Nguy cơ sạt lở núi ở khu vực khối 1, thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão. Ảnh: Văn Trường (chụp ngày 31/7/2023)

Có mặt tại khối 1, thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, thấy dấu tích của vụ sạt lở núi xảy ra thời điểm đầu tháng 10/2022 vẫn còn đó. Cả vệt sạt lở núi kéo dài khoảng gần 300 mét, nằm dựng đứng sát nhà dân, phía trên xuất hiện các điểm sạt lở mới kéo theo cây cối bị đổ gãy bật cả gốc rễ. Đáng lo là dọc vết sạt lở núi hiện có khá nhiều tảng đá đang treo lơ lửng có thể lăn xuống nhà dân bất cứ lúc nào.

Chủ cơ sở kinh doanh Hoàng Lan ở khối 1, thị trấn Tân Kỳ lo lắng nói: Ngay sau nhà tôi là quả đồi dựng đứng với những vệt sạt lở kéo dài, căn nhà nằm lọt thỏm dưới chân ngọn đồi đang chực chờ đổ xuống. Mùa mưa năm trước, khu vực này xảy ra sạt lở núi, đất, đá lăn từ trên núi xuống xuyên qua cả vách nhà, may mà lúc đó gia đình tôi không có ai ở nhà.

"Hiện nay mới đầu mùa mưa, nhưng cũng đã xuất hiện tình trạng sạt lở nhỏ, đất, đá rơi áp sát căn nhà, những đêm mưa gió không ai ngủ được. Chúng tôi mong muốn các ngành liên quan cần sớm có giải pháp xử lý sạt lở núi, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân", chủ cơ sở kinh doanh này nói.

Quan sát tại một số điểm sạt lở núi khác ở khu vực thị trấn Tân Kỳ cũng khá nghiêm trọng, một số hộ dân dùng máy móc tự xử lý các điểm sạt lở núi.

bna_van truong 2.jpeg
Một số khu vực tại huyện Tân Kỳ, người dân chủ động dùng máy móc để san gạt phòng, chống sạt lở. Ảnh: Văn Trường

Đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Kỳ cho biết: Địa bàn huyện Tân Kỳ hiện có 5 điểm sạt lở núi lớn nhỏ, trong đó, có 4 điểm nguy cơ sạt lở núi ở thị trấn Tân Kỳ, các xã: Kỳ Tân, Tân Hợp, Tân Long. Trong đó, điểm sạt lở núi ở xã Tân Long mới đây được đơn vị quản lý giao thông xây dựng bờ kè đá, gia cố bằng thép có chiều dài gần 100 mét, chiều cao 4,3 mét, bố trí rãnh thoát nước, bao bọc xung quanh khu vực sạt lở núi.

Tuy nhiên, các phương tiện giao thông qua lại khu vực này vẫn cần phải cảnh giác trong mùa mưa bão, bởi phía trên đỉnh núi đang còn nhiều tảng đá lớn treo lơ lửng.

Đối với các điểm sạt lở cũ trên địa bàn, hiện nay, huyện Tân Kỳ chỉ mới thực hiện giải pháp tạm thời là dùng máy móc để san gạt các điểm sạt lở. Về lâu dài cần phải làm các bậc taluy, kè rọ đá để chống sạt lở núi, đảm bảo an toàn cho nhân dân.

bna_van truong 4.jpeg
Các hộ dân ở vùng sạt lở khối 1, thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ cần nâng cao cảnh giác trong mùa mưa. Ảnh: Văn Trường

Huyện Tân Kỳ đang thống kê, rà soát các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng sạt lở núi, từ đó, chủ động triển khai thực hiện di dời các hộ dân trong mùa mưa bão.

Ngoài ra, khi mưa lũ đến ở huyện Tân Kỳ còn có thêm một nguy cơ lớn gây sạt lở núi. Đó là hiện nay trước tình hình keo tăng giá, một số xã ồ ạt thu hoạch, làm đường lên núi vận chuyển keo và vào mùa mưa thì những khu vực keo bị chặt trụi cũng tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi.

Địa bàn huyện Con Cuông hiện có khá nhiều điểm sạt lở núi. Tại bản Thành Nam, xã Bồng Khê có 1 điểm sạt lở núi xảy ra từ tháng 9/2022 làm 4 hộ dân bị ảnh hưởng, như đất, đá vùi lấp nhà cửa của dân.

Khu vực đồi phía sau nhà các hộ dân là một vách núi có mái dựng thẳng đứng, chưa bạt mái taluy. Cung sạt lở và có nguy cơ sạt lở có chiều dài khoảng hơn 150m. Hiện trường cho thấy, đất, sỏi tràn từ đỉnh núi xuống phía dưới ngay sát nhà dân từ mùa mưa năm trước kéo theo cả các bụi tre, mét đổ gãy nằm ven sườn đồi.

Một số hộ dân khu vực này chia sẻ: Từ cuối tháng 10/2021 đến nay, vào mùa mưa, đất, đá từ trên núi liên tục sụt xuống. Sắp tới, vào mùa mưa lớn thì khả năng cao đất, đá sẽ lăn từ đỉnh núi xuống, rất mong, các cấp chính quyền địa phương và ngành liên quan sớm có biện pháp xử lý để người dân được yên tâm sinh sống.

bna_van truong 11.jpeg
Người dân sống bất an tại một điểm sạt lở núi ở bản Thành Nam, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: Văn Trường

Trao đổi về vấn đề trên, ông Cao Tiến Thịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Bồng Khê cho biết: Địa bàn xã Bồng Khê có 2 điểm sạt lở núi, 1 điểm ở bản Khe Rạn (ảnh hưởng 2 hộ dân), 1 điểm ở bản Thành Nam (ảnh hưởng 4 hộ dân), các điểm sạt lở trên ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Do xã khó khăn về kinh phí nên người dân tự chủ động thuê máy móc để khắc phục và san gạt các điểm sạt lở núi. Vào mùa mưa xã chỉ biết vận động di dời người dân đến nơi an toàn.

Còn đ iểm sạt lở lớn ở bản Bủng Xát, xã Châu Khê từ tháng 10/2020, có 17 hộ dân bị ảnh hưởng, UBND tỉnh đã cho phép huyện Con Cuông lập dự án xây dựng di dời khẩn cấp các hộ dân vùng thiên tai, sạt lở đất tại bản Bủng Xát, với tổng mức đầu tư dự kiến 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên đến nay chưa thể xây dựng được khu tái định cư, ngành chức năng chỉ mới xử lý tạm thời cung trượt, đá treo, khắc phục các vết nứt quanh bản, vào mùa mưa nguy cơ mất an toàn rất cao.

bna_van truong 22.jpeg
Sạt lở làm cho cả những bụi tre bị đổ gãy nằm lưng chừng núi ở bản Thành Nam, xã Bồng Khê. Ảnh: Văn Trường

Ông Lô Văn Lý - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Con Cuông cho biết: Địa bàn huyện Con Cuông hiện có trên 10 điểm sạt lở núi, chủ yếu tập trung ở các khu vực Dốc Chó, Quốc lộ 7 ở xã Lạng Khê; bản Bủng Xát, xã Châu Khê; các điểm sạt lở ở xã Đôn Phục, Lục Dạ, Cam Lâm, Thạch Ngàn … Trong đó, nếu mưa lớn cần di dời khẩn cấp khoảng 25 hộ dân. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở núi ngoài mưa lũ còn do một số hộ dân chủ yếu cải tạo, đào móng làm nhà ngay sát chân núi, mái ta luy cao.

Trước thực trạng trên, ngay từ đầu mùa mưa lũ, huyện Con Cuông đã triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro như kiểm tra, rà soát các hộ dân ở vùng ảnh hưởng sạt lở, lên phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai và phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ sạt lở núi.

Chi cục Thủy lợi Nghệ An khuyến cáo các địa phương vùng sạt lở núi thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về nguy sạt lở đất; yêu cầu người dân không nên cải tạo xây dựng nhà dưới chân đồi phòng tránh sạt lở núi.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở luôn chuẩn bị sẵn sàng hành động theo phương châm “4 tại chỗ” (Lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Đặc biệt, các ngành liên quan cần sớm hỗ trợ các địa phương vùng sạt lở núi khảo sát thực tế và kinh phí khắc phục sạt lở, cũng như sớm xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.

Tin mới