Nhật Bản tạo ra đột phá trong công nghệ 6G khi truyền dữ liệu với tốc độ lên tới 100 Gbps

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Các gã khổng lồ công nghệ Nhật Bản lần đầu tiên đã thực hiện thành công việc truyền dữ liệu bằng công nghệ 6G trong thế giới thực với tốc độ đạt được lên tới 100 gigabit/giây (Gbps), nhanh hơn khoảng 20 lần so với tốc độ dữ liệu tối đa của mạng 5G hiện tại.

Theo đó, một nhóm gồm những gã khổng lồ công nghệ Nhật Bản, bao gồm DOCOMO, NTT, NEC và Fujitsu đã tiết lộ kết quả các bài kiểm tra tốc độ 6G trong thế giới thực của họ.

Thành tựu mang tính đột phá này cho thấy khả năng công nghệ 6G có thể đạt được tốc độ truyền dữ liệu cực cao lên tới 100Gbps, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong kỷ nguyên sắp tới của mạng thông tin di động thế hệ tiếp theo sau 5G.

Anh minh hoa1.jpg
Ảnh minh hoạ.

Bốn công ty công nghệ Nhật Bản đã hợp tác cùng nhau trong dự án này từ năm 2021, đã cùng phát triển một thiết bị 6G hoạt động trong băng tần cao và chứng tỏ khả năng truyền dẫn dữ liệu với tốc độ 100Gbps ở đoạn băng tần 100GHz và 300GHz với khoảng cách lên tới 100 mét. Thành tích này đặc biệt đáng chú ý vì nó nhanh hơn khoảng 20 lần so với tốc độ dữ liệu tối đa 5G hiện tại là 4,9Gbps.

Tốc độ truyền dữ liệu này tương đương với việc truyền tải 5 bộ phim HD mỗi giây và theo một nền tảng trực tuyến của Đức Statista thì tốc độ này nhanh hơn tới 500 lần so với tốc độ 5G trung bình cho điện thoại thông minh trên mạng T-Mobile ở Mỹ.

Được triển khai vào năm 2019, 5G là tiêu chuẩn thông tin di động tiên tiến nhất hiện nay và đã được sử dụng bởi hầu hết tất cả các điện thoại thông minh mới. Tốc độ trung bình cho điện thoại thông minh trên mạng T-Mobile ở Mỹ là khoảng 204,9 megabit/giây (Mbps), trong khi tốc độ 5G tối đa theo lý thuyết ít nhất là 10 Gbps.

Sự khác biệt chính giữa công nghệ 5G và 6G nằm ở băng tần mà các công nghệ này sử dụng. Mạng 6G sẽ hỗ trợ tất cả các băng tần được sử dụng bởi 5G bao gồm băng tần thấp (dưới 1 GHz), băng tần trung (1-7 GHz) và băng tần cao (băng mmWave: 24-100 GHz) đồng thời sẽ sử dụng các băng tần mới, đặc biệt là băng tần dưới Terahertz (THz) có tần số từ 100 GHz đến 300 GHz và băng tần THz có tần số từ 300 GHz đến 3 THz nhằm cung cấp tốc độ cực cao, có thể lên tới 1 Tegabit/giây (Tbps); độ trễ cực thấp, cỡ micro giây.

Các băng tần dưới THz có thể mang lại tốc độ dữ liệu rất cao và độ trễ cực thấp, nhưng đặt ra những thách thức về phạm vi phủ sóng, tính di động và mức tiêu thụ năng lượng của thiết bị. Các trường hợp sử dụng tiềm năng bao gồm kết nối vô tuyến cố định đến nhà, trung tâm dữ liệu vô tuyến, định vị cực kỳ chính xác và cảm biến RF.

Việc truyền dữ liệu trong các băng tần cao “dưới THz” sẽ tận dụng lợi thế về tốc độ nhanh hơn nhưng có nhược điểm là bị ảnh hưởng bởi các nguồn nhiễu từ môi trường truyền sóng, khiến tín hiệu có nhiều khả năng bị ngăn cản bởi các vật thể đặc biệt là môi trường trong nhà.

Theo chu kỳ, mỗi thế hệ mạng di động mới thường được triển khai sau 10 năm và 6G được dự đoán sẽ được triển khai thương mại vào năm 2030. Một số dự báo về tầm nhìn mạng 6G hy vọng việc hoàn thành tiêu chuẩn 6G và đưa vào thương mại hóa sớm hơn ở các quốc gia đã triển khai mạng 5G sớm như Hàn Quốc. Con người và máy móc sẽ là đối tượng dùng chính của mạng 6G và được đặc trưng bởi việc cung cấp các dịch vụ tiên tiến như thực tế ảo mở rộng, bản sao kỹ thuật số,…

Thị trường công nghệ 6G dự kiến sẽ tạo điều kiện cho những cải tiến lớn trong lĩnh vực hình ảnh, công nghệ nhận diện và nhận biết chính xác vị trí. Kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo, cơ sở hạ tầng tính toán 6G sẽ có thể xác định nơi tốt nhất để thực hiện tính toán, bao gồm đưa ra các quyết định về lưu trữ, xử lý và chia sẻ dữ liệu.

Công nghệ mạng 6G hiện tại chưa có các định nghĩa rõ ràng và cũng chưa được các tổ chức quốc tế phê chuẩn để trở thành công nghệ di động chính thức. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều quốc gia và các tổ chức trên thế giới đã lên kế hoạch đầu tư và nghiên cứu công nghệ mới này.

Tin mới