Vụ kiện liên quan đến độc quyền của Apple có thể thay đổi trải nghiệm người dùng iPhone

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Vụ kiện liên quan đến độc quyền của Apple vẫn đang diễn ra và chưa rõ kết quả cuối cùng sẽ như thế nào. Tuy nhiên, vụ kiện này có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể cho trải nghiệm người dùng iPhone trong tương lai.

Khi Apple ra mắt công chúng máy tính Mac đầu tiên vào năm 1984, lời chào mang tính biểu tượng "Xin chào" đã gây ấn tượng mạnh với khách hàng trong lần đầu tiên khởi động thiết bị.

Phương châm thân thiện với người tiêu dùng đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay, với việc Apple cẩn thận tạo ra trải nghiệm người dùng dễ dàng nhưng được kiểm soát trên các sản phẩm của mình, bao gồm hàng tỷ chiếc iPhone được sử dụng trên toàn thế giới.

Anh minh hoa1.jpg
Ảnh minh họa.

Nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden tin rằng Apple đã đi quá xa. Vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã kiện Apple vì tội độc quyền thị trường điện thoại thông minh một cách bất hợp pháp. Trong một cuộc họp báo, chính phủ Mỹ đã cung cấp một danh sách dài về cách Apple bị cáo buộc đàn áp các đối thủ cạnh tranh bằng các điều khoản khắt khe của cửa hàng ứng dụng, tính phí cao và cách tiếp cận “khép kín” của họ, hạn chế cách các công ty bên thứ ba tương tác với các thương hiệu và dịch vụ của Apple.

Tuy nhiên, Apple đã bác bỏ các cáo buộc của vụ kiện và cho biết họ có kế hoạch chống lại các cáo buộc này. Apple nói thêm rằng vụ kiện có thể trao quyền cho chính phủ “can thiệp mạnh mẽ vào việc thiết kế công nghệ dành cho mọi người”.

Nhưng nếu thành công, vụ kiện có thể ảnh hưởng đến các sản phẩm và dịch vụ của Apple. Mặc dù vụ kiện có thể mất nhiều năm để giải quyết, nhưng sau đây là cái nhìn chi tiết hơn về những gì nó có thể mang lại cho người dùng iPhone.

Những thay đổi trong Cửa hàng ứng dụng App Store

Nếu bị kết tội, Apple có thể bị buộc phải thay đổi một số thứ. Một trong những thay đổi đó là cách người dùng iPhone có thể truy cập nhiều hơn vào các “siêu ứng dụng” vốn bị hạn chế phần lớn trước đây. Thuật ngữ này đề cập đến các ứng dụng cho phép nhắn tin, đặt đồ ăn, xử lý thanh toán và các chức năng khác trong cùng một nền tảng.

Theo ông Dipanjan Chatterjee, nhà phân tích chính tại công ty nghiên cứu thị trường Forrester (Mỹ), các siêu ứng dụng đe dọa đáng kể đến khả năng ưu việt của Apple trong quá trình phục vụ khách hàng.

“Một dịch vụ như WeChat, được mệnh danh là siêu ứng dụng của Trung Quốc, có thể cung cấp giải pháp thay thế hệ sinh thái Apple bao gồm trò chuyện, giao dịch ngân hàng, chia sẻ kỷ niệm, làm việc với đối tác và hơn thế nữa. Điều Apple lo sợ nhất là thiết bị của hãng không còn phù hợp với khách hàng”, ông Dipanjan Chatterjee cho biết.

Đồng thời, siêu ứng dụng như WeChat được tạo ra bởi các doanh nghiệp lớn, do đó có thể khiến một số công ty nhỏ hơn gặp bất lợi. Có lẽ vì vậy mà khái niệm trên không được chào đón ở Mỹ.

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ có thể lập luận rằng sự thiếu quan tâm đến các ứng dụng bên thứ ba là do thị trường điện thoại thông minh quá rộng lớn và công ty phản đối cung cấp siêu ứng dụng trong App Store, nhà phân tích Chatterjee dự đoán.

Khả năng tương tác tốt hơn

Apple cũng có thể được yêu cầu cung cấp nhiều hỗ trợ hơn cho tính năng nhắn tin đa nền tảng, một vấn đề mà trước đây công ty khẳng định đang tìm cách giải quyết.

Công ty cho phép người dùng iPhone gửi ảnh và video chất lượng cao cho nhau, nhưng các tin nhắn tương tự gửi đến điện thoại Android thì chậm hơn và hình ảnh bị vỡ. Các chuyên gia cho rằng, Apple cũng duy trì hộp thoại “bong bóng” màu xanh lá cây thay vì hộp thoại màu xanh dương, tạo ra tâm lý phân chia giai cấp khi nhắn tin tới thiết bị iOS và Android.

Tháng 11 năm ngoái, gã khổng lồ công nghệ Apple cho biết, họ sẽ bổ sung thêm các tính năng mới, chẳng hạn như thông báo đã đọc, thông báo đang gõ tin nhắn, hỗ trợ tốt hơn cho trò chuyện nhóm và chia sẻ hình ảnh và video chất lượng cao hơn trên các nền tảng để giúp thu hẹp khoảng cách.

Thay đổi của Apple nhằm thúc đẩy tiêu chuẩn RCS (dịch vụ truyền thông đa phương tiện) dự định triển khai vào cuối năm nay. RCS được coi là phiên bản thay thế hoàn hảo cho dịch vụ nhắn tin ngắn (SMS), hoạt động trên cả Wi-Fi và dữ liệu di động.

Sự thay đổi này diễn ra sau áp lực từ cả phía các nhà quản lý và đối thủ cạnh tranh để hoạt động liền mạch hơn trên các hệ điều hành. Đạo luật Thị trường kỹ thuật số của Liên minh Châu Âu yêu cầu các công ty phải làm cho các dịch vụ chính của họ có thể tương tác giữa các nền tảng. Và chính phủ Mỹ cũng có thể yêu cầu tương tự.

Hỗ trợ nhiều dịch vụ mở hơn

Một thay đổi khác chính là Apple sẽ cố gắng mở rộng khả năng tương thích của nhiều thiết bị và phần mềm, chẳng hạn như đồng hồ thông minh sẽ tương tác với dòng thiết bị và phần mềm của Apple, bao gồm iPhone và các dịch vụ của Apple như dịch vụ đăng ký tập luyện trực tuyến Fitness+. Trước đó, Apple cũng yêu cầu người dùng Apple Watch sở hữu thiết bị iOS như một cách để níu chân khách hàng trong hệ sinh thái Apple.

Ông Chatterjee cho rằng việc thực hiện thay đổi này sẽ có cả mặt tích cực và tiêu cực.

Ông nói: “Kết quả cuối cùng giúp người dùng có nhiều lựa chọn với giá thành phải chăng hơn nhưng cũng giảm bớt trải nghiệm liền mạch của khách hàng, yếu tố luôn được Apple đánh giá rất cao”.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã lên tiếng về việc Apple thiếu hỗ trợ cho các dịch vụ đám mây di động. Quyết định mở rộng kết nối có thể cho phép người dùng truy cập vào các trò chơi và các ứng dụng dựa trên đám mây khác mà không cần phải trả tiền cho phần cứng đắt tiền.

Đằng sau vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ

Vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc hành vi của Apple là vi phạm cạnh tranh công bằng bất hợp pháp, giữ chân khách hàng của họ trong các sản phẩm của Apple và ngăn các công ty khác đổi mới. Mặc dù chính quyền Tổng thống Biden sẽ phải chứng minh những thiệt hại này, nhưng một số nhà phân tích cho rằng bất kỳ thay đổi tiềm năng nào mà Apple có thể thực hiện sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm người dùng.

Ông David McQueen, Giám đốc nghiên cứu tại công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu ABI Research (Mỹ) cho biết, thị trường nội dung và ứng dụng nên được mở rộng và Apple cần tránh các lợi thế độc quyền có thể hạn chế cạnh tranh, đẩy giá lên hoặc cản trở đổi mới. Nhưng thành công của Apple một phần nhờ vào việc kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm và dịch vụ của mình, giúp mọi thứ trực quan và liền mạch.

Tuy nhiên, ông McQueen cũng cho rằng: “Nếu Apple buộc phải tuân thủ hạn chế mới, nhiều khả năng trải nghiệm người dùng sẽ không còn liền mạch. Khách hàng có nhiều lựa chọn hơn với các ứng dụng và dịch vụ”.

Ông Chatterjee lưu ý rằng, một số người dùng bị thu hút bởi dòng sản phẩm của Apple là do hệ sinh thái được quản lý chặt chẽ và dễ sử dụng. Apple có thể phải nỗ lực nhiều hơn để duy trì tính toàn vẹn của trải nghiệm người dùng. Hầu hết khách hàng của Apple sẽ hài lòng với nhiều lựa chọn giá thấp hơn, miễn không ảnh hưởng đến trải nghiệm của họ.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng những người hiện nằm ngoài hệ sinh thái Apple có thể sẽ được hưởng lợi bằng cách “tham gia vào hệ sinh thái mà không cần phải hợp tác hoàn toàn với Apple”.

Tin mới