Nhiều mô hình, điển hình dân vận khéo được nhân rộng, lan tỏa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  6 tháng đầu năm, nhiều mô hình, điển hình dân vận khéo đã được nhân rộng, lan tỏa tích cực trong xã hội, góp phần quan trọng trong việc phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc...

Sáng 15/7, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác dân vận 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Phạm Tất Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Triệu Tài Vinh - Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì. Ảnh: Thanh Lê

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì. Ảnh: Thanh Lê

Nhiều chuyển biến tích cực

Theo đánh giá của Ban Dân vận Trung ương, 6 tháng đầu năm 2022, công tác dân vận của hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực. Các cấp ủy, tổ chức Đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận; kịp thời thể chế hóa các văn bản của Trung ương và cấp ủy cấp trên, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo gắn với thực tiễn địa phương, đơn vị.

Cấp ủy, tổ chức Đảng toàn quốc đã tiến hành 1.554 cuộc kiểm tra đối với 2.612 tổ chức, đơn vị; giám sát 1.503 cuộc với 2.522 tổ chức, đơn vị về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các văn bản của cấp trên về công tác dân vận.

Công tác dân vận chính quyền, công tác dân tộc, tôn giáo, dân chủ cơ sở đạt được nhiều kết quả quan trọng theo hướng thực chất, hiệu quả, gần với dân. Ban Dân vận các cấp đã chủ động, đổi mới, năng động, linh hoạt trong tham mưu giúp cấp ủy xây dựng và thực hiện chương trình công tác dân vận theo kế hoạch đề ra.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thanh Lê

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thanh Lê

Nhiều mô hình, điển hình dân vận khéo đã được nhân rộng, lan tỏa tích cực trong xã hội, góp phần quan trọng trong việc phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước.

Bên cạnh kết quả đạt được, Ban Dân vận Trung ương cũng chỉ rõ việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ dân vận của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu đối với công tác dân vận của hệ thống chính trị có mặt chưa toàn diện, chất lượng, hiệu quả còn hạn chế.

Kết quả xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “dân vận khéo” trong công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng nông thôn mới, công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội,… chưa đạt được như kỳ vọng.

Cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Nam Đàn tham quan mô hình vườn chuẩn nông thôn mới tại xã Nam Cát. Ảnh: Thanh Lê

Cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Nam Đàn tham quan mô hình vườn chuẩn nông thôn mới tại xã Nam Cát. Ảnh: Thanh Lê

Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn

Hội nghị được nghe các tổ chức, đoàn thể và Ban Dân vận các tỉnh ủy, thành uỷ trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình hay cũng như đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác dân vận tại cơ quan, đơn vị.

Ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An tham gia tham luận về “Công tác tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo vận động đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo an ninh biên giới trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.

Theo đó, là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước (16.487 km2), dân số hơn 3,3 triệu người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 491.267 người, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh, Nghệ An cũng có đường biên giới dài nhất cả nước với 468,281 km tiếp giáp với 3 tỉnh (Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay và Hủa Phăn) của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, trải dài trên địa bàn 27 xã/6 huyện (trong đó, 22 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh).

Khu vực biên giới tỉnh Nghệ An chủ yếu có 5 dân tộc thiểu số sinh sống, gồm: Mông, Khơ mú, Thái, Thổ, Ơ đu và một số thành phần dân tộc khác.

Đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Lê

Đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Lê

Với đặc điểm tình hình trên, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã phối hợp với các ban, ngành tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ an ninh biên giới cho nhân dân Nghệ An nói chung và nhân dân các huyện, xã có đường biên giới nói riêng; phân công cán bộ biên phòng về làm phó bí thư và phân công đảng viên về sinh hoạt chi bộ tại vùng biên giới...

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các huyện, xã có chung đường biên giới thường xuyên giao ban hàng tháng, hàng quý với các địa phương của nước bạn Lào, để hai bên cung cấp thông tin, trao đổi kịp thời các vấn đề; xây dựng làng thanh niên, tổng đội thanh niên xung phong vùng biên để vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng tại địa phương...

Bộ đội biên phòng Nghệ An tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 tại xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: Thành Cường
Bộ đội biên phòng Nghệ An tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 tại xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An cũng đề nghị Trung ương quan tâm hình thành cơ chế hoặc chính sách riêng cho các tỉnh có nguồn ngân sách nhất định để hỗ trợ các tỉnh của nước bạn Lào xây dựng cơ sở hạ tầng. Bộ Tư lệnh Biên phòng tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đồn biên phòng thực hiện tốt công tác kết nghĩa bản - bản, đồn - đại đội biên phòng giữa hai bên.

Quang cảnh điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Quang cảnh điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Ban Dân vận Trung ương đề nghị Ban Dân vận các cấp tích cực, chủ động triển khai thực hiện các đề án, sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư,của cấp ủy các cấp về công tác dân vận; tiếp tục nghiên cứu tham mưu đề xuất những giải pháp, chủ trương về công tác dân vận trong tình hình mới; nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu, đề xuất về công tác dân vận; tập trung thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát về dân vận.

Đồng thời, kịp thời nắm bắt tình hình nhân dân, tình hình dân tộc, tôn giáo; những tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề mới nảy sinh trong đời sống kinh tế - xã hội của tầng lớp nhân dân, kịp thời báo cáo đề xuất với cấp ủy; tập trung triển khai thực hiện phong trào “dân vận khéo”; củng cố kiện toàn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của hệ thống chính trị, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tin mới