Những điểm sáng của Công Thương Nghệ An năm 2023

Những điểm sáng của Công Thương Nghệ An năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Năm 2023, việc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ lĩnh vực công thương gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nên ngành Công Thương vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.

Công nghiệp, xuất khẩu vượt khó

Sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại năm 2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với lạm phát, nhu cầu tiêu dùng, thương mại toàn cầu và đơn hàng giảm sút; chiến tranh thương mại giữa các kinh tế lớn vẫn tiếp diễn, xung đột Nga - Ukraine diễn biến phức tạp; giá nguyên vật liệu đầu vào thường xuyên biến động ở mức cao… Những khó khăn đó đã ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh và cả nước.

Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách quan trọng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành của quản lý nhà nước; đề ra các giải pháp cụ thể, kịp thời, tạo môi trường thuận lợi để hoàn thành nhiệm vụ năm 2023.

bna-luxshare-8993.jpeg
Lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thăm dây chuyền sản xuất tại nhà máy luxshare ICT, Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: TH

Ông Phạm Văn Hoá – Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thị trường thế giới có nhiều biến động, xuất khẩu khó khăn, do đó, ngành đã tập trung chỉ đạo sản xuất hướng phục vụ thị trường nội địa. Nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm; đồng thời, năng động khai thác hiệu quả thị trường nội địa nhiều tiềm năng. Nhờ áp dụng quyết liệt các giải pháp, một mặt tích cực tìm kiếm thị trường mới, một mặt khai thác tốt thị trường nội địa nên dù ảnh hưởng tác động của suy thoái kinh tế thế giới và khó khăn trong nước nhưng năm 2023, nhiều chỉ tiêu kế hoạch như sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, và thương mại tăng khá. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp ước tăng 8,8%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 89.100 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, thuộc tốp tăng trưởng cao của cả nước.

bna-33-2669.jpeg
Lãnh đạo Vụ Thị trường, Sở Công Thương thăm gian hàng OCOP bên lề hội nghị kết nối cung cầu tháng 12/2023. Ảnh: TH

Một số sản phẩm công nghiệp ước tăng so với cùng kỳ nhờ khai thác tốt nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa như: sữa chua 47 nghìn tấn, tăng 6,38%; sữa tươi 245 triệu lít, tăng 11,26%; thức ăn gia súc 156 nghìn tấn, tăng 14,02%; bia đóng chai 37,5 triệu lít, tăng 0,87%; phân bón 49 nghìn tấn, tăng 28,9%; điện thương phẩm 4,2 triệu KWh, tăng 2,68%; nước máy 32 triệu m3, tăng 2,68%…

Đặc biệt, mặc dù thị trường quốc tế hết sức khó khăn nhưng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 2,45 tỷ USD, tăng 12,%, đạt 98,1% so với kế hoạch. Hàng hóa xuất khẩu khá phong phú, đa dạng với hơn 70 mặt hàng/nhóm mặt hàng, nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng khá. Nhiều doanh nghiệp vẫn đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh đặt ra trong năm nay.

bna-do-hoa-tran-hai-3656.jpeg
Đồ hoạ: Trần Hải

Về thương mại dịch vụ, kinh tế từng bước có dấu hiệu phục hồi sau những tháng đầu năm gặp khó khăn, nhu cầu mua sắm có xu hướng tăng trở lại, hệ thống siêu thị bán lẻ và các hoạt động kết nối cung cầu tiếp tục được mở rộng trên nhiều địa bàn, đa dạng về chủng loại hàng hóa. Năm 2023, dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 90.000 tỷ đồng, tăng 10,83%/năm 2022, vượt 5,88%/kế hoạch năm 2023.

Kết quả có được ghi nhận sự nỗ lực, năng động của cộng đồng doanh nghiệp; ngoài doanh nghiệp FDI, xuất khẩu hàng hoá còn ghi dấu ấn sự nỗ lực khắc phục khó khăn của nhiều doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường, đơn hàng. Cùng với đó, Sở Công Thương đã tích cực kết nối, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhiều hoạt động nhằm mở rộng, xúc tiến thị trường xuất khẩu. Phối hợp với thương vụ việt Nam ở nước ngoài, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương thường xuyên thông tin tình hình thị trường, sản phẩm, các rào cản thương mại cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn cũng được tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xuất khẩu…

Đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước

Cũng trong năm 2023, Ngành Công thương chủ động công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch, xây dựng nhiều chương trình, đề án, trong đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện các phương án phát triển lĩnh vực công nghiệp - thương mại để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; Triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

bna-det-may-sangwoo1-7679.jpeg
Sản xuất tại Công Ty TNHH Sangwoo Việt Nam, Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: TH

Ngành cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước về công nghiệp; Tập trung chỉ đạo, rà soát phương án sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực, thúc đẩy các sản phẩm có dư địa để tăng sản lượng sản xuất nhằm bù đắp cho các sản phẩm thiếu hụt. Công tác quản lý nhà nước về năng lượng đạt nhiều kết quả tốt.

Đó là: Triển khai thực hiện Kế hoạch số 330/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo triển khai thực hiện kết luận Đoàn kiểm tra Tỉnh ủy về năng lượng. Tham mưu công tác lập Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII; Tham mưu triển khai dự án LNG Quỳnh Lập. Thực hiện công tác quản lý vận hành các nhà máy thủy điện và đôn đốc tiến độ các dự án đang triển khai…

bna-go-vien-nen-thanh-chuong-cap-cang-cua-lo-chuan-bi-xuat-hang-348.jpeg
Sản phẩm gỗ viên nén Công ty TNHH BNV Thanh Chương xuất hàng tại cảng Cửa Lò. Ảnh: TH

Năm 2024 - năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi, đẩy mạnh và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội đảng các cấp. Một số nền kinh tế lớn trên thế giới có dấu hiệu khởi sắc. Ở trong nước, các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước góp phần phục hồi các hoạt động sản xuất. Những đột phá trong thu hút đầu tư cùng với các dự án lớn về hạ tầng, công nghiệp khởi công trong năm 2023 là các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng đáng kể cho các ngành công nghiệp...

Ông Phạm Văn Hoá – Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, ngành tập trung lãnh đạo triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể hóa Chương trình hành động, sơ kết giữa nhiệm kỳ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX và Đại hội XIII của Đảng; nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021- 2026. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của ngành. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong chỉ đạo điều hành…

Năm 2024, phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân đạt 15-16%, đảm bảo mục tiêu Nghị quyết đại hội XIX đề ra. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 93.000 tỷ đồng, tăng 3,33% so với năm 2023. Xuất khẩu hàng hóa ước đạt 2.750 triệu USD, tăng 14,58% so với năm 2023.

Tin mới