Những giải pháp ‘vàng’ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Xác định nguồn nhân lực là nền tảng tiên quyết cho sự phát triển toàn diện, bền vững của đơn vị, thời gian qua, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An tập trung các giải pháp đồng bộ nhằm bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhân lực y tế vừa hồng vừa chuyên.

Chú trọng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ

Thực hiện mục tiêu cập nhật, ứng dụng các kỹ thuật cao, tiên tiến, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh; tạo tiền đề phát triển chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ y tế, những năm gần đây, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An đã liên kết với các bệnh viện tuyến Trung ương, tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật mới; tạo bước đột phá nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Bệnh viện đã liên kết với các bệnh viện tuyến Trung ương, tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật mới, chuyên sâu. Ảnh: PV

Bệnh viện đã liên kết với các bệnh viện tuyến Trung ương, tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật mới, chuyên sâu. Ảnh: PV

Điển hình như gói kỹ thuật “Nội soi ống cứng can thiệp - Tiêm xơ búi trĩ” bằng thuốc PG60, Bệnh viện tiếp nhận từ Viện Y Dược học dân tộc TP.Hồ Chí Minh. Chỉ sau 3 năm triển khai, phương pháp “Tiêm xơ búi trĩ” với nhiều ưu điểm nổi bật (không can thiệp xâm lấn, không đau, rút ngắn thời gian điều trị…), đã trở thành kỹ thuật mũi nhọn chuyên sâu của bệnh viện. Đến nay, bệnh viện đã điều trị thành công cho gần 1.400 người bệnh với 15.177 mũi tiêm; tạo nên dấu ấn thương hiệu của Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An.

Năm 2020, bệnh viện còn tiếp nhận chuyển giao từ các chuyên gia hàng đầu về cơ xương khớp của Bệnh viện E gói kỹ thuật “Chẩn đoán, điều trị can thiệp các bệnh cơ xương khớp”.

Chỉ sau 3 tháng đưa vào áp dụng thường quy tại Bệnh viện, kỹ thuật mới được đánh giá cao về tính ưu việt (giúp giảm viêm, giảm đau, kết hợp với phương pháp y học cổ truyền sẽ kích thích tuần hoàn, tăng chuyển hóa, giãn cơ… điều trị triệt để căn nguyên của bệnh); trở thành “cứu tinh” cho hàng trăm người bệnh mắc các bệnh lý cơ xương khớp.

Ngoài ra, những năm qua, bệnh viện còn tiếp nhận và ứng dụng thường quy các kỹ thuật tiên tiến như: “Điều trị di chứng liệt do tai biến mạch máu não”; kỹ thuật “Chọc hút dịch, tiêm khớp ngoại vi”...; nâng cao hiệu quả điều trị.

Tiêm xơ búi trĩ là một trong những kỹ thuật tạo nên dấu ấn thương hiệu của Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An, thời gian qua. Ảnh: PV

Tiêm xơ búi trĩ là một trong những kỹ thuật tạo nên dấu ấn thương hiệu của Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An, thời gian qua. Ảnh: PV

Để chuyển giao thành công các kỹ thuật mới và triển khai thường quy tại đơn vị, Bệnh viện đã cử đội ngũ y, bác sĩ tham gia học tập và trải nghiệm thực tiễn tại các bệnh viện tuyến trên; sau quá trình đào tạo, sẽ được cấp chứng chỉ để triển khai tại bệnh viện.

Mới đây, 5 bác sĩ và 1 điều dưỡng của Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An đã được nhận chứng chỉ đào tạo liên tục theo Đề án 1816 sau 3 tháng được cử đi đào tạo thực tiễn tại Bệnh viện YHCT Trung ương; với kỹ thuật chuyển giao “Điện châm - Thủy châm giảm đau cho bệnh nhân ung thư” và “Khám và bào chế thuốc điều trị phụ khoa”.

Mới đây, các bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An đã được nhận chứng chỉ đào tạo liên tục theo Đề án 1816 do Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương trao. Ảnh: PV

Mới đây, các bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An đã được nhận chứng chỉ đào tạo liên tục theo Đề án 1816 do Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương trao. Ảnh: PV

Bệnh viện còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị y tế tuyến trên, mời các chuyên gia tổ chức các khóa đào tạo, theo hình thức “cầm tay chỉ việc”; đồng thời hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện tối đa cho các cán bộ, viên chức tham gia các khóa tập huấn, nhằm nâng cao trình độ cho các y, bác sĩ.

Bệnh viện còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị y tế tuyến trên, mời các chuyên gia tổ chức các khóa đào tạo, theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Ảnh: PV

Bệnh viện còn thường xuyên phối hợp với các đơn vị y tế tuyến trên, mời các chuyên gia tổ chức các khóa đào tạo, theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Ảnh: PV

Cùng với đó, Bệnh viện còn tạo mọi điều kiện để cán bộ, nhân viên tham gia nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến, đồng thời hàng năm tổ chức thi tay nghề cho các bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và có hình thức khen thưởng cho những cá nhân đạt thành tích cao; nhằm tạo nên phong trào thi đua sôi nổi, khuyến khích tinh thần sáng tạo, trau dồi chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên, đồng thời ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, nâng cao chất lượng KCB.

Ưu tiên thu hút nhân tài

Bên cạnh chú trọng bồi dưỡng, phát triển đội ngũ y, bác sĩ những năm qua, bệnh viện liên tục bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho đơn vị, bằng các chính sách thu hút, tuyển dụng đội ngũ y tế đạt chuẩn về số lượng và chất lượng, với cơ chế đãi ngộ “giữ chân người tài”.

Cùng với đó, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, chú trọng chăm lo đời sống vật chất tinh thần, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên, người lao động phát triển chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp; từ đó gắn bó lâu dài và đồng hành với bệnh viện.

Đến nay, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An đã sở hữu đội ngũ nhân lực đáp ứng Bệnh viện hạng I chuyên khoa Y học cổ truyền: Trong tổng số 371 cán bộ, công nhân viên chức có 23 người trình độ Chuyên khoa II, 65 người trình độ Chuyên khoa I, Thạc sỹ.

Với các giải pháp đồng bộ và quyết liệt về mọi mặt, thương hiệu Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An ngày càng được nâng cao. Minh chứng ở số lượng người bệnh gửi gắm niềm tin điều trị, chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện ngày càng tăng lên, với trung bình từ 1.200-1.400 người bệnh điều trị nội trú mỗi ngày. Bệnh viện trở thành 1 trong 7 đơn vị xếp hạng I trên toàn quốc về chuyên ngành y học cổ truyền; có quy mô giường kế hoạch và lượng bệnh nhân điều trị nội trú lớn nhất cả nước.

Bệnh viện ngày càng được sự yêu mến và tin tưởng từ người bệnh. Ảnh: PV

Bệnh viện ngày càng được sự yêu mến và tin tưởng từ người bệnh. Ảnh: PV

"Thời gian tới, Bệnh viện sẽ phát huy trí tuệ, sức lực tập thể, phát triển đồng đều, toàn diện ở các chuyên ngành, ưu tiên một số lĩnh vực chuyên sâu làm mũi nhọn “đột phá” trong phát triển chuyên môn; tạo thương hiệu cho Bệnh viện.

Tiếp tục tập trung cải tiến chất lượng Bệnh viện, bồi dưỡng nguồn nhân lực vừa hồng, vừa chuyên, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và quản lý khám, chữa bệnh… giúp người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất, chất lượng nhất; phấn đấu trở thành Bệnh viện Đa khoa Y dược học cổ truyền tuyến cuối khu vực Bắc Trung Bộ"- Bác sĩ CKII Hồ Văn Thăng - Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An khẳng định./.

Tin mới