Những lão nông ở Thanh Chương biến bãi nổi thành cánh đồng trăm triệu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Từ doi cát nổi lên giữa dòng sông sau những mùa mưa lũ, phù sa bồi đắp thành vùng bãi nổi màu mỡ, 3 nông dân ở huyện Thanh Chương đã biết tận dụng đất hoang, gieo ngô, khoai, đậu lạc… mỗi năm, thu về cả trăm triệu đồng.

bna_bãi nổi.jpg
Doi đất nổi sau mỗi mùa lũ thành cánh đồng trăm triệu của những người nông dân dám nghĩ, dám làm. Ảnh: Thanh Phúc

Trên chiếc thuyền máy gia đình sắm để đi lại canh tác đã gần 25 năm nay, ông Nguyễn Văn Bình (thôn Mỹ Chùa, xã Thanh Tiên) chở chúng tôi ra thăm vùng đất bãi nổi mà ông và hai hộ dân khác trong xóm đã đổ mồ hôi, công sức khai hoang để trồng trọt.

Đưa ánh mắt ra xa, bao quát cả vùng bãi nổi giữa bốn bề sông nước, ông kể: “Nhà chúng tôi ở cửa sông, nơi giao nhau giữa sông Giăng, sông Con và sông Lam. Mỗi mùa mưa lũ đi qua, nước rút, một doi đất phù sa nổi giữa dòng sông, mùa lại mùa, được bồi đắp rộng và dài ra. Lau sậy cứ thế mọc ken dày, tạo thành một bờ thành chắc chắn, giữ cho lớp đất màu mỡ không bị trôi đi. Nhận thấy đất này, nếu trồng màu thì sẽ rất phù hợp. Thế nhưng, chẳng ai dám mạo hiểm khi xuống giống giữa mênh mông sông nước ấy, bởi chỉ cần một trận mưa to thì tất cả sẽ bị nước cuốn trôi…”.

bna_lau sâỵ.jpg
Bãi hoang nay đã phủ màu xanh mướt mát. Phía ngoài, lau sậy vẫn được giữ ken dày để chống xói mòn, sạt lở. Ảnh: Hoài Thu

Sau nhiều đêm trăn trở, ông Bình vẫn cảm thấy tiếc nếu để đất bồi hoang phí. Vậy là bắt đầu từ năm 2000, ông dong trâu, vác cày lên thuyền, chèo sang bên kia bãi, đặt những luống cày đầu tiên để dọn lau sậy, cỏ dại và gieo xuống đất những hạt giống ngô, khoai, sắn…

“Lúc đó, ai cũng can ngăn, cũng bảo tôi hâm dở, liều. Đất bãi nổi, chỉ cần nước dâng lên là nhấm chìm tất cả, rồi lại công cốc. Nhưng, nếu không liều, không thử thì làm sao biết được hay mất”, ông Bình nhớ lại.

Và không ngoài dự đoán của nhiều người, mùa vụ đầu tiên, do gieo trồng muộn, giống dài ngày nên khi khoai, ngô chưa kịp thu hoạch thì lũ về, ông mất trắng.

Nhưng, chính lần đó đã cho ông kinh nghiệm rằng, trồng cây trên đất bãi nổi thì phải tìm cách né lụt; mặt khác, phải tìm cách giữ phù sa sau mỗi mùa mưa lũ. Thế nên, bắt đầu từ tháng 2 dương lịch là ông làm đất, chọn trồng những giống ngắn ngày để kịp thu hoạch trước khi mùa mưa lũ về. Xung quanh đất canh tác, ông để lau, sậy mọc kín, ken dày để giữ lại phù sa, không để nước cuốn trôi khi mưa lớn.

“Bãi bồi chỉ canh tác được một vụ, thu hoạch trước mưa bão. Phù sa màu mỡ nên chỉ cần cày ải, lên luống, gieo giống chứ không phải bón phân, cũng không tốn công chăm sóc. Thứ nữa, mỗi mùa lại bồi một lớp phù sa mới nên cũng ít sâu bệnh phá hoại. Đặc biệt, năng suất các loại cây trồng luôn vượt trội. Ban đầu, chỉ một vài sào, nay, tôi đã khai hoang bên đó cả 3 mẫu đất. Những năm cao điểm, làm ngô, khoai, đậu… cũng thu về 180-200 triệu đồng từ đất bãi bồi”, ông Bình cho biết.

Ngoài ông Bình, ở thôn Mỹ Chùa còn có 2 hộ khác là các ông Trần Văn Tá và Nguyễn Văn Vượng cũng đã khai thác vùng đất bãi bồi hàng chục năm nay. Hiện, mỗi hộ canh tác từ 1,5-2ha đất bãi bồi, trồng chủ yếu là ngô lai, khoai bãi và đậu, lạc, mang lại thu nhập mỗi năm từ 150-250 triệu đồng/hộ.

bna_thuyền máy.jpg
Các hộ đầu tư thuyền máy để đi lại canh tác. Ảnh: Hoài Thu

Vốn là những người dân vạn chài, sống lênh đênh sông nước, sau khi lên bờ, để có thêm tư liệu sản xuất, họ đã mạnh dạn khai hoang, biết biến bất lợi của thiên nhiên thành vùng bãi trù phú, có thu nhập ổn định.

“Mùa này, nước sông dâng cao, lại sắp cao điểm mưa lũ nên chúng tôi đang cho đất nghỉ. Ra Giêng mới bắt đầu làm đất, xuống giống. Canh tác đất bãi bồi nhàn lắm, ít phải đầu tư, ít công chăm bón nhưng thu nhập rất khá. Cái khó khăn là cách trở, muốn sang bãi phải đi thuyền máy”, ông Nguyễn Văn Vượng cho biết.

Hiện, các hộ canh tác ở bãi bồi đã mua thuyền máy, đầu tư máy tời để vận chuyển nông sản từ bãi bồi sau mỗi mùa thu hoạch. Cũng nhờ biết khai thác tiềm năng đất bãi bồi nên các hộ dân đã thoát khỏi đói nghèo, vươn lên khá giả, nuôi con cái học hành, thành đạt.

bna_máy tời.jpg
Các hộ cũng mua máy tời để vận chuyển nông sản từ sông lên bờ. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Dương Đắc Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tiên cho biết: “Ba hộ dân ở xóm Mỹ Chùa là những hội viên dám nghĩ, dám làm. Họ mạnh dạn khai thác đất bãi hoang, biến bất lợi thiên nhiên thành tư liệu sản xuất hiệu quả. Mỗi mùa mưa lũ đi qua, với họ là có thêm đất bồi sản xuất, đất thêm màu mỡ, cây ngô, cây khoai, cây đậu thêm năng suất, thu nhập cao thêm…”.

Tin mới