Niềm vui trên những con tàu 67 ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Nhờ kinh nghiệm nghề cá và đầu tư hiện đại hóa hệ thống hỗ trợ đánh bắt, nhiều "tàu 67" trên địa bàn Nghệ An vẫn có những chuyến vươn khơi thắng lợi trong tình thế chung đang rất khó khăn...

Hiện đại hóa thiết bị phục vụ đánh bắt hải sản

Sau chuỗi ngày thời tiết khá thuận lợi cho ngư dân bám biển, tại Cảng cá Lạch Quèn (Quỳnh Lưu), chúng tôi gặp một số chủ tàu 67 (đóng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản).

Là chủ tàu cá mang biển kiểm soát NA 95669 TS, công suất máy 1.140CV, lão ngư Trần Văn Thành ở xóm Phú Liên, xã Quỳnh Long cho biết, từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67/CP, con tàu cá vỏ gỗ của ông là loại lớn nhất trên địa bàn xã Quỳnh Long, với tổng kinh phí trên 9 tỷ đồng.

Ngư dân Nguyễn Văn Minh - chủ tàu 67 ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu chia sẻ kinh nghiệm thành công trong đánh bắt hải sản với phóng viên. Ảnh: Xuân Hoàng

Ngư dân Nguyễn Văn Minh - chủ tàu 67 ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu chia sẻ kinh nghiệm thành công trong đánh bắt hải sản với phóng viên. Ảnh: Xuân Hoàng

Làm chủ phương tiện và hệ thống phục vụ đánh bắt hiện đại, cùng với kinh nghiệm hàng chục năm gắn bó với nghề biển, nên lão ngư Trần Văn Thành luôn vận hành tàu hiệu quả. Tính đến tháng 3/2023, ông không những trả lãi đúng hạn, mà còn trả nợ gốc được gần 3,4 tỷ đồng/tổng số vốn vay ngân hàng 6,7 tỷ đồng.

“Nhờ “ăn nên làm ra” trên mỗi chuyến biển, tôi không những làm thay đổi cuộc sống của gia đình mình, mà còn tạo việc làm cho 15 thuyền viên với thu nhập ổn định, góp phần nâng cao sản lượng hải sản đánh bắt cho địa phương”, ông Trần Văn Thành chia sẻ.

Tương tự tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Minh ở xóm Đại Bắc, xã Quỳnh Long là con tàu 67 vươn khơi hiệu quả. Theo ông Minh, yếu tố thành công là phải tinh thông nghề nghiệp, kiên trì bám biển dài ngày, sử dụng thành thạo trang thiết bị… để xử lý được tất cả các tình huống trên biển.

Không ngừng đầu tư máy móc, phương tiện hiện đại để phục vụ vươn khơi; hệ thống ánh sáng, lưới chài và các hệ thống hỗ trợ khác cũng phải đầu tư đồng bộ. Cuối cùng, để khai thác hải sản có giá trị thì chủ tàu phải di chuyển ngư trường hợp lý theo mùa vụ, không đánh bắt cố định ở một vùng biển.

Tàu 67 của ngư dân Nghệ An góp phần nâng cao sản lượng hải sản cho địa phương. Ảnh: Xuân Hoàng

Tàu 67 của ngư dân Nghệ An góp phần nâng cao sản lượng hải sản cho địa phương. Ảnh: Xuân Hoàng

Từ hiệu quả kinh tế mang lại bằng “đi biển” trên tàu 67, đến nay, ông Nguyễn Văn Minh đã trả được hơn 4 tỷ đồng vốn vay ngân hàng, chỉ còn nợ gần 2 tỷ đồng.

Nhờ vươn khơi ra các ngư trường xa mà tàu 67 của ông Minh cũng như nhiều tàu khác của ngư dân huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai đã đánh bắt được nhiều loại hải sản có giá trị xuất khẩu cao. Bình quân mỗi chuyến đi biển từ 8 - 12 ngày, thu nhập bình quân khoảng 250-400 triệu đồng.

Có không ít thuyền trưởng với kinh nghiệm “cha truyền con nối” cùng với phương tiện dò cá hiện đại đã trúng nhiều luồng cá, thu xấp xỉ 1 tỷ đồng/chuyến biển; trừ chi phí, mỗi chuyến biển lãi hàng trăm triệu đồng...

Ngư dân Phan Văn Hải – một trong những chủ tàu 67 hoạt động có hiệu quả ở xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) chia sẻ kinh nghiệm: “Tàu to, máy lớn để vươn khơi bám biển là cần thiết, nhưng cần phải hiện đại hóa thiết bị hỗ trợ đánh bắt như nâng cao công suất đèn, máy dò cá, công nghệ bảo quản hải sản... Cùng với đó là sự kiên trì và kinh nghiệm của mỗi thuyền viên thì mới thành công sau mỗi chuyến biển”.

Tàu 67 hoạt động hiệu quả, không những nâng cao sản lượng mà còn nâng giá trị hải sản. Ảnh: Xuân Hoàng

Tàu 67 hoạt động hiệu quả, không những nâng cao sản lượng mà còn nâng giá trị hải sản. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Vũ Ngọc Chắt - Chủ tịch Hội Nghề cá xã Quỳnh Long cho hay, gắn bó với nghề đánh bắt hải sản trên biển từ bao đời nay, ngư dân có nhiều kinh nghiệm trong đánh bắt từ những con tàu công suất nhỏ, ngư cụ thô sơ trước, đến làm chủ những con tàu to, máy lớn, được trang bị hiện đại về ngư cụ và thiết bị hỗ trợ khác. Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 150 tàu đánh cá công suất trên 90 CV, riêng tàu 67 có 14 chiếc. Trong số những con tàu đó, có gần một nửa “ăn nên làm ra” đều thuộc về những chủ tàu có nhiều kinh nghiệm và có sự đầu tư trang thiết bị ngày càng hiện đại. Hoạt động hiệu quả của các tàu 67 đã tác động nhiều đến dịch vụ ven bờ phát triển.

Tăng sản lượng, chất lượng hải sản

Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, trên địa bàn Nghệ An có 104 tàu cá được đóng mới theo chính sách hỗ trợ vay vốn của Nhà nước. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, bên cạnh một số tàu 67 đang gặp khó khăn, vẫn có 31 tàu hoạt động khai thác hiệu quả, trả nợ gốc, lãi cho ngân hàng đúng cam kết, đóng góp một phần sản lượng hải sản có giá trị cho Nghệ An.

Có thể nói, việc các con tàu 67 hoạt động hiệu quả đã góp phần vào bước phát triển mạnh mẽ và khá đồng bộ của ngành Thủy sản Nghệ An: Hạ tầng thủy sản từng bước được đầu tư đồng bộ và hiện đại; cơ cấu đội tàu khai thác được chuyển dịch theo hướng tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, công nghệ khai thác tiên tiến và có khả năng khai thác xa bờ tăng nhanh, tàu nhỏ khai thác ven bờ ngày một giảm dần.

Trước khi rời cảng cá, ra khơi đánh bắt hải sản, mỗi con tàu to máy lớn trên dưới 1.000 CV phải nạp nhiều nhiên liệu và các vật tư khác để phục vụ đánh bắt dài ngày. Ảnh: Xuân Hoàng

Trước khi rời cảng cá, ra khơi đánh bắt hải sản, mỗi con tàu to máy lớn trên dưới 1.000 CV phải nạp nhiều nhiên liệu và các vật tư khác để phục vụ đánh bắt dài ngày. Ảnh: Xuân Hoàng

Trình độ về quản lý kinh tế, quản lý và vận hành tàu công suất lớn với trang thiết bị hiện đại được nâng cao; quan hệ sản xuất trong khai thác đổi mới và phát triển phù hợp với lực lượng sản xuất, hình thành và phát triển nhiều tổ hợp tác, tổ, đội khai thác, nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác và vận chuyển vật tư, sản phẩm, nâng cao hiệu quả khai thác.

Nhờ đội tàu khai thác xa bờ tăng về số lượng, mở rộng ngư trường, sản lượng khai thác hải sản tăng nhanh qua các năm. Năm 2022 sản lượng khai thác biển đạt trên 203.500 tấn, bằng 207,75% so với năm 2014 (98.098 tấn). Cơ cấu sản phẩm khai thác thay đổi theo hướng tăng nhanh các loài có chất lượng, giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của ngư dân.

Sự kiên trì bám biển, kinh nghiệm trong đánh bắt và đầu tư hiện đại hóa hệ thống hỗ trợ trên các con tàu 67 của ngư dân đã tạo được đội tàu công suất lớn vươn khơi bám biển, ngoài khai thác thủy, hải sản phát triển kinh tế, còn khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tin mới