Nón lá Ba Đồn trên đất Nghệ hướng đến 'gắn sao' OCOP

(Baonghean.vn) - Về làm dâu xã Tường Sơn (Anh Sơn), cô gái Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) đã mang theo nghề làm nón lá về quê chồng. Chị truyền nghề cho hàng chục người dân trong làng, dần xây dựng thương hiệu nón lá xứ Dừa thành sản phẩm OCOP.

bna-2-3691.jpg
Năm 2005, chị Nguyễn Thị Phượng ở xã Quảng Hải (thị xã Ba Đồn) – nơi gắn với nghề làm nón lá nổi tiếng đất Quảng Bình về làm dâu ở xã Tường Sơn (Anh Sơn). Xa quê, để đỡ nhớ nhà, nhớ nghề, thi thoảng chị lại làm nón để sử dụng. Những chiếc nón chị làm ra vừa đẹp, vừa bền nên được dân làng ưa chuộng, đặt chị làm. Và rồi, chị lại gắn bó với nghề làm nón, gây dựng nghề làm nón trên quê hương chồng. Ảnh: Thanh Phúc
bna-nuc-vanh-9164.jpg
Ban đầu, chị truyền nghề cho những người trong gia đình, làm nón bán cho người dân trong làng, trong xã. Về sau, thị trường mở rộng, tiêu thụ dễ nên chị đã truyền nghề cho chị em trong xã. Hiện có khoảng 10-15 chị biết nghề làm nón. Ảnh: Hoài Thu
bna-ghep-3-9764.jpg
Nón lá Tường Sơn có 2 loại, nón lá xanh và nón lá dừa. Cái khác biệt ở đây là các công đoạn làm nón hoàn toàn bằng thủ công. “Trong khi các nơi khác, nón lá đã may bằng máy, dùng khung bằng nhựa đúc sẵn thì nón lá Tường Sơn vẫn may tay, khung nón làm bằng khung tre. Do đó, để làm ra được chiếc nón rất công phu, tốn nhiều thời gian, công sức nhưng nón làm ra đẹp, chắc chắn, được thị trường ưa chuộng”, chị Nguyễn Thị Phương cho biết. Ảnh: Thanh Phúc
bna-4-8688.jpg
Lá nón mua về được mang đi luộc rồi phơi nắng cho đến khi màu xanh của lá chuyển sang màu trắng bạc, phẳng mà không giòn, không rách. Lá nón phơi khô được hơ trên nồi nóng, người thợ sẽ dùng khăn ướt kéo đi, kéo lại để miết cho phẳng. Ảnh: Hoài Thu
bna-xep-1-1231.jpg
Sau đó, lá nón được để trên tấm kính rồi dùng lưỡi lam cắt thành những đoạn có kích thước bằng nhau. Sau đó, người thợ sẽ tiến hành xếp lá vào khung. Ảnh: Thanh Phúc
bna-7-2066.jpg
Khung nón được làm từ những thanh nứa khô và dẻo được vót nhỏ, uốn thành những vòng tròn có đường kính khác nhau và lần lượt từ thấp đến cao, nan lớn rồi nan nhỏ để dựng thành khung nón có hình chóp nhọn. Ảnh: Hoài Thu
bna-tay-khau-8345.jpg
Tiếp theo là công đoạn chằm nón (hay còn gọi là khâu nón). Ảnh: Thanh Phúc
bna-tay-3496.jpg
Để làm nên một chiếc nón bền, đẹp, đòi hỏi người khâu nón phải có đôi tay khéo léo giữ cho các lớp lá không bị rách và giúp chiếc nón được phẳng, không bị nhăn hoặc lồi lõm. Ảnh: Hoài Thu
bna-cham-1095.jpg
Sau khi may xong, nón được nức vành cố định. Người làm sẽ vót 1-2 cọng nan trúc có thân dẹp gọi là cây tiến, cặp vào vành nón số 16 để khi nức, vành nón được tròn và chắc chắn, nón sử dụng được lâu bền. Ảnh: Thanh Phúc
bna-dan-quai-5312.jpg
Khâu cuối cùng là làm quai nón. Những sợi chỉ màu được luồn khéo léo vào hai bên vành nón để móc quai nón. Ảnh: Hoài Thu
bna-11-7264.jpg
Nón lá Tường Sơn hiện nay chủ yếu đang tiêu thụ nội huyện. Trung bình mỗi tháng bán ra thị trường khoảng 1.000 nón, với giá 100-120.000 đồng/chiếc, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động nông nhàn. Chị Liên - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm 6, xã Tường Sơn cho biết: “Tranh thủ thời điểm nông nhàn, chúng tôi học nghề và làm nón gia công cho chị Phượng. Tiền công ăn theo sản phẩm, dù không nhiều nhưng cũng có thêm đồng ra, đồng vào”. Ảnh: Thanh Phúc
bna-12-1194.jpg
Ông Nguyễn Tài Quý - Chủ tịch UBND xã Tường Sơn (Anh Sơn) cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng nón lá Tường Sơn trở thành sản phẩm OCOP; đồng thời, bằng nhiều kênh khác nhau nhằm quảng bá chiếc nón lá, kết nối và tìm kiếm đầu ra cho nón lá Tường Sơn. Từ đó, phát triển và mở rộng nghề, tạo việc làm và thu nhập cho lao động trong những lúc nông nhàn”. Ảnh: Hoài Thu
Clip: Phúc - Thu

Tin mới