Nông dân huyện miền núi cao thoát nghèo từ nuôi trâu, bò vỗ béo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Từ chỗ thường có thói quen thả rông gia súc, hiện nhiều hộ dân tại huyện rẻo cao Tương Dương đã thực hiện chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo. Cách nuôi này thu hồi vốn nhanh, phát triển theo hướng hàng hóa, mở ra hướng thoát nghèo cho người dân.
Mô hình nuôi bò vỗ béo ở xã Tam Quang, Tương Dương cho thu lãi 150 triệu đồng/năm. Ảnh: Văn Trường.
Mô hình nuôi bò vỗ béo ở xã Tam Quang, Tương Dương cho thu lãi 150 triệu đồng/năm. Ảnh: Văn Trường.

Địa bàn xã Tam Quang, huyện Tương Dương hiện có khá nhiều người dân nuôi trâu, bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập ổn định cho người dân. Anh Nguyễn Ngọc ở bản Bãi Sở, xã Tam Quang (Tương Dương) đang cho đàn bò ăn cỏ cho biết: Mỗi năm gia đình bán 2-3 lứa, mỗi lứa 6-7 con, trâu, bò vỗ béo, thu lãi từ 120-150 triệu đồng/năm.

Nuôi trâu, bò vỗ béo không quá vất vả, tận dụng ven đồi trồng 6 sào cỏ voi, chuối làm thức ăn. Về mùa Đông tích trữ thêm rơm, cỏ, lá ngô và ủ chua làm thức ăn cho trâu, bò. Chất thải từ chăn nuôi, được tận dụng ủ làm phân bón hữu cơ cho các loại cây trồng vườn đồi để tăng thêm nguồn thu nhập.

Nông dân huyện Tương Dương tận dụng cỏ voi trồng ở sườn đồi làm thức ăn cho trâu, bò. Ảnh: Văn Trường

Nông dân huyện Tương Dương tận dụng cỏ voi trồng ở sườn đồi làm thức ăn cho trâu, bò. Ảnh: Văn Trường

Một số hộ dân nuôi trâu, bò vỗ béo chia sẻ kinh nghiệm: Quan trọng nhất là khâu chọn giống, chọn những con trâu, bò gầy, nhưng có khung xương to, vóc dáng lớn để mua. Sau đó về vỗ béo bằng các loại thức ăn cỏ, cây chuối, băm trộn với ngô, sắn, thường xuyên vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng vắc-xin đầy đủ để giảm thiểu bệnh dịch. Nếu vỗ béo đúng kỹ thuật trọng lượng có thể tăng 10 - 15kg/tháng, nuôi từ 2,5-3 tháng có thể xuất chuồng.

Bản Bãi Sở hiện có trên 70 hộ nuôi trâu, bò nhốt chuồng, vỗ béo, hộ ít nuôi 2-3 con, nhiều thì 8-10 con. Mô hình này đã giúp bà con có thu nhập từ 120-150 triệu đồng/năm. Như hộ ông Nguyễn Ngọc có 10 con trâu, bò, ông Trần Văn Đô 8 con trâu, bò …

Chăn nuôi vỗ béo trâu, bò phát triển mạnh ở xã Tam Quang (Tương Dương). Ảnh: Văn Trường

Chăn nuôi vỗ béo trâu, bò phát triển mạnh ở xã Tam Quang (Tương Dương). Ảnh: Văn Trường

Bà Kha Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết thêm: Hiện nay toàn xã Tam Quang có 4.500 con trâu, bò, trong đó có khoảng trên 120 hộ dân nuôi trâu, bò nhốt vỗ béo. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu, bò xã đã quy hoạch trồng được trên 49 ha cỏ voi ở các bãi đất và ven khe, suối. Thực tế cho thấy, mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng ở Tam Quang đem lại hiệu quả kinh tế và trở thành một nghề của người dân nơi đây.

Nhờ từ nghề vỗ béo trâu, bò mà nhiều hộ dân đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu. Nuôi vỗ béo trâu, bò theo quy nhiều hộ gia đình nên đầu ra rất thuận lợi, ngoài việc bán cho nội huyện thì các tư thương lên tận nơi để thu mua trâu, bò đem về miền xuôi để tiêu thụ.

Thời gian tới xã Tam Quang tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nhân rộng mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân đầu tư mở rộng chuồng trại, tăng thêm số lượng đàn vật nuôi và nhân rộng mô nuôi bò vỗ béo trở thành thế mạnh kinh tế của địa phương. Chú trọng áp dụng chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật để người dân nâng cao hiệu quả chăn nuôi, nhất là chất lượng con giống, giúp người dân vươn lên làm giàu ngay tại quê hương mình.

Chăn nuôi trâu, bò vỗ béo ở huyện Tương Dương là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Trường

Chăn nuôi trâu, bò vỗ béo ở huyện Tương Dương là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Trường

Phong trào nuôi bò nhốt vỗ béo ở xã Tam Thái cũng mang lại hiệu quả cao. Như hộ gia đình anh Vang Văn Mươn ở bản Can, xã Tam Thái từ năm 2020 đến nay, đã đầu tư trên 100 triệu đồng làm chuồng trại nuôi bò nhốt quy mô 15 con, mỗi năm lãi trên 150 triệu đồng. Theo anh Lang Văn Mươn chia sẻ: Trước đây gia đình chỉ nuôi bò truyền thống theo kiểu thả rông, nên hay bị bệnh dịch, nay nuôi bò nhốt mang lại lợi nhuận cao. Nguồn thức ăn cho trâu, bò rất thuận tiện, chủ yếu tận dụng trồng cỏ, chuối quanh khe, suối, đồi núi.

Đại diện UBND xã Tam Thái cho biết: Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo được phát triển 5 năm trở lại nay, ban đầu chỉ có 2-3 hộ nuôi vỗ béo. Sau khi thấy được hiệu quả mang lại, có nhiều bà con đã học theo, nhân rộng mô hình, đến nay toàn xã đã có trên 50 mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo, quy mô lớn từ 10-15 con, quy mô nhỏ 3-5 con. Về lâu dài xã đang khuyến khích bà con mở rộng quy mô nuôi trâu, bò vỗ béo, tận dụng những khoảng đất dọc sông để trồng cỏ voi, tận dụng 91 ha lúa 2 vụ để lấy rơm làm thức ăn cho trâu, bò nuôi nhốt.

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tương Dương cho biết thêm: Tính đến thời điểm này toàn huyện có trên 55.000 con trâu, bò, trong đó trên 400 hộ dân chăn nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả như xã Tam Quang, Tam Thái, Tam Đình, Yên Thắng, Nga My… Chưa kể là có hàng chục hộ người Mông ở bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền và bản Huồi Cọ, Huồi Măn, xã Nhôn Mai cũng đầu tư nuôi trâu, bò vỗ béo, bước đầu cho hiệu quả tốt.

Nông dân huyện Tương Dương làm bờ rào khoanh vùng để nhốt trâu nuôi vỗ béo. Ảnh: Văn Trường

Nông dân huyện Tương Dương làm bờ rào khoanh vùng để nhốt trâu nuôi vỗ béo. Ảnh: Văn Trường

Xác định phát triển chăn nuôi đại gia súc là hướng đi đúng đắn, đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò, những năm qua, huyện Tương Dương đã thực hiện các giải pháp như: Chuyển đổi một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp hiệu quả thấp, đất cao cưỡng, bạc màu. Khai hoang, cải tạo đất ven sông, ven suối sang trồng cỏ voi thâm canh phục vụ chăn nuôi, hiện toàn huyện có khoảng trên 200 ha cỏ voi chủ động nguồn thức ăn cho trâu, bò. Xây dựng chuồng trại phù hợp với phương thức chăn nuôi vỗ béo trâu, bò, chú trọng tìm đầu ra cho sản phẩm./.

Tin mới