Nông dân huyện Thanh Chương tạo bể chứa 'khủng' chờ mưa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Nắng nóng kéo dài, những đồi chè đã bắt đầu sém lá, khô cành. Để chủ động nguồn nước cứu chè cho những đợt nắng nóng sắp tới, nhiều hộ gia đình đã thuê máy múc thêm ao, chờ mưa xuống tích trữ nước.

Đào ao chờ mưa để trữ nước

bna_chè cháy.jpg
Những đồi chè cháy khô do nắng nóng kéo dài. Ảnh: Thanh Phúc

Gia đình bà Bùi Thị Thúy ở xóm Tổng Đội, xã Thanh Đức (Thanh Chương) có 2 ha chè, trong đó, chủ yếu là chè mới trồng được 5-7 năm. Nắng nóng kéo dài khiến toàn bộ diện tích chè của gia đình bà bị cháy lá, nhiều khoảnh đã khô cành.

“Đợt hạn năm 2021, gia đình đã phải đào 1 ao hơn 1.000m2 với kinh phí 12 triệu đồng để tích nước mưa, dự trữ khi nắng nhiều thì bơm tưới cho chè. Năm nay, nắng liên tục nên nguồn nước trong ao đã cạn kiệt, không thể bơm tưới, nếu vài ngày tới không có mưa thì rất khó để cứu chè”, bà Thúy cho biết.

bna_không đủ nước tưới.jpg
Nhiều ao, đập cũng khô cạn, không còn nước để bơm tưới. Ảnh: Thanh Phúc

Để chủ động nước tưới cho những đợt nắng nóng tiếp theo, bà Thúy đã phải thuê người đào thêm 1 ao nữa, rộng khoảng 2.000 m2 để chờ mưa xuống, tích trữ nước tưới cho các đợt nắng nóng vào tháng 8, tháng 9 và cho các mùa hạn kế tiếp.

“Ở cuối nguồn nên rất khan hiếm nước, chủ yếu dựa vào nước trời. Do đó, để cứu chè mùa hạn, cách duy nhất là đào ao để tích nước mưa dự trữ, bơm tưới cho chè. Đợt này, dự kiến chi phí đào ao hết khoảng 15-20 triệu đồng”, bà Thúy cho biết.

bna_máy múc.jpg
Gia đình bà Thúy thuê máy móc đào thêm ao chờ trời mưa tích nước chống hạn trong thời gian tiếp theo. Ảnh: Thanh Phúc

Không riêng gì gia đình bà Thúy, hầu hết các hộ dân trồng chè ở xóm Tổng Đội đều phải đào ao tích nước để bơm tưới cho chè. Theo đó, những hộ ở đầu nguồn nước, gần sông Giăng, gần đập khe Hàn, khe Dẻ thì dẫn nước vào ao dự trữ để khi khe cạn, suối cạn vẫn có nước tưới cho chè. Nhờ đủ nước tưới nên chè vẫn xanh tốt, không bị cháy sém.

Còn gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm 4, xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) trồng gần 1 ha chè công nghiệp và 4 sào chè lấy cành. Những ngày nắng hạn, 3 ngày 1 lần, chị phải vận hành máy nổ, bơm nước từ ao lên để cứu chè. Cũng nhờ có nước mà đến thời điểm hiện tại, sau 2 tháng nắng nóng gay gắt, chè của gia đình chị vẫn đang xanh tươi.

bna_kéo ống.jpg
Chị Hoa kéo đường ống dẫn nước từ ao lên tưới cho chè. Ảnh: Thanh Phúc

Chị Hoa cho biết: “5 cái ao cả to lẫn nhỏ tích nước từ mùa mưa năm ngoái đến nay phục vụ tưới cho chè. Như mọi năm, mưa nhiều thì sẽ hút cạn 2 ao phía trên gieo cấy lúa, nhưng năm nay nắng hạn, toàn bộ diện tích ao để nguyên lấy nước bơm tưới cho chè”.

Chưa năm nào, anh Lê Hoàng Mai ở xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) làm nghề lái máy múc ở huyện Thanh Chương thấy nhu cầu múc ao, múc đập, đào mương dẫn nước lại tăng đột biến như năm nay. Hầu như nhà nào làm trang trại trồng chè, trồng cây ăn quả đều có nhu cầu đào ao mới, khảo ao cũ để tích nước bơm tưới.

bna_dẫn nước.jpg
Những đồi chè đủ nước tưới vẫn đang xanh tốt. Ảnh: Thanh Phúc

“Nhu cầu tăng gấp 5-7 lần so với các năm trước. Hộ có ao rồi đào thêm ao mới, nạo vét ao cũ chờ mưa tích nước để bơm tưới cho cây trồng. Có những thời điểm, làm không xuể, phải gọi thêm máy ở các nơi khác về mới đáp ứng đủ nhu cầu của dân. Hiện vẫn có 5 hộ đã đặt lịch trước và đang phải chờ máy đến làm”, anh Mai cho biết.

Anh Mai cho biết, tiền múc ao dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, tùy diện tích rộng hay hẹp, độ sâu thế nào và địa hình, loại đất. Những hộ ở gần nguồn nước như đập, khe, sông, suối thì dẫn nước vào ao dự trữ, còn những nơi xa nguồn nước thì ao trở thành “bể chứa” để tích nước mùa mưa, bơm tưới cho mùa hạn.

Tốn tiền triệu mỗi lần bơm tưới

bna_đào ao tưới chè.jpg
Những ao mới được đào thêm, kè bờ chắc chắn là bể dự trữ nước mưa khổng lồ giúp người dân ứng phó với nắng hạn. Ảnh: Thanh Phúc

Nắng hạn gay gắt, ngoài đào thêm ao, khoan thêm giếng để lấy nước bơm tưới thì đối với những hộ trồng chè ở xa khu dân cư, điện 3 pha chưa vào tận nơi hết sức vất vả. Để bơm tưới cho chè, họ phải dùng máy nổ để bơm tưới. Theo tính toán, chi phí 1 tiếng đồng hồ bơm tưới thì tiền dầu tốn gấp 10-12 lần tiền điện. Mặt khác, dùng máy nổ, lực bơm yếu hơn, tưới chậm hơn, mất công sức nhiều hơn.

Anh Lê Văn Thắng, chủ hộ trồng 2 ha chè ở xã Hạnh Lâm cho biết, từ đầu mùa nắng hạn đến nay, gia đình anh đã sử dụng gần 500 lít dầu để vận hành máy nổ tưới nước cho chè. "Mỗi lần bơm kéo dài 18-20 tiếng, mỗi tiếng hết 3-4 lít dầu, tính ra, hết khoảng 1,5-1,8 triệu đồng tiền dầu cho 1 lượt bơm tưới. Mỗi tháng trung bình khoảng 10 lượt. Với giá chè năm nay thì còn thu đủ bù chi, còn giá chè xuống thấp thì bù lỗ", anh Thắng cho biết.

bna_dầu.jpg
Để bơm tưới cho chè, các hộ phải sử dụng máy nổ, mỗi lần bơm tưới tốn tiền triệu. Ảnh: Thanh Phúc

Dù tốn kém nhưng theo anh Thắng thì vẫn còn may là có nước dự trữ dưới ao để tưới cho chè, còn hơn các hộ khác nguồn nước không có bất lực nhìn chè khô cháy.

Ở xa nguồn nước nên để bơm tưới cho chè, gia đình bà Bùi Thị Thúy ở xóm Tổng Đội, xã Thanh Đức cũng phải sử dụng máy nổ. Từ đầu mùa hạn đến nay, 400 lít dầu với giá dầu hiện tại là 18.800 đồng/lít, bà đã phải bỏ ra gần 75 triệu đồng để mua dầu.

Bà Thúy mong muốn: “Nước tưới thì tận dụng khe, suối, ao dự trữ nhưng tiền dầu tốn kém quá, giá chè như hiện nay thì còn vớt vát được chứ giá chè xuống thấp thì bù lỗ không nổi. Do đó, chúng tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm để các hộ trồng chè kéo điện 3 pha, phục vụ bơm tưới”.

Clip: Thanh Phúc

Tin mới