Nông dân miền núi Nghệ An nhộn nhịp vào mùa hái măng

Nông dân miền núi Nghệ An nhộn nhịp vào mùa hái măng

(Baonghean.vn) - Mỗi mùa khai thác măng, các hộ dân ở các huyện miền núi Nghệ An có thể thu về hàng chục triệu nhờ sự chăm chỉ, chịu khó. Các sản phẩm từ măng sau sơ chế, phơi khô bằng nhiều cách, được thương lái săn đón thu mua tại chỗ.

bna_măng 1.JPG
Chị Lo Thị Minh, bản Chiềng Ban, xã Châu Thắng (Quỳ Châu) khai thác măng đã hàng chục năm nay. Ở xã Châu Thắng, mùa măng nứa bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Chị Minh cho biết, mỗi ngày cứ đều đặn 4h sáng chị lên rừng hái măng. Về làm sạch vỏ, luộc chín, tách măng đem phơi. Ảnh: HT
bna_măng 4.jpg
Tận dụng trời nắng, chị Minh đưa măng ra lòng hồ thuỷ điện, phơi trên các liếp che lồng nuôi cá. Ảnh: TP
bna_mămng 2.jpg
Mỗi ngày 2 vợ chồng chị Minh khai thác được 2 gùi măng tươi, sau khi chế biến sẽ thu được thành phẩm 1,5 - 2kg măng khô. “Giá bán 170.000 đồng/kg măng khô, thương lái thu mua tại xã. Mỗi mùa măng gia đình bán được khoảng 1 - 1,2 tạ măng khô, cho thu nhập 18-20 triệu đồng” - chị Lo Thị Minh cho biết. Ảnh: HT
bna_mang.png
Ở xã Châu Nga (Quỳ Châu), tháng Tám cũng là thời điểm người dân nơi đây thu hoạch “lộc rừng”. Anh Vi Văn Dấu ở bản Mưn cho biết, mùa hái măng rừng, 2 vợ chồng sáng sớm đi bộ 3km vào khu vực có tre, mét để hái măng. Mỗi ngày trung bình 2 vợ chồng anh khai thác được khoảng 70kg măng tươi. Anh Dấu cho biết, sau khi hái măng về phải tách hết vỏ, phần già cứng rồi xếp vào nồi đổ nước vào luộc chín. Thời gian luộc măng từ 1-2 tiếng đồng hồ tuỳ số lượng. Ảnh: HT
bna_măng rừng khô.jpg
Sau khi luộc, măng được tách thành miếng dẹt và đem phơi nắng. “Mỗi ngày tôi và vợ hái được khoảng 70kg măng tươi, sau khi phơi 3-4 nắng thì thu được 5kg măng khô, được thương lái thu mua với giá 180 ngàn đồng/kg” - anh Vi văn Dấu cho biết. Ảnh: HT
bna_chế biến măng loi.png
Ở huyện Tân Kỳ từ lâu nổi tiếng với loại măng loi. Đây là loại măng mọc ở dãy núi Pù Loi, Pù Hốc, xã Tiên Kỳ. Ông La Văn Phúc - Phó chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ cho biết, xã có khoảng 250 ha rừng có măng. Người dân khai thác từ tháng 7-10 âm lịch, chủ yếu do tổ hợp tác khai thác măng gồm 14 người. Măng được người dân hái về bán tươi, hoặc luộc, muối, dầm ớt. Mỗi mùa măng tạo việc làm cho khoảng 100 hộ dân với hơn 300 lao động. Mỗi hộ hết mùa măng khai thác khoảng 5 tấn măng tươi, giá bán 15-20 ngàn đồng/kg cho thu nhập 60 - 70 triệu đồng. Với thu nhập cao, đến mùa măng loi, nhiều hộ dựng lán dưới chân núi ở để “đi măng” 5-7 ngày mới về. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng
bna_Người dân xã tam Quang vào rừng mét khai thác măng.jpg
Còn ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương, theo Chủ tịch UBND xã Kha Thị Hiền, măng cũng là sản phẩm cho thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Thậm chí mỗi mùa hái măng, nếu gia đình nào có nhiều thành viên cùng chịu khó vào rừng thu hái thì có thể mua được lợn, bò với số tiền hàng chục triệu đồng từ bán măng. Cũng như ở các địa phương khác, mùa hái măng ở Tam Quang (tập trung ở 2 bản Tùng Hương, Liên Hương) diễn ra từ tháng 7 - tháng 10 âm lịch. Mỗi mùa măng người dân Tam Quang thu hoạch được khoảng 10 tấn măng khô, tương đương khoảng 40-45 tấn măng tươi, bao gồm cả măng nứa và măng mét. Với giá bán trung bình khoảng 150 - 170 ngàn đồng/kg măng khô cũng đem lại nguồn thu ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi mùa măng rừng. Ảnh: HT
Bản sao bna_măng 1.jpg
Măng đem lại thu nhập ổn định cho người dân các huyện miền núi, song để khai thác bền vững gắn với bảo vệ rừng, chính quyền các địa phương cũng cần hướng dẫn người dân khai thác hợp lý, tránh tận diệt và ảnh hưởng cây rừng xung quanh khi vào rừng hái măng, chế biến, bảo quản măng. Ảnh: HT
Người dân xã Châu Thắng phơi măng trên lòng hồ thuỷ điện. Clip: Thu - Phúc

Tin mới