Nông dân Nghệ An 'thay trời làm mưa' chống hạn cho chè

Nông dân Nghệ An 'thay trời làm mưa' chống hạn cho chè

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Nắng nóng kéo dài, những ngày qua, người dân các vùng trồng chè ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông "thay trời làm mưa" chống hạn cho cây chè. Người dân vùng trồng chè nguyên liệu đang trông chờ cơn "mưa vàng" hạ nhiệt trong những ngày tới.
Hệ thống béc tưới tự động ở xã Hùng Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Thanh Phúc

Hệ thống béc tưới tự động ở xã Hùng Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Thanh Phúc

Xã Hùng Sơn (Anh Sơn) có gần 600 ha chè nguyên liệu, đây là cây trồng chủ lực, là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương. Sau lứa thu hoạch vừa qua, chè được mùa, được giá nên người dân rất phấn khởi. Có tiền, người dân tái đầu tư mạnh cho cây chè, nhất là việc lắp đặt thêm các béc tưới hiện đại để tưới đậm cho chè trong những ngày nắng gắt.

Gia đình ông Võ Văn Đồng ở xóm Quang Tiến, xã Hùng Sơn trồng 4 ha chè, lứa thu hoạch vừa qua, giá chè cao gấp đôi năm ngoái đã mang lại thu nhập 35 triệu đồng. Để lứa chè tiếp theo đạt năng suất, chất lượng, nhất là trong thời điểm nắng hạn, ông bơm tưới dưỡng chè liên tục từ 8-10 tiếng đồng hồ/lần/ngày.

Người dân xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) lắp đặt hệ thống tưới phun hiện đại để bơm nước tưới cho cây chè công nghiệp. Ảnh: Thanh Phúc

Người dân xã Đỉnh Sơn (Anh Sơn) lắp đặt hệ thống tưới phun hiện đại để bơm nước tưới cho cây chè công nghiệp. Ảnh: Thanh Phúc

“Tôi vừa đầu tư hàng chục triệu đồng để lắp đặt thêm béc tưới. Tiền điện để tưới cho 4 ha chè tốn cả trăm nghìn đồng/ngày, tốn kém song cũng phải chấp nhận, vì đây là giải pháp hữu hiệu nhất để cây chè vượt qua những ngày nắng hạn”.

Đón đầu mùa nắng hạn năm nay, gia đình anh Hùng Thủy ở Bãi Phủ, xã Đỉnh Sơn đã đầu tư béc dạng súng bắn để tưới nước cho chè. Với dạng béc này, lực tưới mạnh, bán kính rộng nên chỉ cần khoảng 2 tiếng đồng hồ thì giàn béc sẽ tưới đẫm nước cho chè, và chỉ cần 2 ngày tưới 1 lần là cây chè "no nước", đỡ mất thời gian hơn.

Anh Hùng Thủy cho biết: “Vừa thu hái xong lứa thứ 3 trong năm lại gặp ngay thời điểm nắng nóng nên cây chè rất cần dưỡng sức. Do đó, việc chăm sóc chè thời điểm này cũng hết sức quan trọng, ngoài tưới nước, giữ ẩm thì tuyệt đối không tận thu chè. Nếu tưới đều, tưới đủ thì sau 45 ngày nữa chè sẽ cho thu hoạch lứa thứ 4 trong năm”.

Người dân tăng cường chăm sóc chè sau thu hái trong những ngày đỉnh nắng. Nhờ chủ động chống hạn, ứng dụng công nghệ vào bơm tưới nên đến nay, dù qua đợt nắng nóng kéo dài song cây chè vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều. Ảnh: Thanh Phúc

Người dân tăng cường chăm sóc chè sau thu hái trong những ngày đỉnh nắng. Nhờ chủ động chống hạn, ứng dụng công nghệ vào bơm tưới nên đến nay, dù qua đợt nắng nóng kéo dài song cây chè vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều. Ảnh: Thanh Phúc

Nắng nóng đỉnh điểm kéo dài trong những ngày qua nhưng gần 5.000 ha chè ở huyện Thanh Chương vẫn xanh tốt, chưa bị ảnh hưởng nhiều. Đó là nhờ bà con đã chủ động các phương pháp chống hạn kịp thời, đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống tưới hiện đại, ứng dụng công nghệ màng phủ để giữ ẩm, chống nóng cho cây chè.

Gia đình chị Dương Thị Giảng ở xã Thanh Thủy trồng 2 ha chè. Để chủ động nguồn nước tưới cho cây chè trong những ngày nắng nóng, chị đã đầu tư 40 triệu đồng, lắp đặt đường ống dẫn nước từ đập Ồ Ồ, hệ thống béc tưới tự động và súng bắn nước để tưới đậm cho chè. Giữa các luống chè được đào rãnh nhằm tích nước khi có mưa, để đất được “no”, được ngấm nước lâu hơn.

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Chương trao đổi với chị Giảng về việc chống hạn cho cây chè. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Chương trao đổi với chị Giảng về việc chống hạn cho cây chè. Ảnh: Thanh Phúc

“Kinh nghiệm trên 20 năm trồng chè cho thấy, tưới đậm là cách giúp cây chè dưỡng sức, phục hồi nhanh trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm. Do đó, phải tưới liên tục, tưới đến khi cây chè no nước thì mới ngắt. Thời điểm bơm tưới thích hợp nhất là từ chiều tối đến sáng sớm để cây chè không bị "sốc nhiệt”, chị Giảng cho biết.

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Chương cho biết: “Rút kinh nghiệm từ những năm trước nên bà con đã chủ động các phương án chống hạn, đầu tư, ứng dụng công nghệ vào chống hạn nên đến hiện tại, dù trải qua đợt nắng nóng kéo dài nhưng cây chè công nghiệp trên địa bàn huyện đang phát triển bình thường”.

Theo dự báo, thời tiết sẽ dịu dần trong những ngày tới và có mưa trên diện rộng. Đây chính là “mưa vàng” giải nhiệt, giúp người dân đỡ vất vả, tốn kém khi phải liên tục bơm tưới cho cây chè; có mưa, cây chè sẽ phục hồi tốt hơn, dưỡng sức tốt hơn. Đồng thời, mưa sẽ có nước tích trữ để chống chọi với những đợt nắng nóng tiếp theo.

Tin mới