Nông dân Quỳ Châu dồn sức khắc phục đất sản xuất vụ xuân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Trên các cánh đồng của huyện Quỳ Châu những ngày này nhộn nhịp máy móc và người dân tập trung cải tạo, khắc phục những diện tích đất bị trận lũ lịch sử vùi lấp, chuẩn bị cho sản xuất lúa vụ xuân tới.

Gắng sức phục hồi đất sản xuất

3 tháng sau cơn lũ lịch sử, bên cạnh những thiệt hại về nhà cửa, tài sản của nhân dân thì hàng trăm ha đất sản xuất bị vùi lấp một lớp dày. Do đó, để phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống, việc khắc phục, xử lý đất, các công trình thuỷ lợi hư hỏng là ưu tiên hàng đầu tại địa phương này.

bna-hang-tram-hecta-dat-san-xuat-cua-nguoi-dan-quy-chau-bi-vui-lap-anh-qa-9019.jpg
Hàng trăm hécta đất sản xuất của người dân huyện Quỳ Châu bị vùi lấp sau trận lũ lịch sử cuối tháng 9/2023. Ảnh: Quang An

Tranh thủ trời hửng nắng, vợ chồng anh Lê Văn Báo, bản Na Xén, xã Châu Hạnh ra đồng khai hoang lại 4 sào lúa đã bị đá, cát vùi lấp trong lũ. Với dụng cụ cuốc, xẻng, vợ chồng gắng sức xúc những lớp cát dày 30 - 40cm.

Anh Báo cho biết: Chuẩn bị cho vụ lúa xuân tới, chúng tôi tập trung cải tạo đất, gieo giống. Hai vợ chồng nai lưng làm, chứ bây giờ thuê máy xúc thì nhiều tiền, mà máy cũng chưa đến lượt mình do số lượng máy ít, nhiều hộ khác cũng đang cần.

bna-gia-dinh-anh-le-van-bao-xa-chau-hanh-dao-het-lop-cat-de-lay-ruong-san-xuat-vu-xuan-anh-quang-an-4343.jpg
Gia đình anh Lê Văn Báo ở xã Châu Hạnh đào hết lớp cát để lấy ruộng sản xuất vụ xuân. Ảnh: Xuân Hoàng

Xã Châu Hạnh là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất sau đợt lũ vừa qua. Người dân tại đây chia sẻ, sau lũ, bà con ai cũng khó khăn, tiền thuê máy múc từ 500.000 – 700.000 đồng/giờ, số tiền ấy quá lớn đối với đồng bào vùng núi. Do đó, bà con tập hợp thành tổ đội hỗ trợ nhau; đây là phương án khả thi nhất lúc này. Bà con giúp đỡ nhau không tính tiền công, ruộng đồng dần dần được khôi phục, thắm thêm tình đoàn kết.

Clip: X.Hoàng - Q.An

Ông Vi Thế Long – Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh cho biết: Hiện nay, đối với các công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, xã đã có văn bản đề xuất lên huyện và huyện cũng đã chỉ đạo xí nghiệp thuỷ lợi hỗ trợ phục hồi cho địa phương. Đối với việc phục hồi đất sản xuất, thực tế kinh phí của xã không đủ để thuê số lượng máy móc lớn cho bà con, do đó, một mặt, người dân chủ động khắc phục, mặt khác xã đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí thuê máy cho bà con, tập trung ở các bản bị thiệt hại nặng như: Na Xén, Minh Châu, Pà Lạnh, Minh Tiến…

bna-nguoi-dan-quy-chau-chung-tay-lam-lai-kenh-mua-sau-lu-anh-quang-an-7676.jpg
Người dân huyện Quỳ Châu hợp thành tổ đội hỗ trợ nhau làm đất. Ảnh: Quang An

Theo ông Lương Văn Trường, chủ máy xúc trên địa bàn huyện Quỳ Châu, từ thời điểm xảy ra trận lũ đến nay, không ngày nào ông hết việc vì không chỉ giải phóng các công trình hư hỏng mà lượng người thuê máy để san gạt đất cũng tăng đáng kể. Ông cũng đã nhờ thêm thợ để chia sẻ công việc.

“Có những thửa ruộng độc lập, nằm ở trên cao, bị nước lũ cuốn trôi đường, lại phải mở đường thì máy mới lên được nên mất nhiều thời gian và chủ ruộng cũng chấp nhận mất thêm chi phí. Nếu không sử dụng máy múc thì sức người không thể khắc phục, bởi lớp đất đá bồi lấp quá dày. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế của bà con khó khăn nên chúng tôi tích cực vận hành máy và giảm chi phí cho người dân. Nhiều gia đình do không có tiền, phải nợ tiền thuê máy, tôi cũng sẵn sàng chấp nhận”, ông Trường cho biết.

Huyện hỗ trợ máy vẫn không xuể

Theo thống kê của huyện Quỳ Châu, trận mưa lũ lịch sử cách đây 3 tháng đã gây hậu quả lớn trên địa bàn với hàng ngàn ngôi nhà bị ngập sâu, nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt. Mưa lũ cũng đã làm 776 con gia súc, 23.032 con gia cầm bị chết; diện tích đồng ruộng bị vùi lấp là 850,48 ha; diện tích cây trồng hàng năm bị ngập, gãy đổ: 234,45 ha… Ước tính tổng thiệt hại hơn 177 tỷ đồng, con số này gấp hơn 6,5 lần tổng thu ngân sách toàn huyện vào năm 2022.

bna-may-moc-duoc-huy-dong-het-cong-suat-de-phuc-vu-nguoi-dan-cai-tao-dat-anh-xuan-hoangdf-4825.jpg
Máy móc được huy động hết công suất để phục vụ người dân cải tạo đất. Ảnh: Xuân Hoàng

Đối với sản xuất nông nghiệp, công tác khắc phục được huyện Quỳ Châu đánh giá là rất nan giải do kinh phí lớn. Không chỉ mất đất sản xuất do bị vùi lấp mà sau lũ, diện tích đất dọc các bờ sông, khe suối cũng bị sạt lở mạnh. Do đó, việc khắc phục hiện nay huyện đang nỗ lực trong khả năng thực hiện được, còn lại vẫn phải kiến nghị lên các cấp hỗ trợ kinh phí để ổn định lâu dài.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳ Châu, từ tháng 11 đến nay, toàn huyện đã phát động toàn dân ra quân làm giao thông thuỷ lợi. Các địa phương chỉ đạo bà con tu sửa, nạo vét kênh mương nội đồng, khắc phục những diện tích ruộng bị vùi lấp trong khả năng; đồng thời ngành thuỷ lợi tiến hành sửa chữa những công trình thuỷ lợi bị hư hỏng. Phương châm là khắc phục đến đâu, tiến hành sản xuất vụ xuân đến đó.

bna-nhung-canh-dong-tai-huyen-quy-chau-tung-buoc-duoc-phuc-hoi-sau-lu-anh-quang-an-3548.jpg
Những cánh đồng tại huyện Quỳ Châu từng bước được san gạt để sản xuất. Ảnh: Quang An

Trong điều kiện thời vụ sản xuất lúa xuân đang đến gần, cuối tháng 12 này, UBND huyện Quỳ Châu sẽ điều động thêm máy múc xuống cơ sở để tham gia khắc phục đồng ruộng.

Theo đó, các hộ dân có nhu cầu phục hồi đất sản xuất bằng máy đăng ký qua xã, huyện căn cứ vào danh sách xã báo lên để điều máy về phục vụ bà con. Phương án đưa ra là huyện hỗ trợ máy móc, còn bà con bỏ chi phí mua xăng dầu. Tuy nhiên, do số lượng máy ít, số hộ đăng ký sẽ rất nhiều, vì vậy một số diện tích nhỏ lẻ, bà con sẽ phải chấp nhận tự khắc phục bằng sức người, hoặc thuê máy ngoài để kịp thời vụ.

Tin mới