Nuôi dê boer đầu xô, hiệu quả ngay từ lứa đầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Nhiều nông dân là thanh niên của xã Tân An, huyện Tân Kỳ đã đầu tư hàng tỷ đồng vào nuôi nhốt giống dê boer đầu xô. Bước đầu cho thấy dê phát triển tốt, thị trường tiêu thụ ổn định. 

Clip: Xuân Hoàng

Về xã Tân An (Tân Kỳ) nói đến mô hình làm ăn mới, ông Cao Tiến Thìn - Chủ tịch UBND xã hồ hởi dẫn chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi nhốt dê boer đầu xô của các thanh niên có chí làm giàu trong xã.

bna_de 1.jpg
Một trong những cơ sở chăn nuôi dê boer đầu xô của anh Thái Bá Tuấn ở xã Tân An (Tân Kỳ). Ảnh: Xuân Hoàng

Sau chặng đường khúc khuỷu quanh chân núi, chúng tôi đến trại chăn nuôi dê của anh Thái Bá Tuấn ở xóm Tân Thịnh. Trước khi vào chuồng trại, anh Tuấn không quên nhắc chúng tôi sát khuẩn bằng nước rửa tay, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn dê.

Trước đàn dê hàng trăm con, anh Thái Bá Tuấn bộc bạch, cách đây 5 tháng, anh được người thân, bạn bè cho vay mượn vốn để đầu tư chăn nuôi dê nhốt. Sau khi hệ thống chuồng trại được xây dựng chu đáo, lắp đặt hệ thống chống nóng bằng phun mưa trên mái nhà, anh đầu tư 1,5 tỷ đồng mua giống dê boer đầu xô về nuôi nhốt.

bna_de 4.jpg
Với quy mô chuồng trại an toàn, đàn dê của anh Thái Bá Tuấn luôn duy trì từ 500 đến hơn 700 con. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo anh Tuấn, đặc điểm của giống dê này là dễ nuôi, thức ăn chủ yếu bằng lộc lá, nên thuận lợi đối với vùng miền núi này, cùng đó, bổ sung thêm các loại thức ăn: cỏ, ngô xay, tinh bột ngô ủ men vi sinh... đều có sẵn tại địa phương, nên giảm được chi phí, dê phát triển nhanh, chất lượng thịt đảm bảo.

Tuy nhiên, với giống dê boer đầu xô này, khó khăn ban đầu là khi vận chuyển từ tỉnh khác về nuôi, dê chưa chưa quen thời tiết và nguồn thức ăn nên thường bị đau bụng, tiêu chảy. Tuy nhiên, với sự kiên trì chăm sóc, nên sau thời gian ngắn anh Tuấn khắc phục những khó khăn đó.

bna_de 2.jpg
Thức ăn cho dê chủ yếu là lộc lá, cỏ và bột ngô. Ảnh: Xuân Hoàng

Trong thời gian chăm sóc, anh lựa chọn những con dê cái sinh sản tốt để làm giống, còn lại là nuôi dê thịt. Đặc điểm của dê cái là sau 4 tháng sinh sản 1 lứa, nên đàn dê ngày càng đông đúc, thời điểm cao nhất, đàn dê nhân lên 720 con. Để thuận lợi cho việc chăm sóc, anh xây dựng 3 cơ sở chăn nuôi tại 3 hộ, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Mới rồi anh Tuấn xuất chuồng lứa dê thịt đầu tiên với trọng lượng 2,2 tấn, được các nhà hàng trong và ngoài tỉnh thu mua với giá từ 85.000 đến 120.000 đồng/kg. Tính ra, hiệu quả kinh tế cao hơn các loại vật nuôi khác.

"Nhiều năm nay, nhà hàng đặc sản dê trên địa bàn huyện, cũng như trong và ngoài tỉnh mở nhiều, lượng thịt dê tiêu thụ mạnh, nên nhu cầu dê thịt cao, có bao nhiêu cũng bán hết. Không những vậy, tôi còn mổ dê, cung ứng thịt cho các nhà hàng phục vụ đám cưới, hội nghị... nên lượng dê tiêu thụ nhiều", anh Tuấn chia sẻ.

Được biết, trên địa bàn xã Tân An đã thành lập tổ hội chăn nuôi dê từ tháng 4/2023, lúc đầu có 11 thành viên, đến nay đã có 13 thành viên. Tổng đàn dê của tổ hội hiện nay có gần 1.300 con

bna_de 3.jpg
Ngoài những thức ăn tươi, anh Tuấn còn sử dụng bột ngô để ủ men làm nguồn thức ăn dự trữ. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Cao Tiến Thìn - Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết: Người dân địa phương lâu nay đã quen với chăn nuôi dê bản địa. Giống dê boer đầu xô này là mô hình đầu tiên, do các thành viên của tổ hội chăn nuôi dê là những thanh niên trong xã thực hiện. Qua theo dõi cho thấy, các thành viên tích cực học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, từng bước mở rộng quy mô chuồng trại.

Cùng với các tổ hội chăn nuôi khác trên địa bàn xã: tổ hội chăn nuôi ốc bươu, tổ hội nuôi trồng thủy sản và các mô hình trồng trọt khác, thì xã Tân An đang là địa phương đa dạng sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động.

Tin mới