Nuôi lươn khép kín theo quy trình VietGAP ở 'vựa lươn' lớn nhất Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Sau 2 năm triển khai, mô hình nuôi lươn khép kín theo quy trình VietGAP tại hộ ông Nguyễn Duy Thành ở xóm Yên Phú, xã Văn Thành (huyện Yên Thành) được khẳng định là thành công.   

bna_luon 1.jpg
Hệ thống nuôi lươn khép kín của gia đình ông Nguyễn Duy Thành. Ảnh: Xuân Hoàng

Yên Thành là vựa lươn của xứ Nghệ. Những năm qua, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, cùng với sự đầu tư của người dân, cơ quan chuyên môn của huyện Yên Thành đã thực hiện thành công nhiều mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng. Trong đó, mô hình nuôi lươn sinh sản thương phẩm, khép kín theo quy trình VietGAP của ông Nguyễn Duy Thành ở xóm Yên Phú, xã Văn Thành, được đánh giá là thành công.

Ông Nguyễn Duy Thành cho biết, cuối năm 2021, được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành hỗ trợ 122 triệu đồng, cùng với nguồn vốn đầu tư của gia đình, ông xây dựng trại nuôi lươn khép kín với quy mô 200m2. Khu nhà khép kín, được bố trí 2 khu vực: Khu vực ươm con giống và khu vực nuôi lươn thương phẩm, đều được lắp đặt hệ thống dẫn nước thuận lợi, khoa học.

bna_luon 2.jpg
Khu vực nuôi lươn thương phẩm không bùn trong bể xi măng. Ảnh: Xuân Hoàng

Để có nguồn trứng lươn đảm bảo chất lượng phục vụ ươm con giống, ông Thành đầu tư hệ thống ao nuôi lươn bố mẹ ở khu vực riêng.

Sau 2 năm triển khai thực hiện cho thấy, mô hình đã sản xuất được 5 vạn con lươn giống. Số lượng lươn giống đó một phần cung ứng cho khu vực lân cận; phần còn lại 2,5 vạn con được ông nuôi thả để phát triển lươn thương phẩm không bùn trong bể xi măng, sử dụng công nghệ vi sinh, lọc nước tuần hoàn.

bna_luon 3.jpg
Lươn thương phẩm sau 2 tháng nuôi trong bể xi măng, dự kiến sau 8 tháng nuôi sẽ xuất bán. Ảnh: Xuân Hoàng

"Từ mô hình thành công này, về lâu dài sẽ tiến tới chế biến các sản phẩm lươn, nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trên thị trường", ông Nguyễn Duy Thành chia sẻ.

bna_luon 4.jpg
Trứng lươn được thu gom để ươm con giống. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Trọng Hương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết: Sau khi mô hình đã khẳng định thành công với quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, đơn vị đang hướng dẫn gia đình hoàn thiện hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng công nhận sản phẩm lươn VietGAP trong thời gian tới.

Mô hình thành công là cơ sở mở rộng nuôi các loại giống thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, nhằm phát triển bền vững, tạo điều kiện cho người nông dân áp dụng vào sản xuất thực tế tại địa phương và trên địa bàn huyện Yên Thành.

Lươn có nhiều chất dinh dưỡng, được các nhà hàng trên địa bàn Nghệ An chế biến ra nhiều món ăn mang tính đặc sản, đông đảo thực khách gần xa ưa thích lâu nay./.

Tin mới