Nuôi sâu can-xi để sản xuất nông nghiệp xanh - mô hình mới ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Mô hình nuôi sâu can-xi ở huyện Đô Lương (Nghệ An) không chỉ tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp, mà còn bổ sung nguồn thức ăn nhiều dinh dưỡng cho vật nuôi là giải pháp giúp xử lý phân chuồng hiệu quả, chống ô nhiễm môi trường.

Sau khi gieo cấy lúa xuân-hè, Hội Nông dân xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh ứng dụng công nghệ sinh học vừa được Hội Nông dân tỉnh tập huấn. Chủ tịch Hội Nông dân xã Thịnh Sơn Lê Văn Dũng là người xung phong thực hiện đầu tiên bằng việc bắt tay vào nuôi sâu can-xi và ủ rơm tại ruộng bằng men vi sinh.

Anh Lê Văn Dũng nuôi sâu can-xi tại gia. Ảnh: H.T

Anh Lê Văn Dũng nuôi sâu can-xi tại gia. Ảnh: H.T

Tại một góc khu vực chăn nuôi của gia đình ở xóm Vạn Phúc, xã Thịnh Sơn, anh Lê Văn Dũng vui vẻ giới thiệu về thành phẩm sâu can-xi mà mình đã nuôi được hơn 10 ngày.

“Sâu can-xi chính là ấu trùng của ruồi lính đen. Gọi là sâu can-xi bởi đến giai đoạn sâu trưởng thành hoặc lột xác để trở thành ruồi lính đen thì vỏ kén của sâu để lại chứa rất nhiều can-xi. Sản phẩm sâu trưởng thành có thể cho gia cầm ăn trực tiếp, hoặc vỏ kén sâu có thể dùng cho gia súc, gia cầm ăn bổ sung nguồn dinh dưỡng, nhất là can-xi rất tốt cho sự phát triển của vật nuôi” - anh Dũng cho biết.

Cách nuôi sâu can-xi cũng rất đơn giản, chỉ cần dùng hộp xốp, hoặc xô, chậu, thùng nhựa để làm chỗ trú ẩn cho sâu. Từ nguồn con giống ấu trùng của Hội Nông dân tỉnh cấp, sau gần 2 tuần nuôi, ấu trùng đã sinh trưởng nhân đàn lên gấp nhiều lần. Thức ăn của sâu chính là chất thải của động vật, các phế phẩm rau xanh, nhất là phân lợn. Vì vậy, nuôi sâu can-xi không chỉ bổ sung nguồn thức ăn nhiều dinh dưỡng cho vật nuôi mà còn là giải pháp giúp xử lý phân chuồng hiệu quả, chống ô nhiễm môi trường.

Mỗi kg sâu can-xi giúp phân hủy 6 kg chất thải động vật. Ảnh: H.T

Mỗi kg sâu can-xi giúp phân hủy 6 kg chất thải động vật. Ảnh: H.T

“1 kg sâu can-xi sinh trưởng trong khoảng 2 tuần tiêu thụ hết khoảng 6 kg chất thải động vật. Mỗi con lợn trong quá trình phát triển đến khi xuất bán thải ra khoảng 250 - 300 kg phân. Vì vậy, áp dụng nuôi sâu can-xi để phân hủy lượng chất thải của vật nuôi vừa là giải pháp hữu hiệu giúp xử lý triệt để môi trường, vừa tạo nguồn thức ăn chăn nuôi “0 đồng” chất lượng cao, giảm thiểu chi phí sản xuất” - anh Dũng cho biết.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thịnh Sơn Lê Văn Dũng cho biết thêm, toàn xã có tổng diện tích gieo trồng hàng năm hơn 264 ha, tổng sản lượng lương thực cây có hạt hàng năm đạt từ 3.500 - 3.550 tấn/năm, trong đó, cây lúa chiếm khoảng 40%.

Nuôi sâu can-xi giúp người nông dân tiết kiệm chi phí chăn nuôi. Ảnh: H.T

Nuôi sâu can-xi giúp người nông dân tiết kiệm chi phí chăn nuôi. Ảnh: H.T

Chăn nuôi, trồng trọt vẫn là ngành sản xuất mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Thịnh Sơn. Việc áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh đang được Hội Nông dân xã tích cực triển khai, trước mắt sẽ nhân rộng nuôi sâu can-xi và ủ rơm tại ruộng bằng men vi sinh.

Dẫn chúng tôi ra thửa ruộng lúa xanh mơn mởn của gia đình, Chủ tịch Hội Nông dân Thịnh Sơn dẫn chứng thêm bằng mẻ rơm vàng óng đã được ủ mềm bằng men vi sinh. Sau khi gặt lúa, trước đây người dân thường đốt rơm tại ruộng rất lãng phí, một số thì thu gom về phơi khô. Ủ rơm bằng men vi sinh ngay tại bờ ruộng vừa giúp phân hủy, biến rơm thành nguồn phân bón xanh cho cây trồng vụ tiếp theo, lại giảm được ô nhiễm môi trường từ việc đốt rơm rạ.

Sâu can-xi thành phẩm làm nguồn thức ăn bổ dưỡng cho vật nuôi. Ảnh: H.T

Sâu can-xi thành phẩm làm nguồn thức ăn bổ dưỡng cho vật nuôi. Ảnh: H.T

Ông Nguyễn Công An - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đô Lương cho biết, thời gian tới Huyện hội sẽ triển khai nhân rộng mô hình nuôi sâu can-xi và ủ rơm tại ruộng trên địa bàn toàn huyện. Đây là một trong những nội dung thực hiện Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, giai đoạn 2020-2023”; Đề án “Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp, giai đoạn 2022-2025” trên địa bàn huyện Đô Lương.

Cán bộ Hội Nông dân xã Thịnh Sơn thí điểm ủ rơm tại ruộng bằng men sinh học. Ảnh: H.T

Cán bộ Hội Nông dân xã Thịnh Sơn thí điểm ủ rơm tại ruộng bằng men sinh học. Ảnh: H.T

Cách nuôi sâu can-xi: Trộn 1 kg cám gà con + 1 lít nước + 1 kg bã đậu và ước tính độ ẩm tầm 60% để vào thùng nuôi. Sau khi ủ trứng tầm 4 ngày thì cho sâu ấu trùng to bằng đầu tăm vào chuồng nuôi. Thời gian nuôi sâu can-xi trong chuồng tầm 14 - 20 ngày, qua 6 giai đoạn trưởng thành thì có thể sử dụng sâu làm thức ăn cho gà, vịt; hoặc dùng sâu để phân hủy các chất thải hữu cơ trong sinh hoạt.

Sâu can-xi hay còn gọi là ấu trùng ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia illucens, có đặc tính phàm ăn trong thế giới tự nhiên, giúp loại bỏ mùi hôi thối của chất thải hữu cơ. Vòng đời của ruồi lính đen trải qua 4 giai đoạn chính: trứng, ấu trùng, nhộng và ruồi trưởng thành.

Với ấu trùng ruồi lính đen (sâu can-xi) có khả năng tiêu hóa thành phần hữu cơ trong các chất thải sinh hoạt, phân gia súc, gia cầm,… tạo thành chất mùn giàu chất dinh dưỡng cho cây trồng. Không chỉ thế, sâu can-xi còn là nguồn thức ăn giàu dưỡng chất rất hữu ích cho gà, vịt, cá,… Sâu can-xi lúc còn sống chứa hàm lượng protein lên đến 15% và chất béo 5,8%. Bởi thế, bà con chăn nuôi hay lựa chọn nguồn thức ăn này để cung cấp cho vật nuôi, chi phí chăn nuôi giảm nhưng thời gian sinh trong vật nuôi rất tốt, mang lại lợi nhuận cao.

Tin mới