Tằm thực phẩm được nhiều người ưa chuộng bởi đây là một loại thực phẩm sạch, nhiều chất dinh dưỡng. Ảnh: Văn Trường

Nuôi tằm thương phẩm cho thu nhập cao ở Đô Lương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Nuôi tằm lấy kén là nghề truyền thống có từ lâu đời ở xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương. Tuy nhiên những năm qua, người dân nơi đây đã chuyển sang nuôi tằm thực phẩm cho thu nhập khá cao.

Có mặt tại nhà chị Mai Thị Loan ở xóm 3, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương thấy hàng loạt nong tằm được kê song song trên những giá sắt nặng trĩu. Những con tằm bò lổm ngổm ăn lá dâu trên mặt nong, chỉ còn độ 3-4 ngày nữa là bán được.

Chị Mai Thị Loan đang cho tằm ăn dâu chia sẻ: Trước đây, chúng tôi nuôi lấy kén, nhưng do thị trường kén rẻ nên chuyển sang nuôi tằm thực phẩm có hiệu quả kinh tế cao hơn. Với cách nuôi truyền thống chỉ được 1 năm/vụ, nay chúng tôi đầu tư công nghệ nuôi được quanh năm.

bna_van truong 1.JPG
Chăm sóc tằm nhỏ thực phẩm tại làng nghề dâu tằm tơ Xuân Như. Ảnh: Văn Trường

Vào mùa nắng nóng khắc nghiệt, khu nhà nuôi tằm được gắn máy điều hoà nhiệt độ, hệ thống quạt nước, nhiệt độ luôn duy trì 26-28 độ c. Vào mùa Đông giá rét, được lắp đặt hệ thống bóng điện sưởi ấm và sử dụng các thiết làm ấm khác, vì vậy, tằm vẫn phát triển bình thường.

bna_van truong 7.JPG
Tằm thực phẩm bày bán tại cầu Đô Lương, xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh: Văn Trường

Hiện tại, chị Loan trồng trên 1 ha dâu ở bãi bồi sông Lam, đủ để phục vụ nuôi trên 25-30 nong tằm, cứ khoảng 25-27 ngày là cho thu hoạch 1 lứa, được 4 tạ tằm, bán với giá 100.000 đồng/kg, trừ đi các khoản chi phí còn lãi trên 30 triệu đồng cho 4 lao động.

Theo chị Loan, tằm thực phẩm được nhiều người ưa chuộng bởi đây là một loại thực phẩm sạch, nhiều chất dinh dưỡng. Mặc dù giá “đắt như tôm tươi” nhưng tằm luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Cứ nuôi được lứa nào là tư thương đến tận nơi thu mua hết, sắp tới gia đình cũng muốn mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

bna_van truong 6.JPG
Tằm thực phẩm được nhiều người ưa chuộng bởi đây là một loại thực phẩm sạch, nhiều chất dinh dưỡng. Ảnh: Văn Trường

Tại khu vực cầu Đô Lương giáp với các xã Lưu Sơn, Đặng Sơn, tằm thực phẩm được bỏ trên những nong tre bày bán bên đường khá nhiều. Nhiều khách hàng dừng chân để mua tằm thực phẩm về ăn. Chị Trần Thị Minh ở TP Vinh vừa mua 5 kg tằm tâm sự: “Ban đầu thì cũng hơi sợ vì nhìn con tằm lúc nhúc cứ như con sâu, nhưng ăn mấy bữa rồi lại thèm. Tằm tươi xào với lá lốt hoặc chiên giòn với lá chanh, tằm rang ăn kèm với bánh đa phải nói cực ngon”.

bna_van truong 2.JPG
Chị Mai Thị Loan ở xóm 3, xã Đặng Sơn chuẩn bị lá dâu cho tằm ăn. Ảnh: Văn Trường

Bà Nguyễn Thị Lan bày bán tằm thực phẩm ở chân cầu Đô Lương chia sẻ: Mỗi ngày tôi bán được từ 25-30 kg tằm, lãi 300.000-500.000 đồng. Để có tằm bán hàng ngày, tôi phải thu gom tằm cả ở làng nghề dâu tằm tơ Xuân Như và các hộ dân nuôi tằm ở các xã Lưu Sơn, Bồi Sơn, Lam Sơn…

bna_van truong 4.JPG
Lá dâu là thức ăn hàng ngày đối với con tằm. Ảnh: Văn Trường

Ông Trần Văn Lượng, Xóm trưởng xóm 3 (làng nghề dâu tằm tơ Xuân Như) cho biết thêm: Làng nghề dâu tằm tơ Xuân Như thời thịnh vượng có trên 60 hộ dân theo nghề nuôi tằm lấy kén, đến nay chỉ còn được trên 20 hộ dân theo nghề này nhưng chủ yếu nuôi tằm thực phẩm theo kiểu nhỏ lẻ, chỉ có 2-3 hộ nuôi quy mô lớn.

bna_van truong 23.JPG
Các nong tằm thực phẩm gần đến ngày xuất bán cho các tư thương. Ảnh: Văn Trường

Nuôi tằm thực phẩm tính ra hiệu quả kinh tế cao nhưng làng nghề Xuân Như cũng khó mở rộng, do thiếu hụt lao động, bởi lao động trẻ bây giờ đi làm công nhân ở các tỉnh phía Nam. Chưa kể là nhiều hộ nuôi tằm chưa có điều kiện để đầu tư như xây dựng nhà xưởng lắp đặt hệ thống điều hoà, máy sưởi nuôi tằm./.

Tin mới