'Oan' cho xe điện khi bị cấm sạc pin dưới hầm chung cư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các chuyên gia cho rằng, việc siết chặt các quy định an toàn về sạc pin cho xe máy, xe đạp điện tại hầm chung cư là cần thiết. Nhưng thay vì cấm vô tội vạ ảnh hưởng đến đời sống của người dân thì cần tìm những giải pháp căn cơ, khoa học hơn.

"Không quản được thì cấm"

Vài ngày gần đây, nhiều khu nhà trọ, chung cư mini và cả chung cư cao cấp đã đưa ra quy định hạn chế sạc pin xe máy, xe đạp điện ở dưới hầm và khu vực để xe tập trung. Thậm chí, có địa phương còn ra văn bản cấm sạc pin xe điện dưới tầng hầm chung cư nhưng sau đó đã có văn bản thay đổi.

Những phản ứng có phần gay gắt nhằm vào xe điện kể trên xuất phát từ thông tin chưa rõ ràng về nguyên nhân vụ cháy chung cư mini xảy ra tại phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào đêm 12/9 vừa qua, cướp đi sinh mạng của hàng chục người.

Đến nay, cơ quan chức năng chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân có phải bắt nguồn từ việc sạc pin xe điện hay không. Tuy nhiên, những động thái mạnh mẽ ở nhiều nơi nhằm hạn chế sạc pin xe điện đang khiến thói quen sinh hoạt của nhiều người sử dụng các loại xe này bị đảo lộn, còn những người sống chung thì hoang mang, xa lánh.

Ảnh chụp Màn hình 2023-09-18 lúc 10.00.19.png
Nhiều người ở chung cư sử dụng xe máy, xe đạp điện phải đưa xe lên tận căn hộ trên tầng cao để sạc khá bất tiện. Ảnh: Nguyễn Khánh

Trao đổi về việc này, TS. Hoàng Quốc Việt (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Việt Nam) cho rằng, xe điện bị cháy khi sạc là nguy cơ hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng nó đến từ rất nhiều nguyên nhân: do chất lượng ắc-quy, pin, nguồn điện cấp, hở điện từ dây dẫn,... đặc biệt là việc sử dụng các bộ sạc, pin sạc không theo tiêu chuẩn hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất.

Ông Việt đánh giá việc nhiều khu chung cư, thậm chí địa phương cấm sạc pin xe điện tại các tầm hầm là có phần nóng vội, thiếu cơ sở khoa học mà lại không đưa ra được giải pháp cho người đang sử dụng xe máy, xe đạp điện. Khiến nhiều người sử dụng loại phương tiện này bối rối.

"Việc thay đổi bất cứ chính sách hay quy định gì đều cần căn cứ vào nghiên cứu thực tế, luận cứ khoa học cũng như quy định của pháp luật chứ không thể áp dụng theo kiểu không quản được thì cấm", TS. Hoàng Quốc Việt chia sẻ.

Liên quan đến quy định của pháp luật, Luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng công lý (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) khẳng định, hiện nay không có bất cứ văn bản hay cơ sở pháp lý nào quy định cấm hay không cấm sạc pin xe đạp, xe máy điện tại hầm các toà nhà chung cư.

Theo ông Kiên, việc một chung cư quyết định cấm cho sạc pin xe điện, hoặc hạn chế chỉ được sạc điện theo giờ, theo khu vực,... hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của ban quản trị hoặc ban quản lý của khu chung cư đó theo Luật Nhà ở. Còn đối với những toà nhà trọ cho thuê, chủ nhà hoặc đơn vị quản lý được quyền quyết định việc này theo thoả thuận dân sự với khách thuê.

"Cá nhân tôi ủng hộ việc các chung cư nên siết chặt quản lý sạc pin xe điện để đảm bảo an toàn, nhưng phải đi đôi với giải pháp. Tôi nghĩ các chung cư nên bố trí khu vực sạc riêng cho các loại xe này, có người trông coi 24/24h, có thu phí sạc điện cũng như phí trông giữ. Chủ xe nào đồng ý với mức phí thì để, còn không sẽ phải tìm chỗ khác. Như vậy là hài hoà lợi ích", luật sư Kiên chia sẻ góc nhìn của mình.

gs-ts-tu-sy-sua-24-1216.jpeg
GS.TS Từ Sỹ Sùa trao đổi với PV. Ảnh: Hoàng Hiệp

Đâu là giải pháp?

Chia sẻ với PV, GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp ĐH Giao thông vận tải cho rằng: "Xe điện là phương tiện được ưu tiên phát triển và lộ trình vào năm 2050 của Việt Nam 100% phương tiện sẽ là xe điện và năng lượng xanh. Đã sinh ra xe điện, bao gồm ô tô, xe máy, xe đạp điện thì đương nhiên phải được sạc pin, nhưng về nguyên tắc sạc ở chỗ nào, bố trí an toàn ra sao lại phải được tính toán, quy hoạch trước chứ không phải "mất bò mới lo làm chuồng" như hiện nay".

Theo vị chuyên gia này, tầng hầm để xe với mật độ dày đặc là nơi có nguy cơ cháy nổ rất cao, không chỉ với xe điện mà với cả xe xăng nếu bị rò rỉ nhiên liệu. Đây chỉ nên làm nơi để xe chứ không phải là nơi sạc xe.

Tuy nhiên, với tình trạng nhiều chung cư "cấm tiệt" việc sạc xe điện tại tầng để xe như hiện nay, GS.TS Sùa cho rằng, cần có giải pháp tháo gỡ căn cơ, cả về ngắn hạn và dài hạn.

Thứ nhất, những chung cư có không gian nên bố trí một vị trí sạc pin dành riêng cho xe máy, xe đạp điện ở bên ngoài toà nhà. Vị trí này có đủ phương tiện PCCC, nguồn điện ổn định, khoảng cách giữa các phương tiện đủ rộng và có luôn có người ứng trực.

Còn nếu không đủ không gian, buộc phải để xe ở tầng hầm thì nên bố trí một vài khu vực để sạc pin riêng thông thoáng, gần lối ra vào, gần các vật tư PCCC và có nhân viên trông coi 24/24h.

Thứ hai, về dài hạn, các địa phương như Hà Nội hay TP.HCM cần nghiên cứu và quy định bắt buộc mỗi quận huyện hoặc phường, xã phải bố trí quỹ đất và xây dựng điểm sạc điện công cộng cho xe máy, xe đạp điện.

"Dự báo lượng xe điện vài năm tới sẽ rất lớn, không có chung cư nào chịu nổi hàng trăm xe cùng sạc điện một lúc. Thế nên bố trí các trạm sạc công cộng đủ tiêu chuẩn, có người trông và có thu phí là giải pháp tốt. Có thể kết hợp với công viên, sân vận động, công sở, trường học cũng rất tiện", GS.TS Từ Sỹ Sùa chia sẻ.

Về kỹ thuật phương tiện và pin sạc, TS. Hoàng Quốc Việt - người có nhiều năm nghiên cứu tại Hàn Quốc về lĩnh vực này cho biết, hiện có rất nhiều loại ắc quy/pin được sử dụng cho xe điện với những đặc tính khác nhau, nhưng đều phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật mới được đưa ra thị trường.

Cụ thể, các loại ắc quy/pin sử dụng cho xe đạp điện trước khi ra thị trường đều phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo QCVN 76:2019/BGTVT. Còn các loại sử dụng cho xe mô tô điện, xe gắn máy điện phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo QCVN 91:2019/BGTVT.

w-sac-pin-xe-dien-2-3-1217.jpeg
Nhiều chung cư đã "gom" các xe máy, xe điện vào một khu vực để tiện quản lý. Ảnh: Hoàng Hiệp

"Các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này đều đưa ra các quy định về hiệu năng và an toàn mà ắc quy/pin cho xe điện cần đạt như điện áp danh định, dung lượng danh định, nạp điện quá mức, phóng điện quá mức, ngắn mạch, khả năng chịu rung động, khả năng chịu nước, thả rơi, ép…

Tuy vậy, có một điều là các loại xe máy, xe đạp điện ở Việt Nam chỉ kiểm soát tiêu chuẩn trước khi bán ra, còn trong quá trình sử dụng thì không được kiểm tra chất lượng, người dân mặc sức độ chế, thay thế phụ tùng, phụ kiện, pin sạc không rõ nguồn gốc xuất xứ..., dẫn đến nguy cơ cháy nổ rất lớn", TS. Việt nói.

Do vậy, theo TS. Hoàng Quốc Việt, các lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường,... cần có giải pháp kiểm soát và xử lý triệt để đối với các loại mặt hàng liên quan đến sạc và pin xe điện nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; nghiêm cấm độ chế, "đóng" pin xe máy, xe đạp điện,... để giảm nguy cơ cháy nổ khi người dân sử dụng.

Ngoài ra, các hãng xe máy, xe đạp điện ở Việt Nam có thể tham khảo và triển khai thí điểm mô hình trạm đổi pin như ở một số nước lân cận, vừa giúp người dân tiết kiệm thời gian, lại không phải tự sạc pin tại nhà gây nguy cơ cháy nổ.

Để thực hiện tốt được giải pháp này, cần các hãng xe "bắt tay" với nhau để có thể dùng chung ắc-quy, pin sạc, đồng thời thị trường và lượng người dùng phải đủ lớn để các hãng mạnh dạn đầu tư.

Tin mới