Phận vô gia cư

(Baonghean) - Có một Thành phố Vinh thật khác, sau những ánh đèn rực rỡ, những nhà cao tầng khang trang, những phố dài loang loáng đèn xe... Đó là Vinh của những người vô gia cư - những người mà ban ngày lang thang muôn nẻo phố phường, làm đủ thứ nghề để kiếm bữa ăn chống đói, còn đêm về, co mình trên vỉa hè, bậc tam cấp cửa hàng, hay bất kỳ hẻm, ngách nào thuận tiện. Tôi đã nhiều lần “bước” vào thế giới ấy, tìm hiểu những câu chuyện đời thấm thía, và gợn lên bao trăn trở về giải pháp dứt điểm tình trạng này...

Thế giới đặc biệt ấy, chỉ có thể tiếp cận trong bóng tối, hoặc trong he hé sáng hắt vào từ những cột đèn đường. Có lẽ, chỉ có những người vô gia cư mới khát khao bóng tối đến vậy, bởi không chốn nương thân, họ lấy màn đêm làm nơi nương tựa. Những mặt tiền cửa hàng im ỉm khóa sau một ngày sôi động, qua thời khắc 0h, nhanh chóng trở thành nơi ăn, chốn nghỉ của những phận người bất hạnh ấy. Họ mơ hồ sợ hãi ánh sáng, bởi mặc cảm thân phận, bởi ánh nhìn dò xét của người đời hay còn vì nguyên do gì khác nữa? 
Có một đêm, tôi ngồi cạnh một cụ già “trú” ở vỉa hè đường Phan Bội Châu, cạnh Khách sạn Mường Thanh. Cụ ngồi tựa vào chân cột đèn đường - nơi ánh sáng trên cao không thể chiếu xuống, lặng lẽ nhấm từng tí một gói xôi mà tôi mang đến, với vẻ cam chịu, chẳng hỏi han mà cũng chẳng thắc mắc gì. Cụ xem đó như là chuyện bình thường mà bất kỳ người vô gia cư nào đã can qua cảnh màn trời, chiếu đất đều phải biết mở lòng đón nhận tấm tình vô ưu của người xa lạ. Góc sinh hoạt của cụ vỏn vẹn quanh 2 m2, “tài sản” nhõn chỉ bao ni lông nhét nào quần áo rách đông - hè, nào tấm chăn bông cũ được cho... Nếu là mùa hè, cụ nghỉ ở ngay chân cột đèn, còn nếu mùa đông, trời rét, cụ dấn vào một tí nữa, ngay phía sau những hẻm tường cao chắn gió của khách sạn. “Ở cột đèn thoáng hơn, còn chui vào hẻm thì bí lắm, lại chuột bọ...”, cụ nói vu vơ.
Một người vô gia cư (chợ Vinh - TP. Vinh) và cuộc sống màn trời, chiếu đất .
Một người vô gia cư (chợ Vinh - TP. Vinh) và cuộc sống màn trời, chiếu đất .
Cụ dáng người nhỏ thó, lưng đã còng, da đen sắt lại và nhăn nheo, đến ngay cả nét cười cũng lộ vẻ sầu buồn. Cũng như nhiều người vô gia cư khác, cụ rất kiệm lời kể về bản thân, hoàn cảnh của mình. Phải rất nhiều lần tiếp xúc mới biết được chút thông tin về cụ. Cụ bảo tên cụ là Hằng, tuổi 72, còn quê thì cụ giấu biệt, chỉ gắt lên “cùng quê Nghệ An với o, hỏi mần chi!”. Chắp nối những mẩu chuyện rời rạc cụ kể và vài điều thêm thắt của những người vô gia cư “hàng xóm”, thì có thể mường tượng khái quát về số phận lưu lạc của người đàn bà quá tuổi xưa nay hiếm ấy.
Không biết đích xác quê cụ ở đâu, chỉ nghe thi thoảng cụ có than thở về “đường con cái”, rằng mấy người con gái đi lấy chồng xa, hoàn cảnh khó khăn chẳng giúp mẹ được gì, còn độc thằng con trai thì phụ công dưỡng dục, hùa với vợ để đẩy mẹ ra đường. Cụ góa bụa từ khi còn trẻ, một mình tần tảo nuôi con, đến khi già gặp cảnh tủi nhục không chịu nổi ấy, đành lìa quê mà đi. Cụ Hằng đã vất vưởng ở góc phố này 5 năm nay, còn trước đó, là ngần ấy năm lang thang trong Nam, ngoài Bắc làm đủ thứ nghề để kiếm sống qua ngày. “Trước còn khỏe thì còn làm, lúc thì rửa bát thuê, lúc thì quét chợ... , dừ yếu lắm rồi, chân tay run lẩy bẩy mà cũng hay ho hen hơn, không làm thuê được nữa. Ngày khỏe thì túc tắc nhặt vỏ lon, ni lông bán cho đại lý, lại có khi xin ăn người ta...” , cụ Hằng nói.
Tạm bợ thế, nên có ngày cụ chỉ ăn một bữa, có ngày lại nhịn đói cho qua. Thức ăn thì cũng tuyền cơm thừa, canh cặn xin của các quán cơm bình dân, còn số tiền ít ỏi hiếm hoi kiếm được, cụ Hằng dành tiêu thật dè xẻn: “Để mà mua thuốc chơ mần chi nữa. Ăn chi nỏ được, còn thuốc phải mua đúng, không răng mà sống đến ngày ni”. Đoạn bà bảo, sống vỉa hè sợ nhất là ốm đau, sợ nhì là trời mưa bão: “Một thân một mình, khỏe đã không “ăn” ai, ốm xuống thì ai chăm, chết rục có khi cũng không ai biết. Còn trời mưa thì khổ không nói hết, trùm áo mưa rồi úp nón tơi lên mặt mà ngủ, vừa bí hơi, vừa sợ cảm hàn!”. 
Cuộc sống của những người già vô gia cư trên phố như cụ Hằng, xót xa và day dứt lắm. Ngoài những bất tiện, khổ cực trong sinh hoạt, họ còn phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy. Như cụ Hằng có lần thẽ thọt kể, “Mấy lần tui bị mấy “thằng mất dạy” sục vào trộm cắp rồi. Hắn tưởng mình đi ăn xin có tiền, có nhiều nhặn chi mô o, hai ba trăm bạc dành dụm không dám mua cơm ăn, để dành lúc ốm đau bệnh tật, hắn lột sạch. Tui dừ có mẹo, cũng thủ sẵn “cơn dao” trong người, dứ dứ dọa thôi chơ mình thì dám làm chi!”. 
Hiểm nguy thế, nhưng cụ Hằng so với những người vô gia cư khác kể vẫn còn “may mắn” hơn! May mắn, bởi dẫu tuổi cao, cụ vẫn còn minh mẫn để tìm thức ăn, chốn nghỉ, biết chăm sóc sức khỏe bản thân và phòng tránh những điều rủi ro. Những “kiến thức vỉa hè” cơ bản ấy, xót xa thay, lại không có trong một người đàn ông sống vất vưởng ở mạn Hồ Cá - Cửa Nam. Người đàn ông này nói giọng miền Nam, dường như là người có cuộc đời bí ẩn nhất trong thế giới vô gia cư ở thành Vinh, bởi lẽ ông hoàn toàn bị mất trí nhớ và có dấu hiệu tâm thần không ổn định!
Không ai biết ông tên là gì, cũng không biết ông đến từ đâu, mà chỉ qua giọng nói mà đoán định có lẽ ông quê ở một tỉnh, thành xa xôi nào đó trong miền Nam? Ông dắm cho mình một góc nhỏ, sâu hút sau lối đường đất cạnh Hồ Cá - Cửa Nam, nơi không hiểu sao, có sẵn một lán tạm lợp tranh như kiểu lều câu cá. Chiếc võng dù cáu bẩn được móc rất chắc chắn ở hai đầu cọc lán là nơi ngả lưng của ông mỗi đêm. Cách giao tiếp của ông đa phần là ra ký hiệu, hoặc gật đầu, hoặc lắc đầu. Thi thoảng những khi động trời, ông đội chiếc mũ tai bèo mà bình thường, là thứ “tài sản” ông ôm giữ khư khư trước ngực, miệng hô to : “Chiến đấu!”. Những lúc ấy, gương mặt ông mất đi vẻ lặng lẽ thường thấy, ánh mắt vằn đỏ lên, đôi tay nắm lấy vật gì vô hình mà giơ cao trước ngực ...
Nhiều người dân quanh vùng này từng chứng kiến cảnh ấy, ban đầu có chút ngại ngần, sợ hãi, về sau quen dần vì thấy ông cũng chẳng gây hại cho ai, lại thêm thương tình cho cám cảnh màn trời, chiếu đất. Thi thoảng, người giúp cho bộ quần áo, người cho lon gạo, chút cơm canh ... Khốn nỗi, tâm trí không ổn định “hành” người đàn ông ấy đến cả miếng ăn cũng chẳng như người. Tôi từng chứng kiến cảnh ông vơ vẩn đi trên bờ hồ, vớt mấy con cá chết, tôm sình ... lên ... nhai sống ngon lành! Lon gạo người dân thương cho, ông cũng bốc nhai trệu trạo. 
Thâm nhập vào thế giới người vô gia cư ở Thành phố Vinh, không mấy khó khăn để lắng nghe những câu chuyện đời bi thương, không chuyện nào giống chuyện nào. Nào ông Bằng, tầm tuổi 60, quê ở Diễn Châu, “thường trú” tại góc vỉa hè đường Nguyễn Du; nào ông Trung, 58 tuổi, liệt một chân, ngày ăn xin, tối ngủ ở đình chính Chợ Vinh; nào bà già ăn xin bị khiếm thị ở sân Siêu thị BigC; nào chị Hiền lang thang quanh khu vực đường Phan Bội Châu ... Mỗi phận người có một nỗi niềm riêng đưa đẩy đến cảnh đường cùng ấy, nhưng hầu hết họ từ lâu đã xác định cuộc sống tha phương cầu thực, màn trời, chiếu đất. Ngày lang thang ăn xin, làm thuê, nhặt phế liệu ... hoặc thậm chí là trộm cắp vặt, đêm về lại chỗ ngủ đã định.
Thế giới đặc biệt ấy có những “luật” bất thành văn mà nếu muốn sống yên ổn, ai cũng phải ngầm tuân thủ. Đó là không xâm phạm địa bàn “làm ăn” của nhau, không tranh giành chỗ ngủ, ít hỏi chuyện về quá khứ. Với những người phụ nữ trẻ vô gia cư, cuộc sống lang thang có phần khó khăn hơn nhiều. Họ thường xuyên phải đối mặt với những hiểm nguy, xâm phạm. Dẫu vậy, khi trò chuyện với một số người vô gia cư, họ cho biết, dù cuộc sống lang thang đầu đường, xó chợ đầy bất trắc, và không ít người trong số họ đã từng được vào các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc chuyển trả về địa phương, nhưng rồi một thời gian ngắn vẫn trốn đi!
Càng thâm nhập vào thế giới người vô gia cư, càng thấm thía thực trạng xã hội nhức nhối, bởi người vô gia cư lang thang trên địa bàn thành phố không những là một thảm cảnh cơ cực cho chính cuộc đời họ, mà còn gây nên nhiều vấn đề bất trắc, gây mất an ninh - trật tự và ảnh hưởng đến bộ mặt của đô thị. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh, có 111 người ăn xin, tâm thần lang thang. Trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã chuyển trả về các tỉnh khác 142 trường hợp người ăn xin, người tâm thần lang thang; tiếp nhận 64 trường hợp người Nghệ An đi ăn xin ở tỉnh khác; đưa 78 người về với gia đình và 46 người vào nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Trong đó, người vô gia cư lang thang trên địa bàn TP. Vinh chiếm một số lượng không nhỏ và thực tế, từ trước tới nay, các động thái giải quyết tình trạng này vẫn còn chưa thực sự hiệu quả, theo kiểu “bắt cóc, bỏ đĩa”. 
Vì vậy, để hướng tới mục tiêu “xóa” hình ảnh người vô gia cư, lang thang, ăn xin trên địa bàn, trung tuần tháng 3/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã có cuộc họp bàn dự thảo kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, các giải pháp được đưa ra là: Tập trung, phân loại đối tượng thành 3 nhóm: người ăn xin lang thang, người tâm thần lang thang và người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa lang thang ăn xin.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức tập trung người lang thang trên địa bàn địa phương quản lý, chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ trong việc tập trung, tư vấn đưa người lang thang trở về với gia đình hoặc đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, các cấp chính quyền cơ sở trong công tác phòng ngừa tình trạng người lang thang; tăng cường công tác quản lý đăng ký nhân khẩu, hộ khẩu; lồng ghép thực hiện chính sách an sinh xã hội...
Đồng thời, kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang cần bổ sung thêm việc phân loại và xử lý quyết liệt các đối tượng lười lao động, lợi dụng ăn xin, các đối tượng chăn dắt người ăn xin. Mục tiêu để đến năm 2020, đưa 95% người vô gia cư, ăn xin, người tâm thần lang thang trên địa bàn tỉnh về với gia đình hoặc đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội; phối hợp với các tỉnh bạn đưa khoảng 200 người lang thang về địa phương nơi cư trú. Ấy là mục tiêu và kế hoạch đề ra, còn thực tế, để thực hiện thành công “chiến dịch” này, cần hơn cả là quyết tâm và sự nhân văn trong từng hành động của mỗi chúng ta... 
Phương Chi

Tin mới