Phí BOT chưa tương xứng với thu nhập người dân

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những năm qua đã chứng kiến sự bùng nổ về đầu tư dưới hình thức hợp đồng BOT trong lĩnh vực giao thông, góp phần rất lớn thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư nhằm tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, đi kèm với làn sóng đầu tư đó là một loạt các trạm thu phí BOT mọc lên dày đặc, mức thu phí mỗi nơi một khác, một số nơi mức thu phí chưa tương xứng với khả năng chi trả của người dân.
Trạm thu phí cầu Bến Thủy II  (TP. Vinh).	Ảnh: P.V
Trạm thu phí cầu Bến Thủy II (TP. Vinh). Ảnh: P.V
Bộ KH&ĐT cho rằng, việc thất thu đối với các dự án BOT về bản chất bao gồm 2 loại: thứ nhất là thất thu so với doanh thu dự kiến (ví dụ: lưu lượng phương tiện không đúng như khảo sát, dự báo...) hay còn gọi là thất thu bị động; thứ hai là thất thu so với thực tế sử dụng dịch vụ (ví dụ: hoạt động thủ công thiếu minh bạch gây hao hụt doanh thu thu phí...) hay còn gọi là thất thu chủ động. Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT đề ra nhóm các giải pháp cho từng vấn đề nhằm kiểm soát, tránh thất thu tại các dự án BOT.
Đối với giải pháp về quy hoạch, theo Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT, các địa phương cần rà soát, nghiên cứu quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông để xác định tuyến đường nào cần đầu tư BOT, tuyến đường nào có thể đầu tư vốn ngân sách. Đặc biệt, cần chú trọng chỉ chấp thuận đầu tư BOT trên những tuyến đường có đường song hành để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân. Trên cơ sở đó, hoàn thiện và công bố quy hoạch trạm thu phí BOT trên toàn quốc. Việc xây dựng và vận hành các trạm thu phí BOT theo đúng quy hoạch nếu được triển khai tốt trên phạm vi cả nước chính là tiền đề để chủ động phân bổ lưu lượng phương tiện hợp lý, kiểm soát phân lưu và từ đó hạn chế được thất thu.
a
Trạm thu phí cầu Bến Thủy
Đối với giải pháp về chính sách, pháp luật, cần bổ sung quy định pháp luật về việc trạm thu phí phải nằm trong phạm vi dự án để loại bỏ trường hợp công trình một nơi - thu phí một nơi. Từ đó đảm bảo sự công bằng tương đối khi khách hàng không phải trả phí cho những dịch vụ mà họ không sử dụng. Bên cạnh đó, cần làm rõ cơ sở xây dựng khung mức phí theo Thông tư số 159/2013/TT-BTC và cơ sở ban hành các thông tư riêng về mức thu phí cho từng trạm thu phí để hạn chế cơ chế xin - cho. Xây dựng và áp dụng mức thu phí hợp lý tương quan với từng tuyến đường. Ví dụ, trên cùng tuyến đường hoặc trên các tuyến đường có quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự nhau có thể nghiên cứu xây dựng mức thu phí điển hình dựa trên chiều dài đoạn tuyến được đầu tư (đồng/km x km đầu tư).
Khi đó, nhà đầu tư có thể dự đoán chính xác hơn về mức thu phí từ trước khi thực hiện đầu tư, người dân cũng cảm thấy được đối xử công bằng hơn khi lưu thông qua các đoạn tuyến khác nhau trên cùng một tuyến đường.
Ngoài ra, có thể sửa đổi quy định pháp luật theo hướng bắt buộc nhà đầu tư phải hoàn thành xong công tác quyết toán tổng vốn đầu tư mới được thu phí. Khi đó, thời gian thu phí và mức thu phí tính theo tổng vốn đầu tư được quyết toán sẽ phản ánh chính xác hơn hiệu quả đầu tư. Các giải pháp này nhằm tránh gây bức xúc dư luận, có thể dẫn đến tụ tập đông người, chặn xe phản đối như tại một số trạm thu phí trong thời gian qua làm tê liệt hoạt động thu phí, gây thất thu phí.
Đối với nhóm giải pháp về công nghệ, chắc chắn, việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến, hạn chế công tác thủ công trong thu phí sẽ góp phần giảm thất thoát doanh thu thu phí. Ví dụ với các tuyến đường xây mới trong trường hợp thuận lợi có thể áp dụng hình thức thu phí kín và sử dụng thẻ từ. Khi đó, vừa đảm bảo công bằng vì khách hàng chỉ trả đúng chi phí cho quy mô dịch vụ mà họ sử dụng (số km thực đi), vừa kiểm soát chính xác lưu lượng và doanh thu dựa trên dữ liệu được ghi nhận.
Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay thì hình thức thu phí kín và sử dụng thẻ từ chỉ có thể áp dụng ở một số đoạn nhất định (như đoạn Pháp Vân - cầu Giẽ). Đa phần các dự án BOT là cải tạo, nâng cấp tuyến đường hiện hữu, nhiều giao cắt đồng mức nên buộc phải thu phí hở. Vì thế, cần sớm có lộ trình áp dụng công nghệ thu phí không dừng. Với công nghệ này, việc trả phí được thực hiện qua tài khoản thu phí giao thông của khách hàng và mọi giao dịch sẽ được quản lý qua ngân hàng. Do đó vừa tiết kiệm chi phí trong tổng vốn đầu tư dự án BOT, vừa nâng cao tính minh bạch, chống thất thoát phí.
Cuối cùng đối với nhóm giải pháp về nâng cao năng lực quản lý, giám sát, cần phải hiểu nhà đầu tư luôn có xung đột lợi ích với người trả phí và dưới góc độ kinh doanh, nhà đầu tư có xu hướng tối đa hóa lợi nhuận trên đồng vốn bỏ ra. Vì thế, khi giao nhà đầu tư thực hiện thu phí, dù đã thực hiện tốt về quy hoạch, về chính sách pháp luật hay về công nghệ, các cơ quan chức năng vẫn cần nâng cao năng lực để có thể quản lý, giám sát chặt chẽ và tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thu phí hoàn vốn. Chỉ có như vậy, việc thu phí mới đảm bảo khách quan, liên tục và hiệu quả, tránh thất thoát phí.
Ngoài ra, cần phải có giải pháp về truyền thông. Đây là giải pháp mà Bộ KH&ĐT cho rằng không thể xem nhẹ mà ngược lại, cần đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới. Một chủ trương đúng cần sự thấu hiểu, ủng hộ của dư luận từ khi còn manh nha cho tới lúc triển khai, hoàn thành. Giai đoạn vừa qua, công tác định hướng dư luận chưa được thực hiện tốt. Nhà đầu tư, thường bị nhìn nhận là tham lam và ích kỷ, sẽ thiếu cảm hứng và quyết tâm đầu tư.
Khách hàng, thường cảm thấy bức xúc và ngột ngạt trước ma trận các trạm thu phí BOT, sẽ phản ứng bằng cách, hoặc lựa chọn những phương án có chi phí rẻ hơn cho bản thân dù tốn kém hơn cho xã hội (nếu có sự lựa chọn về sử dụng dịch vụ), hoặc tự hạn chế đi lại của bản thân (nếu không có sự lựa chọn khác về sử dụng dịch vụ). 
Bộ GTVT cho biết, qua triển khai thực tế và trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có thể thấy rất khó trong việc xây dựng hồ sơ mời thầu các dự án PPP, hợp đồng BOT trường hợp không có sự tham gia của vốn Nhà nước. Đối với các dự án này, tiêu chí phù hợp nhất để đánh giá thầu, lựa chọn nhà đầu tư là thời gian thu phí hoàn vốn. Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng tiêu chí thời gian thu phí hoàn vốn làm tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án ppp, hợp đồng BOT ngành GTVT trong trường hợp không có sự tham gia của vốn Nhà nước.
Sông Hồng

Tin mới