Đền Thơi trong tâm thức và đời sống người dân Sơn Hải (Quỳnh Lưu)

(Baonghean) - Đền Thơi nằm ngay trước cửa Lạch Thơi thuộc xóm 1, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu được xây dựng từ thế kỷ XIV là một trong những ngôi đền cổ có kiến trúc tinh xảo và mang đậm nét văn hóa làng biển. Do thiên tai và chiến tranh, đền Thơi xuống cấp và vết tích còn lại chỉ là cổng Đền bị gãy. Cùng với duy trì lễ hội cầu ngư hàng năm, từ năm 2011 lại đây, Đảng ủy- UBND xã Sơn Hải đã huy động sức dân, từng bước khôi phục đền Thơi ngày một to đẹp, uy nghiêm hơn.

Đền xưa trong tâm thức người dân 

Theo sử sách và các cụ cao niên kể lại, đền Thơi là ngôi đền khá uy nghi, hoành tráng. Cùng với kiến trúc cổ kính, thiết kế xây dựng điêu khắc kỹ xảo, trước cổng tam quan là một bến ngự, từ cổng tam quan vào có 3 cung thờ uy nghi lộng lẫy, 2 bên được tôn nghiêm bằng các pho tượng quan văn, võ tướng với đầy đủ đề tế khí gương đao, ngựa xa, hạc, chuồng đồng đại, trống thần… Đền tọa lạc trên khu đất thiêng đầu cửa Lạch Thơi nên được gọi là đền Thơi. Dù ẩn mình dưới bóng 3 cây dừa cao nhưng do vị trí khá đắc địa nên từ vị trí đền có thể quan sát được tất cả tàu thuyền qua lại. Hàng ngày, từng đoàn tàu thuyền tấp nập vào ra nhập hàng, xuất bến tạo nên cảnh trên bến dưới thuyền rất sôi động, trù phú. 

Toàn cảnh Di tích Đền Thơi giai đoạn 1. Ảnh: Nguyễn Hải
Toàn cảnh Di tích Đền Thơi giai đoạn 1. Ảnh: Nguyễn Hải

Với vị trí thuận lợi như trên, đền Thơi là nơi hội tụ, tổ chức các lễ hội truyền thống hàng năm, trong đó nổi bật nhất là lễ hội rước kiệu đua thuyền và lễ cầu ngư. Từ năm 1990 lại đây dù đền bị xuống cấp, hư hại nặng (chỉ còn lại cổng Đền bị đổ gãy) nhưng năm nào cũng như năm nào người dân làng Thơi đều tổ chức Lễ hội cầu Ngư. Lúc chưa tôn tạo thì người dân làm lễ dưới chân cổng đền Thơi đã bị đổ, từ khi có dự án tôn tạo, cổng đền cũ phải giải tỏa để lấy mặt bằng dựng đền mới, lễ hội được tổ chức tại đình Trung. Sau khi làm lễ tế cầu ngư xong, ngư dân thắp nến, thả thuyền giấy tại cửa sông, đua thuyền, múa hát và các trò chơi dân gian. Với tín ngưỡng và thành tâm của mình, người dân vùng biển Sơn Hải tổ chức lễ hội rất trang nghiêm nên ngày càng thu hút được nhiều người dân vùng khác đến tham quan…

Trở về thời kỳ đền mới được khai lập, lúc đó để tỏ lòng ghi nhớ công ơn của các vị thần biển và cửa sông đã phù hộ, độ trì, giúp triều đại nhà Trần vượt biển bình an, đánh thắng giặc Chiêm Thành, Vua Trần Anh Tông (1293-1314) đã cho xây dựng đền Cờn. Người dân tại các vùng cửa biển Quỳnh Lưu, trong đó có vùng Lạch Thơi, xã Sơn Hải cũng lập đền ngay tại cửa lạch Thơi để thờ vọng các vị thần trông coi sông nước và Tứ vị Thánh nương chuyên phù hộ cho nhân dân làm ăn thịnh vượng, vượt biển bình an, đánh bắt cá an toàn và thắng lợi…

Hàng năm, vào dịp tháng Giêng và tháng Hai, người dân xã Sơn Hải nói chung và vùng làng Thơi nói riêng rất chăm lo lễ đền. Phần lễ tế tại đền Thơi cũng tương tự như lễ tế tổ tại các dòng họ vùng biển bao gồm lễ yết cáo vào đêm hôm trước và lễ tế vào ngày hôm sau nhưng quy mô và nghi thức trang trọng hơn. Chủ tế là đại diện UBND xã, người làm lễ (bồi tế) là lão niên cao tuổi nhất trong làng. Tham gia ban hành lễ, ngoài những người cao tuổi thạo về nghi thức tế lễ, phía ngoài còn chọn 10 nam thanh, nữ tú để đứng cầm cờ chầu. Kèm theo phần lễ là phần hội, theo thông lễ, người dân vùng biển hàng ngày gắn với sông nước nên xã tổ chức lễ hội cầu ngư, kèm theo đó là đua thuyền rước kiệu, đánh cờ thẻ, diễn tuồng, hát chầu văn… rất quy củ nên không chỉ người dân trong xã mà ngoài xã đến xem.

Lễ đại tế tại Lễ hội Đền Thơi do các cụ cao niên trong làng tiến hành. Ảnh: Nguyễn Hải
Lễ đại tế tại Lễ hội Đền Thơi do các cụ cao niên trong làng tiến hành. Ảnh: Nguyễn Hải

Nhân lên giá trị văn hóa tốt đẹp 

Trước hết phải khẳng định lễ hội cầu ngư là nét đẹp văn hóa và mang đậm màu sắc tâm linh, tín ngưỡng đối với người dân vùng biển nói chung và Sơn Hải nói riêng. Tuy nhiên, do địa điểm quá chật hẹp và tạm bợ, lễ hội cầu ngư hàng năm dù vẫn được bà con tổ chức nhưng chưa thực sự tốt. Để có nơi tiến hành các sinh hoạt tâm linh và tiến hành lễ hội, đông đảo ngư dân xã Sơn Hải đề nghị xã ban hành chủ trương huy động nguồn lực, từng bước phục hồi, tôn tạo đền Thơi.

Trên cơ sở tiếp thu và lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, từ năm 2011, Đảng ủy xã Sơn Hải có chủ trương; đồng thời giao UBND xã Sơn Hải lập tờ trình xin ý kiến HĐND xã; tiếp đó xã có tờ trình lên UBND huyện Quỳnh Lưu, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hóa - Thể thao) cho chủ trương phục hồi, tôn tạo di tích đền Thơi tại xã Sơn Hải.

Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Sơn Hải thắp hương tại Lễ hội cầu ngư năm 2017. Ảnh: Nguyễn Hải
Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Sơn Hải thắp hương tại Lễ hội cầu ngư năm 2017. Ảnh: Nguyễn Hải

Sau khi được Ban quản lý di tích và Sở Văn hóa - Thể thao đồng ý tại Văn bản số 162/CV-QLDT ngày 7/6/2011, giữa năm 2015, xã Sơn Hải đã tổ chức động thổ và khởi công dự án khôi phục, tôn tạo đền Thơi tại xóm 1, xã Sơn Hải. Theo UBND xã Sơn Hải, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7 tỷ đồng được huy động hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa. Dự án có 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là xây dựng các điện thờ và nhà điều hành; giai đoạn 2 là cổng tam quan và hạng mục sân chơi khác. Sau hơn 1 năm thi công, điện thờ chính và nhà điều hành đã hoàn thành với kinh phí huy động và đầu tư khoảng 2 tỷ đồng.

Ông Hoàng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: với phương châm huy động được tiền đến đâu làm đến đấy, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, xã bàn giao và đưa vào tổ chức lễ hội cầu ngư đầu năm 2017 vừa qua. Ngày lễ khai hội tại đền mới, người dân và nhất là các ngư dân đánh bắt cá vui vẻ, phấn khởi. Hiện nay, ngoài hành lễ vào ngày Rằm và mồng Một hàng tháng, mỗi chuyến biển, chủ các tàu và ngư dân thường vào đền Thơi để thắp hương, cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, ra khơi vững tay chèo, đánh bắt thắng lợi.

Ngư dân Sơn Hải trong trang phục truyền thống tham gia lễ hội cầu ngư. Ảnh: Nguyễn Hải
Ngư dân Sơn Hải trong trang phục truyền thống tham gia lễ hội cầu ngư. Ảnh: Nguyễn Hải

Với việc khôi phục sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại đền Thơi, một trong những mong muốn lớn nhất và sâu xa của lãnh đạo xã Sơn Hải khi phục hồi tôn tạo đền Thơi là hướng người dân vào các sinh hoạt văn hóa tốt đẹp, hướng thiện. Điều này xuất phát từ đặc thù xã Sơn Hải là có ngành nghề buôn bán, làm ăn khá đa dạng; người dân năng động nhưng cũng tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh, trật tự xã hội; làm cho người dân yên tâm, bám nghề, bám biển không chỉ thúc đẩy kinh tế xã nhà phát triển mà còn trực tiếp tạo thêm việc làm, phát triển kinh tế gia đình.

Ông Cao Xuân Điệp - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hải cho hay: Cùng với phục hồi, tôn tạo về cơ sở vật chất đền Thơi, ưu tiên của xã là tổ chức tốt lễ hội cầu ngư hàng năm, kèm theo đó là các hoạt động văn hóa thể thao, các trò chơi dân gian trong khuôn khổ lễ hội để tập hợp động viên, khích lệ bà con vui xuân, tích cực hăng say lao động sản xuất; hướng người dân vào các sinh hoạt văn hóa tâm linh lành mạnh, tiết kiệm. Cùng với tiếp tục huy động kinh phí cho giai đoạn 2, xã đang tính toán phương án mở rộng khuôn viên sân đền và sân bãi phía ngoài cửa lạch để làm nơi tổ chức các sinh hoạt lễ hội văn hóa thể thao, đảm bảo người dân tham gia lễ hội và đi lại dễ dàng, thuận lợi hơn...

Nguyễn Hải

TIN LIÊN QUAN

Tin mới