Quế Phong: Sản xuất lúa theo hướng hàng hoá

(Baonghean) - Với những chương trình dự án đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực của người dân, những năm gần đây, huyện Quế Phong ổn định lương thực, bắt đầu chú trọng sản xuất lúa theo hướng hàng hoá. 

Năm nay, gia đình bà Mạc Thị Lợi ở bản Chổi, xã Châu Kim được huyện và xã vận động, cùng với những cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước như cấp 100% giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đã mạnh dạn cấy thử giống lúa Japonica trên tất cả diện tích ruộng. Với quy trình gieo cấy, chăm sóc đúng hướng dẫn, 25a ruộng của gia đình bà Lợi đạt sản lượng cao, thu về gần 1 tấn lúa. Gia đình bà để lại 3 tạ để ăn, số còn lại được hợp tác xã thu mua lúa tươi tại ruộng với giá 7000 - 10.000 đồng/kg. Bà Lợi chia sẻ: “Lần đầu tiên, tôi trồng giống lúa mới trên toàn bộ diện tích nên lúc đầu cũng lo lắng lắm. Nhưng cuối vụ, thấy lúa trĩu bông, hạt chắc, thu hoạch được nhiều và được thu mua luôn, nên cả nhà phấn khởi lắm. Có lẽ chúng tôi sẽ tiếp tục trồng loại lúa này…”. 
Cùng với niềm vui của bà Lợi, hàng trăm hộ nông dân khác ở các xã Mường Nọc, Châu Kim và Tiền Phong thực sự phấn khởi bởi lần đầu tiên được tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng hàng hoá, cho thu nhập cao. Để khuyến khích đồng bào sản xuất lương thực, UBND huyện Quế Phong tích cực đưa nhiều giống lúa vào khảo nghiệm, như: Japonica, TH3-5, BTE, Thái Bình, NA2... Quá trình đó, giống lúa Japonica được đánh giá với những ưu điểm vượt trội. Giống lúa này có năng suất ổn định, chất lượng đáp ứng được nhu cầu thị trường, giá thành sản phẩm cao hơn 1,5 đến 2 lần so với những loại lúa khác. Vụ mùa vừa qua, chị Lô Thị Ngọc ở bản Chổi (Châu Kim) cũng đã đưa giống lúa Japonica vào sản xuất trên tất cả diện tích ruộng của gia đình, cuối mùa thu hoạch gần 2 tấn lúa, được doanh nghiệp mua ngay tại chân ruộng. Chị Ngọc cho biết: “Từ trước tới nay, dân bản chỉ nghĩ trồng lúa để ăn thôi, nhưng từ khi huyện đưa giống mới vào sản xuất, các doanh nghiệp thu mua ngay sau khi thu hoạch, chúng tôi nhận thấy cần phải làm ra nhiều lúa để có nhiều tiền cho con ăn học…”.
Đồng bào bản Minh Châu, xã Tri Lễ (Quế Phong) thu hoạch lúa nước. Ảnh: Nguyên Sơn
Đồng bào bản Minh Châu, xã Tri Lễ (Quế Phong) thu hoạch lúa nước. Ảnh: Nguyên Sơn
Vụ mùa năm 2014, huyện Quế Phong chỉ đạo Phòng Nông nghiệp quy hoạch hơn 113 ha gieo cấy giống lúa Japonica. Cùng với việc hỗ trợ giống, phân bón cho đồng bào sản xuất, UBND huyện còn ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người dân, như phối kết hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp của Trung ương để chuyển giao về quy trình sản xuất, tập huấn kỹ thuật… Vì vậy, bà con nông dân phấn khởi, hăng say sản suất, tổng sản lượng lúa Japonica năm nay ước đạt 4.500 tấn. Bên cạnh vận động đồng bào sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, huyện cũng đang xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo thơm chịu lạnh trên địa bàn Quế Phong.
Ông Nguyễn Cảnh Dật - Phó Trưởng Phòng nông nghiệp huyện cho biết: “UBND huyện đã xác định giống lúa Japonica là chủ lực để đẩy mạnh nhân rộng diện tích gieo trồng, tạo ra nguồn hàng hóa lớn. Thuận lợi hiện nay là huyện đang lồng ghép các cơ chế, chính sách với nguồn đầu tư 30a để hỗ trợ người dân sản xuất, thâm canh theo hướng hàng hóa. Những năm đầu, kết quả khả quan đã kích thích bà con tiếp tục sản xuất. Trong tương lai, nguồn hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân có thể giảm dần, nhưng tin rằng bà con sẽ duy trì tốt phong trào. Phòng Nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp tăng cường quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu gạo thơm Quế Phong. Chúng tôi tin tưởng, đồng bào sẽ phát huy kết quả đạt được, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống…”.
Chú trọng sản xuất lúa theo hướng hàng hóa ở Quế Phong bước đầu đã tạo được phong trào tích cực, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho đồng bào. Thông qua hoạt động này, bà con nông dân đã tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật một cách đồng bộ trong vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo sạ, làm đất, xuống giống, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch lúa theo mùa vụ. Qua đó, rút ngắn chênh lệch về năng suất giữa các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân trong toàn vùng, tạo ra khối lượng hàng hóa nông sản tập trung với số lượng lớn, tăng chất lượng lúa gạo, tạo ưu thế cạnh tranh trong sản xuất. Từ hướng đi tích cực đó, mở ra hướng sản xuất mới, giúp người dân thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp, thích ứng với cơ chế thị trường, phát huy lợi thế để tăng nguồn thu nhập trên một đơn vị diện tích. Trong kế hoạch phát triển, huyện Quế Phong cũng đang tích cực triển khai xây dựng “Mô hình cánh đồng mẫu lúa chất lượng”, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch, phát triể vùng sản xuất lúa theo hướng bền vững.
Vân Thanh

Tin mới