Quốc hội thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Sáng 20/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 1 dự thảo luật và 1 dự thảo nghị quyết; sau đó tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Toàn cảnh phiên làm việc sáng 20/6 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Toàn cảnh phiên làm việc sáng 20/6 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Theo đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi), với 466/472 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, bằng 94,33% tổng số đại biểu Quốc hội.

Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, với tỷ lệ 471/472 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, bằng 95,34% tổng số đại biểu Quốc hội.

Các ĐBQH ấn nút biểu quyết dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Ảnh: Nam An

Các ĐBQH ấn nút biểu quyết dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Ảnh: Nam An

Tiếp đó, sau khi nghe trình bày tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án luật này.

Đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn và Bạc Liêu. Phát biểu thảo luận, Thiếu tướng Trần Đức Thuận, đại biểu Đoàn Nghệ An, dưới góc độ là Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội, đơn vị có nhiệm vụ thẩm tra dự án luật đã cung cấp thêm một số thông tin trong quá trình xây dựng luật.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3 sáng 20/6. Ảnh: Phan Hậu

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3 sáng 20/6. Ảnh: Phan Hậu

Theo Thiếu tướng Trần Đức Thuận, việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở; đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đặc biệt, hiện nay ở cơ sở, nhiều địa phương có 3 lực lượng: tổ bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách.

Do đó, cần kiện toàn các lực lượng trên để vừa làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản về an ninh, trật tự tại xã, phường, thị trấn; vừa là lực lượng có chức năng hỗ trợ lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" ở thôn, bản, tổ dân phố.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Đoàn Nghệ An phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Hậu

Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Đoàn Nghệ An phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Hậu

Tuy nhiên, quá trình thẩm tra, Thiếu tướng Trần Đức Thuận cho biết thêm, đã ghi nhận nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề biên chế, ngân sách bố trí cho lực lượng này nếu thành lập. Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ cần đánh giá, làm rõ thêm tác động đến chính sách trong xây dựng luật, nhất là liệu có tăng thêm biên chế và tăng chi ngân sách quá lớn khi chi trả phụ cấp cho lực lượng này; đồng thời, đề nghị về thẩm quyền là do chính quyền thành lập, quản lý, còn Công an hướng dẫn, chỉ đạo về nghiệp vụ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đặc biệt, vấn đề chi ngân sách cho lực lượng này do Trung ương hay cấp tỉnh đảm bảo hiện đang có nhiều ý kiến đề nghị cần ngân sách Trung ương đảm bảo là chính; đồng thời, chế độ, chính sách cũng cần phù hợp với các chế độ, chính sách hiện tại đang có ở thôn, bản, tổ dân phố như: dân quân tự vệ, cán bộ thôn, xóm.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn Nghệ An phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Hậu

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn Nghệ An phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Hậu

Phát biểu thảo luận, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An thống nhất sự cần thiết ban hành luật trên.

Tuy nhiên, vị đại biểu Đoàn Nghệ An tỏ ra băn khoăn với nhiều nội dung các điều trong dự thảo luật; trong đó, đề nghị cần phải có báo cáo đánh giá tác động không chỉ riêng góc độ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, mà còn ở các góc độ liên quan đến các tổ dân phố; để đảm bảo công bằng, hài hòa giữa các đối tượng, cụ thể là giữa các bộ thôn, xóm, tổ dân phố gồm: bí thư, xóm trưởng, trưởng ban công tác Mặt trận và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi thành lập.

Đồng tình với việc ban hành luật này, song đại biểu Đoàn Nghệ An Vi Văn Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh bày tỏ phân vân về tên gọi của dự án luật và đề nghị Ban soạn thảo nên đề xuất một vài phương án để lựa chọn tên gọi cho phù hợp.

Đại biểu Vi Văn Sơn- Đoàn Nghệ An phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Hậu

Đại biểu Vi Văn Sơn- Đoàn Nghệ An phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Hậu

Ông cũng nêu quan điểm, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng được “lựa chọn” tham gia tổ bảo vệ an ninh, trật tự; thay vì đang sử dụng nhiều cách dùng như trong dự thảo luật là “tuyển chọn”, “xét chọn”, “lựa chọn”; đồng thời, cần quy định cụ thể lực lượng này hoạt động dưới sự quản lý của cấp xã và có nhiệm vụ là hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ cho lực lượng công an ở cơ sở.

Đặc biệt, theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, trong quy định về thành phần thẩm tra hồ sơ lựa chọn lực lượng này, cần bổ sung thêm thành viên là người có uy tín ở cộng đồng dân cư. “Vì thực ra lực lượng này chủ yếu tập trung ở thôn, bản, nên uy tín đối với cộng đồng dân cư là rất quan trọng”, đại biểu Vi Văn Sơn nêu quan điểm.

Tin mới