Dự luật an ninh của Nhật Bản: Bước đầu xóa bỏ rào cản dù còn tranh cãi

(Baonghean) - Bất chấp những phản đối, một ủy ban hạ viện đã thông qua các dự luật đánh dấu sự khởi đầu một thay đổi đáng kể trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản. Theo đó, quân đội nước này sẽ được phép tham gia vào hoạt động phòng vệ tập thể.

Sau gần 120 giờ đồng hồ bàn cãi dai dẳng trong nhiều tháng, một ủy ban đặc biệt thuộc Hạ viện Nhật Bản hôm 15/7 đã thông qua gói dự luật an ninh gây tranh cãi. Những dự luật này dự kiến sẽ được trình bày rõ ràng tại Hạ viện - nơi liên minh cầm quyền của nước này kiểm soát 2/3 số lượng thành viên - vào sáng nay, 16/7.
Luật này được đánh giá là một phần trong những nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm diễn giải lại hiến pháp hòa bình hết sức nghiêm ngặt của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Vấn đề này đã dẫn tới các cuộc tranh luận chính trị bùng nổ cảm xúc tại Nhật Bản. Nhiều nghị sỹ Quốc hội đã la hét và giơ cao những tấm áp phích trong suốt cuộc bỏ phiếu để thể hiện sự phản đối trước các dự luật này. Hôm 14/7, khoảng 20.000 người đã tham gia cuộc biểu tình được tổ chức tại Tokyo để phản kháng các dự luật.
Mục tiêu của Abe là nhằm khôi phục chủ quyền trọn vẹn cho Nhật Bản 70 năm sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai khép lại. Nhưng đường lối để đạt được điều đó lại gây tranh cãi lớn tại quốc gia này, cả về mặt pháp lý lẫn về mặt chính trị.
Dự luật an ninh của Nhật Bản đã được Ủy ban Hạ viện thông qua  hôm 15/7. 	Ảnh: Reuters.
Dự luật an ninh của Nhật Bản đã được Ủy ban Hạ viện thông qua hôm 15/7. Ảnh: Reuters.
Năm ngoái, nội các của ông Abe đã diễn giải lại điều 9 của bản hiến pháp - vốn không thừa nhận quyền tham chiến - lập luận rằng đất nước này thực sự có quyền phòng vệ tập thể. Bằng hành động đó, Abe đã lảng tránh một cuộc bỏ phiếu của quốc hội và sau đó là cuộc trưng cầu dân ý, hai điều vốn dĩ cần thiết để sửa đổi bản hiến pháp.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 4, vị thủ tướng của đất nước mặt trời mọc đã hứa hẹn thực thi những thay đổi toàn diện đối với các bộ luật an ninh trước khi kết thúc mùa hè năm nay. Mục tiêu của ông là nhằm cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản kề vai sát cánh chiến đấu cùng đối tác quân sự duy nhất của mình là Mỹ, cũng như các quốc gia khác trong trường hợp sự tồn vong của Nhật Bản bị đe dọa một cách rõ ràng.
Theo cách diễn giải hiến pháp Nhật Bản hiện nay, các chiến dịch quân sự chung như vậy là không được phép, ngay cả trong trường hợp xảy ra các cuộc tấn công nhắm vào nước này. Tuy nhiên, trái với tuyên bố của Abe tại Washington, các bộ luật mới về an ninh chỉ chứa đựng những thay đổi không đáng kể.
Tờ Deutsche Welle dẫn lời Robert Dujarric - chuyên gia phân tích chính trị tại Đại học Temple của Nhật Bản- nhận định trong khi luật này tạo điều kiện cho các quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực chẳng hạn như Australia, việc nghĩ rằng điều này sẽ buộc Nhật Bản can dự vào mọi xung đột quân sự mà Mỹ dính dáng đến là thiếu thực tế.
Và trong khi các luật này cho phép Nhật Bản tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, Tokyo sẽ không được phép triển khai quân đội chiến đấu. Tuy nhiên, trong một khảo sát mới đây của Đài Truyền hình Nihon TV cho thấy 59% người được hỏi không đồng thuận với những thay đổi mới nhất, và chỉ 24% số người tham gia khảo sát ủng hộ chúng. 
Thời điểm hiện tại, tỷ lệ ủng hộ Abe đã rơi xuống mức thấp nhất tính từ khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 của mình vào năm 2012. Shigeru Ishiba, một đảng viên đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền nhận định: “Chúng tôi đã chưa nỗ lực để khiến mọi người thấu hiểu thông điệp này”.
Đáng chú ý, các học giả về pháp lý lại sở hữu quan điểm tiêu cực đối với vấn đề này. Yasuo Hasabe, chuyên gia hiến pháp thuộc Đại học Wasena tại Tokyo cho hay: “98% các chuyên gia xem các luật này là trái với hiến pháp”.
Cũng theo nguồn tin của tờ Deutsche Welle, Kenji Ishikawa thuộc Đại học Tokyo nhắc đến cụm từ “chính biến”, còn Sota Kimura thuộc Đại học Thành phố Tokyo nói động thái này là “gây nguy hiểm cho pháp quyền”. Người theo chủ nghĩa hòa bình nổi tiếng tại Nhật Bản Hayao Miyazaki mới đây đã bày tỏ điều có thể tồn tại trong suy nghĩ của số đông chưa lên tiếng tại đất nước này: “Tôi cho rằng không thể dùng vũ lực quân sự để ngăn Trung Quốc bành trướng, mà Nhật Bản có một bản hiến pháp hòa bình để có thể nghĩ ra các giải pháp khác”.
Những tuyên bố của Miyazaki làm phiền lòng chính phủ bảo thủ, do chính sách quốc phòng mới của Abe thực sự nghiêng về việc cùng Mỹ làm đối trọng trước sức mạnh và sự hung hăng đang tăng tiến của Trung Quốc tại châu Á.
Đồng thời, Tokyo hy vọng rằng Washington ngày càng sẵn lòng cùng chiến đấu với Nhật Bản trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, Abe đã tránh trực tiếp nêu danh Trung Quốc là đối thủ nhằm giữ quan hệ với Bắc Kinh không bị xấu thêm.
Cho đến nay, Thủ tướng Abe mới chỉ đề cập đến một kịch bản duy nhất, trong đó các lực lượng vũ trang của Nhật Bản có thể được triển khai ở nước ngoài: khi nguồn cung dầu lửa của Nhật Bản bị phong tỏa tại eo biển Hormuz nối liền Biển Arập với Vịnh Persian.
Tuy nhiên, kịch bản này tỏ ra khá phi thực tế do Nhật Bản không còn phụ thuộc nhiều vào dầu lửa của Arập như trước. Hơn nữa, những người trong đảng của Thủ tướng gần đây đã ngăn cản việc ban bố sách trắng quốc phòng năm nay, lập luận rằng sách trắng này sẽ khiến những tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong khu vực và hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Bắc Kinh trên Biển Đông trở nên nổi bật hơn. 
Trong khi đó, tờ Al Jazeera cũng nhận định việc Nhật Bản thông qua các dự luật rõ ràng là những bước quan trọng để dọn đường cho nước này thực thi luật và mở rộng vai trò quân sự. Thủ tướng Nhật Bản nhìn thấy sự bức thiết phải khiến quân đội trở nên hùng mạnh hơn, để có khả năng chống lại những kẻ thù tiềm ẩn trong tương lai. Bởi vậy, có thể nói rằng, dự luật cho phép quân đội Nhật Bản nắm giữ vị thế lớn hơn, bao gồm cả việc bảo vệ cho các đồng minh bị tấn công. Không những thế, chúng còn mở rộng vai trò gìn giữ hòa bình quốc tế của quân đội xứ sở hoa anh đào, dù còn nhiều ý kiến trái chiều và nhiều quan ngại sâu sắc trước thông tin đáng chú ý này.
Phú Bình

Tin mới