Ai sẽ kế nhiệm Thủ tướng Anh David Cameron?

(Baonghean.vn) - Vấn đề người kế nhiệm Thủ tướng Anh Cameron đang là chủ đề tranh cãi trong đảng Bảo thủ cầm quyền, vốn đã bị chia rẽ suốt thời gian dài vừa qua. Một số cái tên tiềm năng cho vị trí hàng đầu tại phố Downing đã được nhắc đến, nhưng vẫn chưa ngã ngũ. 

Cựu Thị trưởng London Boris Johnson, ứng viên sáng giá nhất để thay thế ông Cameron. Ảnh: Telegraph.
Cựu Thị trưởng London Boris Johnson, ứng viên sáng giá nhất để thay thế ông Cameron. Ảnh: Telegraph.

Dư luận đặc biệt quan tâm tới người kế nhiệm ông Cameron, bởi đây sẽ là người lãnh đạo nước Anh trong giai đoạn mới, và sẽ dẫn dắt tiến trình đàm phán rời khỏi EU.

Theo giới phân tích, ứng cử viên sáng giá nhất để thay thế ông Cameron là ông Boris Johnson, một nhân vật ủng hộ Anh rời EU. Chiến dịch vận động "Brexit" đã giúp cựu thị trưởng London 52 tuổi này thu hút được nhiều cử tri của đảng Bảo thủ vốn có tư tưởng hoài nghi sự hội nhập châu Âu.

Cuộc trưng cầu dân ý đã nâng cao vị thế của ông Johnson ở chính trường trong nước, dù ông bị không ít nghị sĩ đảng Bảo thủ chỉ trích rằng quan điểm ủng hộ “Brexit” của ông chỉ nhằm phục vụ lợi ích chính trị của bản thân.     

Nhân vật tiềm năng thứ hai là Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove. Là bạn thân của ông Cameron nhưng ông Gove lại ủng hộ "Brexit". Tuy nhiên, ông không được đánh giá cao do những phát ngôn cực đoan gần đây.

Một cái tên nữa cũng được dư luận nhắm tới, đó là Bộ trưởng Tài chính George Osborne, đồng minh thân cận của Thủ tướng Cameron. Từ lâu, ông Osborne đã được coi là nhân vật sáng giá có khả năng kế nhiệm ông Cameron.

Tuy nhiên, nhiều thành viên đảng Bảo thủ không hài lòng vì ông ủng hộ lựa chọn Anh ở lại EU và bản thân ông cũng khẳng định không muốn chạy đua vào vị trí thủ tướng.    

Trong tuyên bố ngay sau khi có kết quả trưng cầu ý dân, Thủ tướng Cameron cam kết sẽ cố gắng duy trì ổn định đất nước trong vài tuần, hoặc vài tháng tới, và sẽ để người kế nhiệm ông đảm nhiệm việc triển khai các bước đi cần thiết để rời EU, trong đó có việc đàm phán với EU về quan hệ giữa hai bên trong tương lai.

Nhiệm vụ của Thủ tướng mới của Anh sẽ hết sức nặng nề, bởi nước Anh đang bị chia rẽ nghiêm trọng. Đó là chưa kể tới những tác động tiêu cực khác, như nguy cơ “tan đàn xẻ nghé” do Scotland đòi độc lập để có thể ở lại EU. Tuy nhiên, mọi sự đã rồi, nước Anh không còn đường lùi.

Giới phân tích cho rằng cuộc trưng cầu dân ý đã tạo ra một lực chuyển làm thay đổi toàn bộ cảnh quan chính trị bên trong nước Anh và chắc chắn cũng tác động không nhỏ tới kết cấu địa chính trị thế giới./.    

Lan Hạ

(Theo Independent)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới