Thủ tướng của thời khắc lịch sử nước Anh

(Baonghean) - Ngày 11/5/2010 đánh dấu mốc son trong lịch sử Vương quốc Anh - David Cameron trở thành Thủ tướng trẻ nhất sau khi Gordon Brown từ chức. 6 năm sau, một lần nữa ông lại đứng trước thời khắc lịch sử, chơi một ván bài hết sức mạo hiểm - ván bài trưng cầu dân ý và để thua…

Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: Internet.
Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: Internet.

43 tuổi, ông Cameron đã bước vào căn nhà số 10 phố Downing với tư cách là Thủ tướng trẻ nhất của Anh trong gần 200 năm. Ông có bằng đại học về chính trị, triết học và kinh tế của trường Oxford danh tiếng. Sự nghiệp chính trị của ông bắt đầu từ vai trò một nhà nghiên cứu của đảng Bảo thủ. Sau đó, ông làm tư vấn cho Bộ trưởng Tài chính Norman Lamont. Ông được bầu vào Quốc hội năm 2001 và trở thành thủ lĩnh đảng Bảo thủ 4 năm sau đó.

Hồi ấy, đã có dư luận cho rằng tân Thủ tướng David Cameron là người có lập trường chống Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, ông đã bác bỏ lập luận này, mặc dù trước đó, trong chương trình tranh cử, ông nhiều lần hứa rằng nếu trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của chính phủ, ông sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Anh trong EU.

Trong bài diễn văn đầu tiên với tư cách là Thủ tướng, ông David Cameron nói rằng đất nước đang đối mặt với những vấn đề sâu rộng và cấp bách. Nhưng ông nói những ngày tốt đẹp nhất của nước Anh đang ở phía trước, và hứa hẹn xây dựng một xã hội có trách nhiệm hơn, trong đó tự do và công bằng được coi trọng. Ông cũng khẳng định sẽ thành lập Chính phủ liên minh đầu tiên của Anh kể từ năm 1945.

Nhậm chức trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với thách thức rất lớn là khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ, tuy nhiên, ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, với những chính sách hết sức linh hoạt nhằm thúc đẩy nền kinh tế, chính phủ của David Cameron đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi. 

Thủ tướng Cameron tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ 5 năm trong cuộc bầu cử ngày 7/5/2015, với số phiếu cao hơn nhiều so với dự báo của các cuộc thăm dò dư luận. Đây là thắng lợi vang dội của ông Cameron và đảng Bảo thủ, khi đảng này trở thành đảng cầm quyền đầu tiên ở Anh từ nhiều thập niên giành được thêm ghế tại Quốc hội trong một cuộc bầu cử. 

Thủ tướng David Cameron phát biểu vận động phản đối Brexit. Ảnh: Internet
Thủ tướng David Cameron phát biểu vận động phản đối Brexit. Ảnh: Internet

Thủ tướng Cameron cam kết mở một cuộc trưng cầu ý kiến về tư cách thành viên EU của Anh vào năm 2017. Sở dĩ ông ấn định thời gian cụ thể là bởi ông muốn có thêm thời gian thương lượng những thay đổi trong quan hệ để thuyết phục cử tri Anh ở lại EU. “Tôi muốn đưa đất nước chúng ta xích lại gần nhau, đưa Vương quốc Anh của chúng ta tiến lại gần nhau...

Trong thời gian tới, tôi mong muốn đảng của tôi, và hy vọng chính phủ mà tôi muốn lãnh đạo, sẽ lấy lại lớp áo choàng mà chúng ta không bao giờ nên để mất - lớp áo choàng của một quốc gia, một Vương quốc Anh…”, ông Cameron nhấn mạnh. 

Nhiều nhà phân tích cho rằng, không phải các thành quả đạt được trong nhiệm kỳ đầu tiên mà chính vì lời hứa mở một cuộc trưng cầu ý kiến về tư cách thành viên EU của Anh đã giúp ông đánh bại các nhân vật có tư tưởng cứng rắn, hoài nghi về tương lai của EU trong chính đảng Bảo thủ cầm quyền, cũng như đảng nước Anh Độc lập - đối thủ chính của ông.

Trở lại với canh bạc chính trị mang tên “trưng cầu ý dân” về việc đi hay ở vừa qua, trước sức ép ngày càng lớn từ những người ủng hộ Anh rời EU, đã buộc David Cameron phải thực hiện lời hứa của mình sớm hơn dự kiến. 

“Cuộc hôn nhân” trải qua hơn 4 thập kỷ của Anh với EU đã kết thúc, có lẽ khi hứa cho người dân quyền lựa chọn này ông David Cameron không lường được rằng nhiều người Anh muốn rời châu Âu đến vậy. Bởi lợi ích từ thị trường chung lớn nhất thế giới, đầu tư, thu hút lao động chất lượng cao, và vị thế tốt hơn khi đàm phán các hiệp định thương mại... vẫn còn rất lớn. Nhưng mọi việc đã an bài, người dân Anh đã có quyết định lịch sử dưới thời Thủ tướng David Cameron.

Vấn đề trong những ngày cuối cùng ở nhà số 10 phố Downing là Thủ tướng Anh sẽ làm gì để hạn chế tối đa những thiệt hại về lợi ích mà liên minh đã mang lại cho họ; những bất ổn trong nước về chính trị, kinh tế, lao động, việc làm... đã và đang diễn ra ngay khi thông tin Brexit được công bố? Trong khi đó, theo thông báo từ chức, thì quỹ thời gian của ông chỉ còn gần 3 tháng.

Ông Cameron trả lời báo giới khi tới dự Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels. Ảnh: Reuters
Ông Cameron trả lời báo giới khi tới dự Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels. Ảnh: Reuters

Để trả lời cho câu hỏi này, hãy nhìn lại chuyến đi cuối cùng trên cương vị lãnh đạo một quốc gia thành viên chủ chốt tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu ngày 28/6. Ông David Cameron đến trụ sở EU tại Brussels (Bỉ) với mong muốn đàm phán các lĩnh vực như thương mại, hợp tác và an ninh. 

Tuy nhiên, thành quả thu được lại là những cái lắc đầu lạnh nhạt, thể hiện bằng việc mong muốn Anh sớm kích hoạt Điều 50, Hiệp ước Lisbon (Mọi thành viên có thể tự quyết định rút khỏi liên minh theo trình tự quy định bởi hiến pháp) để nước này có thể “li dị” với EU trong thời gian sớm nhất. Bằng không sẽ không có bất cứ cuộc đàm phán chính thức hay phi chính thức nào diễn ra. 

Trước sự lạnh nhạt của EU, ông David Cameron đã “nhường” lại quyền kích hoạt Điều 50, Hiệp ước Lisbon cho người kế nhiệm. Vì sao ông Cameron chần chừ chưa tuyên bố rời EU, phải chăng ông là người thất hứa?

Ông Cameron và đối thủ Boris Johnson. Ảnh: Internet
Ông Cameron và cựu thị trưởng London Boris Johnson. Ảnh: Internet

Các nhà bình luận cho rằng, thứ nhất không có mục nào quy định thời gian cụ thể mà nước đòi ra khỏi EU phải thông báo kích hoạt điều này, từ sau khi trưng cầu ý dân; thứ 2, việc nhanh tuyên bố rời khỏi EU trong khi những tranh cãi, chia rẽ sâu sắc giữa người ra đi, người ở lại chưa có hồi kết sẽ càng làm tình hình kinh tế, chính trị trở nên rối loạn, khó kiểm soát. Cuối cùng, các nhà lãnh đạo EU, lãnh đạo các nước chủ chốt trong liên minh cũng buộc phải đồng ý để người đứng đầu chính phủ kế nhiệm của Anh làm thay việc này cho David Cameron.

Như vậy, chỉ còn hơn 90 ngày nữa, người đàn ông của những thời khắc lịch sử nước Anh rời nhiệm sở. Sẽ còn cả núi công việc mà ông cần giải quyết trong thời gian ít ỏi này. Trong đó, có thể nói nhiệm vụ quan trọng nhất mà ông phải làm là ngăn cản Boris Johnson - nhà lãnh đạo chủ chốt của phe Brexit giành được vị trí Chủ tịch đảng kiêm Thủ tướng. Bởi có như vậy, người kế nhiệm ông mới có thể gặp thuận lợi hơn khi đàm phán với các đối tác, đặc biệt là với EU nhằm tránh cho nước Anh rơi vào vòng xoáy của một cuộc khủng hoảng toàn diện./.

Cảnh Nam

TIN LIÊN QUAN

Tin mới